Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên - Thực tiễn và kinh nghiệm của một số quốc gia

(VOH) - Ngày 13/10, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo Quốc tế “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” dưới hình thức trực tuyến.

Với mong muốn mang đến một diễn đàn nhằm trao đổi quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm, ngày 13/10, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo Quốc tế “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” dưới hình thức trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức nhằm xác định những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự hoạt động chưa hiệu quả của hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam đối với người chưa thành niên; Đề xuất các giải pháp cải cách pháp luật và thực hiện pháp luật, chủ yếu trên cơ sở so sánh với các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên.

Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên - Thực tiễn và kinh nghiệm của một số quốc gia 1
Toàn cảnh buổi hội thảo thông qua phần mềm Zoom

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Phó trưởng ban tổ chức thường trực, cho rằng tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tư pháp hình sự của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lĩnh vực tư pháp hình sự người chưa thành niên được xây dựng trên cơ sở nhận thức của xã hội về Thể chất và tâm lý của người chưa thành niên được phát triển toàn diện, và từ nhận thức trên đã hình thành niên mục đích của các nhà làm luật và nhằm bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục họ trở thành người có trách nhiệm trong xã hội.

Tuy nhiên, nhìn nhận theo một cách khách quan, hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng đó, việc tiếp tục cải cách pháp luật và nâng cao năng lực hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên ở nước ta là một nhu cầu cấp bách và cần thiết.

Hội thảo được chia làm hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất với chủ đề Tư pháp hình sự người chưa thành niên trong lĩnh vực hình sự; Phiên thứ hai với chủ đề Tư pháp hình sự người chưa thành niên trong lĩnh vực tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

Trong nội dung bài tham luận với chủ đề Bàn về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong quy định của Bộ luật Hình sự và kiến nghị của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên.

Mặc dù biện pháp này được quy định ngay trong BLHS đầu tiên của Việt Nam và duy trì cho đến nay nhưng rất ít tài liệu phân tích về bản chất và mục đích của biện pháp này, cũng như căn cứ đặc thù trong việc áp dụng biện pháp này.

Thông qua bài tham luận, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa phân tích, làm rõ bản chất và biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, sự khác nhau giữa mục đích của biện pháp này với mục đích của hình phạt; kiến nghị sửa đổi quy định về biện pháp này.

Trong phiên thảo luận này, các đại biểu đã có những phần thảo luận sôi nổi về xoay quanh các bài tham luận. Đặc biệt, vấn đề tư pháp về đối với người chưa thành niên của Ấn Độ, Canada và kinh nghiệm giải quyết của các nước để từ đó, rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hiện nay, việc thẩm vấn và tranh tụng còn đang trong quá trình chuyển đổi khi áp dụng đối với người chưa thành niên, mô hình nào bảo vệ được quyền cho người chưa thành niên thì vẫn chưa có câu trả lời.

Bên cạnh đó, việc thẩm vấn không đúng có thể đặt người chưa thành niên vào hoàn cảnh không được bảo vệ và có nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn. Do đó, khi cần thẩm vấn, xét hỏi có thể sử dụng các biện pháp phù hợp với người dưới 18 tuổi dựa trên các nguyên tắc chung như không khiến cho người chưa thành niên trở thành nạn nhân...

Trong khi đó, tại phiên thứ hai với chủ đề “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên”, các đại biểu đã tập trung thảo luận các chủ đề: Xử lý chuyển hướng và tư pháp phục hồi; Đảm bảo việc xét xử công bằng đối với các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên; Các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội và Tổ chức hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.