Chờ...

Từ ngày 15/10: Buôn bán mỹ phẩm giả có thể bị phạt đến 140 triệu đồng

(VOH) - Theo quy định mới trong Nghị định 98/2020 có hiệu lực từ ngày 15/10, cá nhân buôn bán mỹ phẩm, thiết bị y tế giả… có thể bị phạt đến 140 triệu đồng, thay vì chỉ 100 triệu đồng như hiện tại.

Đây là mức tiền phạt cao nhất được đưa ra tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định này ban hành ngày 26/08/2020 và có hiệu lực từ 15/10/2020.

mỹ phẩm giả
Mỹ phẩm giả đang được bán tràn lan trên mạng. Ảnh minh hoạ

Mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc bảo vệ thực vật… giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì cụ thể là có nhãn hoặc bao bì giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu mỹ phẩm; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…

Cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng đối với mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nhập khẩu hàng giả sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 2 đến 6 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 6 đến 10 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3 đến dưới 5 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5 đến dưới 10 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5 đến dưới 10 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10 đến dưới 20 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 20 đến 60 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10 đến dưới 20 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20 đến dưới 30 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 60 đến 100 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20 đến dưới 30 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30 đến dưới 50 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 100 đến 140 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp buôn bán hàng giả khác thì mức phạt sẽ bằng một nửa mức phạt nêu trên.

Lưu ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi, tức mức phạt tiền tối đa với tổ chức lên đến 280 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, tùy vào loại hàng giả, tính chất, mức độ vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu, tiêu hủy hoặc buộc đưa hàng giả ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6 - 12 tháng.

HL (Tổng hợp)

Sau TPHCM, Hà Nội sẽ xử phạt người không đeo khẩu trang từ 7/8 - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết từ hôm nay (7/8) Hà Nội sẽ triển khai lực lượng xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang. 

Từ 5/8: CSGT được xử phạt dựa vào hình ảnh trên báo đài, mạng xã hội - Từ ngày 5/8, CSGT được xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông dựa vào những thông tin, hình ảnh do tổ chức, cá nhân cung cấp trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…