Cách xử lý khi nhận các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo thông báo "khóa thuê bao"

(VOH) - Bộ Công an vừa đưa ra khuyến cáo về cách xử lý các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo bằng hình thức thông báo "khóa thuê bao".

Từ ngày 31/3/2023, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tạm dừng hoạt động của thuê bao nếu không chuẩn hóa thông tin cá nhân sau khi đối soát thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư và có thông báo đến khách hàng. Lợi dụng vấn đề trên, các đối tượng xấu gia tăng các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm: Từ ngày 31/3, khóa thuê bao di động sai thông tin

lừa đảo
Người dân cần cập nhật thông tin chuẩn xác để tránh bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng chiếm đoạt tài sản

Theo Bộ Công an, thủ đoạn của các đối tượng là thực hiện các cuộc gọi lừa đảo đến nhiều người dân trong cả nước dưới hình thức thông báo thuê bao của người được gọi sắp bị "khóa thuê bao", yêu cầu nâng cấp, bổ sung thông tin cá nhân, từ đó lừa chiếm đoạt Sim điện thoại di động của người được gọi, rồi chiếm tài khoản ngân hàng, ví điện tử của họ để chiếm đoạt tài sản.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác đề phòng nếu nhận được các tin nhắn giả danh thương hiệu của các nhà mạng (Brandname). Các đối tượng thường gửi tin nhắn giả danh các nhà mạng để lừa đảo người dân thiếu cảnh giác, kèm theo đường link yêu cầu cập nhật thông tin chủ thuê bao điện thoại.

Người dân cần kiểm tra lại thông tin thuê bao điện thoại và cập nhật thông tin theo quy định bằng các cách như: Kiểm tra thông tin chủ thuê bao theo cú pháp tin nhắn "TTTB gửi 1414"; tra cứu thông tin, cập nhật thông tin thuê bao trên các ứng dụng của nhà mạng (MyViettel, MyVNPT, My Mobifone...); gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc đến điểm giao dịch của nhà mạng để cập nhật thông tin thuê bao.

lừa đảo
Người dân cần làm theo các bước trên để chuẩn hóa thuê bao di động.
Bình luận