Người dân đến nộp hồ sơ cấp, đổi giấy Giấy phép lái xe sau khi đăng ký số thứ tự qua Tổng đài 1081. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
Tham gia chương trình “Trò chuyện cùng Bác tài” ngày 06/10, thính giả Trần Quang Khánh thắc mắc: Năm 2009, ông được cấp giấy phép lái xe hạng A1 tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên. Nay ông Khánh muốn đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái. Vậy, hồ sơ đăng ký cần những giấy tờ gì và có cần hồ sơ gốc không?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau: Có thể đổi giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cũ đã được cấp sang giấp phép mới tại Sở Giao thông vận tải các tỉnh khác.
Hồ sơ được quy định như sau: Tại Điều 54 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 7/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; Điều 1 Thông tư số 48/2014/TT-BGTVT ngày 15/10/2014 và Điều 1 Thông tư số 87/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT, thì hồ sơ đổi giấy phép lái xe hạng A1 do ngành Giao thông vận tải cấp, gồm:
- Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 29 của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT;
- Bản sao giấy phép lái xe mô tô hạng A1;
- Khi đến đổi giấy phép lái xe, người lái xe được cơ quan cấp giấy phép lái xe chụp ảnh và phải xuất trình giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) để đối chiếu.
Quy định hiện hành không bắt buộc phải có hồ sơ gốc đối với trường hợp còn bản chính giấy phép lái xe khi làm thủ tục cấp đổi lại; Thời gian đổi giấy phép lái xe không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.
Phương tiện bị rớt hoặc bị tháo mất biển số khi tham gia giao thông xử phạt thế nào ?
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường phải chấp hành quy tắc giao thông; Phải gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và phải có giấy đăng ký xe theo quy định.
Với trường hợp nêu trên, khi đến giải quyết vi phạm theo hẹn ghi trong biên bản vi phạm hành chính bạn phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký xe. Trên cơ sở đó cán bộ CSGT sẽ tiến hành đối chiếu với thực tế, nếu trùng khớp thì cơ quan CSGT sẽ trả xe cho người vi phạm khi hết thời hạn tạm giữ. Tương ứng với các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
- Không gắn biển số mức phạt từ 300.000 – 400.000 đồng quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 17;
- Không mang theo giấy đăng ký xe mức phạt từ 80.000 – 120.000 đồng quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 21 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. Biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
Chương trình "Trò chuyện cùng Bác tài" được phát sóng từ 9 giờ 5 phút đến 9 giờ 30 ngày thứ Ba hàng tuần, trên sóng FM 99.9MHz. Số điện thoại tham gia giao lưu trực tiếp: (08) 3910 4866.
|