Mưa Trên Cánh Bướm là tác phẩm Việt đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế trong năm 2024, trong đó nổi bật là giải Phim hay nhất và Phim sáng tạo nhất tại Liên hoan phim Venice. Tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh được lựa chọn là phim Việt “xông đất” năm 2025.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện trong gia đình của bà Tâm (Tú Oanh thủ vai) - một phụ nữ trung niên làm nghề tổ chức tiệc cưới. Bi kịch trong cuộc sống bắt đầu khi bà phát hiện chồng ngoại tình. Bà Tâm tìm đến "thầy pháp online" nhằm “kéo hồn” chồng về nhà, nhưng lại vô tình đánh thức một thế lực kì bí trong chính ngôi nhà của mình.
Mưa Trên Cánh Bướm lấy bối cảnh chính tại một khu chung cư cũ tại Hà Nội. Đây là tác phẩm điện ảnh Việt hiếm hoi làm nổi bật cuộc sống tại đất thủ đô. Những hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống người Việt như "đi bão" sau mỗi trận bóng đá mà đội tuyển nước nhà giành chiến thắng hay thói "buôn chuyện" của những bà cô hàng xóm.
Khi nhắc đến một tác phẩm giành giải thưởng tại liên hoan phim, một số khán giả sẽ có tâm lý ái ngại vì lo sợ sẽ không hiểu được ý nghĩa của phim. Mưa Trên Cánh Bướm dù có những lớp ý nghĩa sâu xa, trừu tượng nhưng vẫn đan cài nhiều thông điệp hiện hữu trong các hình tượng vô cùng quen thuộc. Đây là một ưu điểm giúp đứa con tinh thần của Dương Diệu Linh tiếp cận được nhiều khán giả đại chúng.
Vấn đề rõ ràng nhất được khắc họa trong Mưa Trên Cánh Bướm chính là lối suy nghĩ cổ hũ, lạc hậu còn tồn tại trong nhiều người. Bà Tâm dù bị chồng phản bội nhưng thay vì tìm cách để chấm dứt hay thẳng thắn giải quyết vấn đề thì lại tin vào mê tín dị đoan và những lời khuyên bảo vô ích trên mạng xã hội. Con gái của bà cũng trở thành nạn nhân của tư tưởng "trọng nam khinh nữ" lỗi thời. Cô luôn tự cho mình là nguyên nhân khiến bố mẹ không thể sống hạnh phúc.
Từng chi tiết trong phim còn thể hiện rõ tư tưởng xem thường phụ nữ, cho rằng phụ nữ phải biết "giữ chồng". Người mẹ chồng không trách mắng con trai về lỗi lầm đã gây ra mà dùng lý lẽ "đàn ông ai cũng thế" để áp đặt lên bà Tâm. Cũng vì suy nghĩ này, không chỉ riêng bà Tâm mà nhiều phụ nữ khác xuất hiện trong phim cũng tin theo các "mẹo giữ chồng" dù chúng có đau đớn hay ghê rợn đến đâu.
Hình tượng được sử dụng xuyên suốt trong phim chính là mái nhà bị dột nước. Đây dường như là hình ảnh ẩn dụ cho sự rạn nứt, đổ vỡ trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Dù cố sửa chữa, chắp vá bằng nhiều cách nhưng vết dột ấy vẫn ngày một lớn hơn.
Mưa Trên Cánh Bướm còn gây bất ngờ khi sử dụng những yếu tố kì ảo. Hình tượng một bóng ma đeo bám theo bà Tâm có thể gây khó hiểu cho một số khán giả. Dường như cũng tương tự với vết dột trên trần nhà, sinh vật kỳ lạ này đại diện cho nỗi uất ức mà bà Tâm cất giữ trong lòng. Hình bóng ấy gặm nhấm dần và khiến con người không thể thoát ra.
Mưa Trên Cánh Bướm chính là một tác phẩm vừa có khả năng phục vụ khán giả đại chúng, vừa đảm bảo tính nghệ thuật. Tuy nhiên, sau 2 ngày chiếu sớm và 1 ngày khởi chiếu chính thức, doanh thu phim tại Việt Nam tương đối 'hẩm hiu", chỉ mới vượt 100 triệu đồng. Nhiều ý kiến mong đợi bộ phim sẽ có cú lội ngược dòng để đạt được doanh thu xứng đáng với độ đầu tư và chất lượng của phim.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.