Chờ...

Cảnh báo thủ đoạn lập doanh nghiệp “ma” nhằm chiếm đoạt tài sản

BÌNH DƯƠNG - Ngày 20/9, Công an tỉnh Bình Dương thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác về thủ đoạn lập doanh nghiệp “ma” nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương gần đây tiếp nhận một số vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp để chuyển, nhận tiền của nạn nhân trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.

Công an tỉnh Bình Dương cho biết, các đối tượng này thường thuê người đăng ký mở doanh nghiệp “ma” (doanh nghiệp không có hoạt động thực tế), sau đó, mở tài khoản ngân hàng rồi chuyển lại toàn bộ thông tin liên quan cho đối tượng sử dụng thực hiện hành vi lừa đảo (thường là doanh nghiệp “ma” có tên gần giống với các doanh nghiệp lớn, uy tín).

Khi liên lạc với nạn nhân, các đối tượng này mạo danh cán bộ, nhân viên công ty, nạn nhân thấy tên tài khoản nhận tiền giống với tên công ty đang ứng tuyển hoặc đầu tư nên tin tưởng chuyển tiền.

cong-ty-ma-210924
Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân cảnh giác về thủ đoạn lập doanh nghiệp “ma” nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ban đầu, khi nạn nhân mới nạp số tiền nhỏ, đối tượng tiến hành thanh toán, trả lãi đầy đủ, sau khi nạn nhân đầu tư với số tiền lớn hơn, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền và chặn liên lạc với nạn nhân.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm sử dụng tài khoản doanh nghiệp, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cảnh báo người dân thận trong các giao dịch chuyển tiền cho chủ tài khoản đứng tên là pháp nhân, cần kiểm tra, đối chiếu kỹ thông tin liên quan đến doanh nghiệp đảm bảo tên tài khoản phải trùng với tên doanh nghiệp thực tế.

Nếu nghi vấn, người dân có thể trực tiếp gọi đến số điện thoại của doanh nghiệp để xác minh thông tin.

Ngoài ra, khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là cán bộ, nhân viên các công ty, thương hiệu lớn để thông báo tuyển dụng, đầu tư hoặc nhận quà tặng, làm nhiệm vụ nhận ưu đãi lớn, người dân nên cảnh giác.

Người dân không đứng ra lập các doanh nghiệp để mở tài khoản ngân hàng cho các đối tượng xấu cũng như việc cho mượn, thuê hoặc bán tài khoản doanh nghiệp cho người khác hành vi trên có thể bị xử lý theo Luật hình sự.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trước tình trạng lừa đảo ngày một gia tăng, đồng thời ngăn ngừa các trường hợp cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý các đối tượng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345 về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ ngân hàng.

Quy định từ ngày 01/7/2024 đối với tài khoản khách hàng cá nhân thì các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt và khi khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Tuy nhiên đối với tài khoản khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp thì chưa bắt buộc phải xác thực giao dịch bằng sinh trắc học mà vẫn thực hiện xác thực giao dịch bằng tin nhắn OTP thông thường nên các đối tượng đã lợi dụng để sử dụng hoạt động phạm tội.