Theo cáo trạng, tối 17/3/2023, ông L.V.T sử dụng ứng dụng ngân hàng để chuyển trả nợ số tiền 450 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thao tác, ông đã chuyển nhầm khoản tiền lớn này vào tài khoản của Phạm Duy Anh.
Phát hiện sai sót, ông T nhanh chóng chuyển tiếp 10.000 đồng vào tài khoản của Duy Anh kèm lời nhắn thông báo việc chuyển nhầm, đồng thời cung cấp số điện thoại để liên lạc và xin lại tiền. Ông T tiếp tục thực hiện thêm hai giao dịch tương tự với lời nhắn tương tự, hy vọng nhận được phản hồi từ Duy Anh, nhưng tất cả đều không có kết quả.
Thay vì liên hệ với ông T hoặc hoàn trả số tiền đã chuyển nhầm, Duy Anh chọn cách im lặng. Ngày hôm sau, Duy Anh đã chuyển 6 triệu đồng từ số tiền này để trả nợ cho một người phụ nữ. Tiếp đến, vào ngày 19/3/2023, bị cáo tiếp tục sử dụng 10 triệu đồng để trả nợ cho một người đàn ông khác.
Đến giữa tháng 4/2023, Duy Anh dự định dùng số tiền còn lại để thanh toán hóa đơn tiền điện. Tuy nhiên, tài khoản ngân hàng của bị cáo lúc này đã bị phong tỏa theo yêu cầu từ phía ông T. Trong tài khoản của Duy Anh khi đó vẫn còn hơn 434 triệu đồng.
Ngày 13/9/2024, TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Duy Anh về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Tòa tuyên phạt bị cáo mức án 2 năm tù. Sau bản án, Duy Anh nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mong được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 6/1/2025, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là nghiêm trọng. Sau khi biết nạn nhân chuyển nhầm tiền, bị cáo không hoàn trả mà cố tình chiếm giữ để sử dụng cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên, tòa cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ, bao gồm việc Duy Anh phạm tội lần đầu, đã tự nguyện hoàn trả số tiền còn lại cho nạn nhân, cùng đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự từ phía ông T.
Ngoài ra, gia cảnh của bị cáo khó khăn, phải nuôi con nhỏ đang mắc bệnh. Xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội, HĐXX quyết định sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt Phạm Duy Anh mức án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.