Việt Nam là nơi tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã lớn trên thế giới

(VOH) -  Sáng 10/5, tại TPHCM, đã diễn ra tọa đàm "Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức" do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên – ENV tổ chức.

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên – ENV đã tổ chức tọa đàm nhằm ghi nhận, đánh giá tình hình buôn bán ĐVHD hiện nay tại Việt Nam cũng như chia sẻ những thành tựu và thách thức trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam sau hơn 10 năm thực hiện các chiến lược nhằm tăng cường thực thi pháp luật, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong cộng đồng.

Tọa đàm
Tọa đàm "Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức" .

Trong 5 năm (2015 - 2020), ENV đã ghi nhận 9.239 vụ vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam, trong số vụ vi phạm này bao gồm gần 25.000 các vi phạm đơn lẻ, từ các vi phạm ít nghiêm trọng như nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cưng hoặc quảng cáo các sản phẩm làm từ ngà voi trên Internet, đến các vụ bắt giữ với số lượng lớn sừng tê giác, vảy tê tê, hổ…

Theo thống kê từ ENV, trong quí 1/2022 đã có 808 vụ việc về động vật hoang dã được ghi nhận, trung bình 10 cuộc gọi/ngày đến đường dây nóng 1800- 1522, hỗ trợ tịch thu 241 cá thể, hỗ trợ tiếp nhận 50 cá thể.

Việt Nam là nơi tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã lớn nhất thế giới! 1
 

Về công tác xử lý hình sự các vụ án về ĐVHD, trong năm 2021 có 133 vụ án về ĐVHD, 225 đối tượng bị bắt giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự 80 bị can, 74 bị cáo nhận án tù giam, số vụ án có bị cáo bị tuyên phạt án tù giam chiếm tỉ lệ 47,9%, mức án tù giam trung bình là 3,83 năm cho một bị cáo.

Riêng tại TPHCM, tính từ 2018 đến cuối tháng 3/2022, có 16 vụ án được đưa ra xét xử, 10 bị cáo nhận án tù giam với tổng số 486 tháng tù.

Việt Nam là nơi tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã lớn nhất thế giới! 2
 

Theo ENV ghi nhận, đánh giá từ cộng đồng quốc tế cho rằng Việt Nam là thị trường tiêu thụ và trung chuyển ĐVHD lớn nhất thế giới, tội phạm về ĐVHD của người Việt Nam có mặt rải rác ở khắp lục địa Châu Phi và hiện Việt Nam còn thiếu những giải pháp hiệu quả xử lý tội phạm về ĐVHD.

Từ năm 2015 đến nay, gần 100 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đã bị bắt giữ tại các cảng và sân bay lớn trên cả nước. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay không có đối tượng nào đứng sau các vụ bắt giữ hàng tấn ĐVHD tại các cảng biển bị đưa ra xét xử.

"Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị xử lý, chúng ta mới có thể cho các đối tượng này và đối tượng khác thấy được rủi ro từ hoạt động buôn bán mang lại lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn này", bà Bùi Thị Hà, phó giám đốc ENV phát biểu.

Theo ENV, con số hàng trăm tấn bị bắt giữ này theo ENV cũng chỉ là bề nổi phản ánh một tỷ lệ rất nhỏ khối lượng ĐVHD được nhập lậu vào Việt Nam. (Cùng thời gian này có 76 tấn ngà voi và vảy tê tê cũng đã bị tịch thu trong các vụ việc bắt giữ ở nước ngoài có điểm đến là Việt Nam).

Một video clip do ENV thực hiện tuyên truyền cho công tác phòng chống tội phạm về Động vật hoang dã 

Từ thực trạng trên, ENV đề xuất thực hiện một số giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam:

- Tăng cường quản lý các cơ sở bảo tồn và các cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không vì mục đích thương mại.

- Nghiêm trị các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép. Nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD.

- Quy định và quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại.

- Giảm thiểu nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai do thói quen tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã.

- Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm về động vật hoang dã. Ngăn chặn sự tiếp tay của các ngành chức năng trong các vụ việc vi phạm về ĐVHD (như trong việc cấp phép cơ sở nuôi thương mai ĐVHD làm “vỏ bọc” hợp pháp; không xử lý, xử lý không đúng mức các đối tượng vi phạm hay việc “lót tay” để được thông quan tại các cửa khẩu…)

- Nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

- Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm động vật hoang dã trên Internet.

- Tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu ở Việt Nam.

Bình luận