Thống kê của Trung tâm giáo dục thiên nhiên - ENV, trong tháng 10 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang xử phạt đối tượng Phạm Hương Lan, sinh năm 1984, trú tại tỉnh Hà Giang 77,5 triệu đồng về hành vi đăng tải quảng cáo sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định. Trước đó, người này đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để quảng cáo rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, móng gấu, cao khỉ và nhiều sản phẩm khác.
Trong tháng 10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Nguyễn Thị Bích Hậu, sinh năm 1989, trú tại thành phố Lạng Sơn với mức phạt 85 triệu đồng về hành vi quảng cáo hàng cấm. Đối tượng này đã đăng tải các bài viết quảng cáo, rao bán mật gấu, vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên xử phạt đối tượng Nguyễn Thị Tuấn, trú tỉnh Điện Biên, mức phạt 70 triệu đồng cho hành vi quảng cáo mật gấu trái phép. Trước đó, Công an thành phố Điện Biên Phủ phát hiện đối tượng Tuấn thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản Facebook khác nhau đăng tải các bài viết rao bán mật gấu trái phép.
Xem thêm: Bắt quả tang kẻ đột nhập cửa hàng điện thoại trộm tài sản hơn 1 tỷ đồng
Theo bà Bùi Thị Hà- Phó Giám đốc Trung tâm thiên nhiên trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm về động vật hoang dã trên không gian mạng tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. “Tuy không gian mạng là “ảo”nhưng các giao dịch và lợi ích đối tượng thu được từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép là có thật. Hy vọng những mức hình phạt nghiêm khắc với hành vi quảng cáo động vật hoang dã góp phần răn đe, nâng cao nhận thức của cộng đồng về những hậu quả nghiêm trọng của hành vi này, góp phần xóa bỏ vi phạm về động vật hoang dã trên không gian mạng”