Đối với đại đa số khán giả thế hệ 8x, 9x, hẳn đều từng ít nhất vài lần xem phim Trung Quốc kinh điển Tây Du Ký phiên bản năm 1986. Thập niên 80 là giai đoạn đầu phát triển của nghệ thuật phim ảnh tại Trung Quốc. Ra đời đúng vào thời điểm này, Tây Du Ký sau khi phát hành đã nhận được sự yêu mến rộng khắp.
Với điều kiện hết sức hạn chế, thời điểm bấy giờ làm phim đã rất khó khăn, thiếu thốn thì làm nhạc cũng chẳng thể nào có được hai chữ dễ dàng. Yêu thích phim Tây Du Ký, xem đi xem lại hết lần này đến lần khác nhưng không phải khán giả trung thành nào cũng biết đến cái tên Hứa Kính Thanh - "cha đẻ" của những ca khúc góp phần tạo nên thành công cho bộ phim này.
Sau đây hãy cùng VOH khám phá quá trình phía sau những bản nhạc kinh điển trong Tây Du Ký nhé!
Hành trình gian nan để tạo nên những ca khúc kinh điển trong Tây Du Ký
Không mấy ai biết về nhạc sĩ Hứa Kính Thanh, người đứng sau rất nhiều bài hát kinh điển trong Tây Du Ký sống mãi trong lòng khán giả đến tận hôm nay. Hơn nữa, càng không biết người tài năng nhạy bén với âm thanh như ông có xuất thân từ một gia đình nghèo khó, phải trải qua rất nhiều thử thách mới có thể trở thành người phổ nhạc cho Tây Du Ký.
Nhạc sĩ vô danh nhưng "phù hợp"
Một ngày nọ vào tháng 6 năm 1986, Hứa Kính Thanh gặp Dương Khiết và nghĩ rằng lần hợp tác này vừa bắt đầu đã phải "chết yểu". Hóa ra, sau khi Tây Du Ký chiếu được 11 tập, song song với sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả vẫn nhận về không ít phê bình, chủ yếu tập trung vào phần nhạc. Các lãnh đạo đài truyền hình thời điểm ấy không hài lòng với các ca khúc lẫn nhạc đệm của phim Tây Du Ký.
Giám đốc đài Vương Phong đã tập hợp một số chuyên gia, nhạc sĩ cùng thảo luận, nghiên cứu về phần nhạc của Tây Du Ký. Họ hy vọng tạo ra âm nhạc có thể làm hài lòng cả đài truyền hình lẫn khán giả.
Các chuyên gia nêu ra 2 ý kiến về phần âm nhạc trong Tây Du Ký: Thứ nhất, phần giai điệu có vẻ lạ lẫm, mang âm hưởng của phương Tây nhiều hơn, đặc biệt là tiếng trống điện tử. Đối với một tác phẩm thần thoại cổ điển Trung Hoa như Tây Du Ký, chúng không phù hợp với màu sắc dân tộc. Thứ hai, âm nhạc không có cảm giác thời đại, cần phải học hỏi những tác phẩm phim truyền hình nổi bật khác như Tứ Đại Đồng Đường hay Chu Cát Lượng.
Sau khi nghe những điều này, đạo diễn Dương Khiết cảm thấy rất bất mãn. Ở vai trò một đạo diễn, bà hết sức chú trọng phần âm nhạc của Tây Du Ký. Vốn là sự kết hợp của các loại hình nghệ thuật, phim truyền hình là kết quả của sự tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật bao gồm kịch bản, góc máy, bối cảnh và âm nhạc... muốn tạo nên một bộ phim thành công, âm nhạc là phần rất quan trọng.
Dương Khiết thừa nhận bản thân không hiểu âm nhạc, nhưng bà cảm thấy phần phối nhạc của Tây Du Ký nên hướng theo hơi thở vui tươi, sinh động, tự do không trói buộc, phải phù hợp với tình tiết nhất là ca khúc chủ đề.
Trước khi hợp tác với Hứa Kính Thanh, biên tập âm nhạc Vương Văn Hoa đã giới thiệu một số nhà sáng tác nhạc tham gia phối nhạc cho Tây Du Ký. Lúc này có 2 bài được thu âm gồm 云荡荡海茫茫 (tạm dịch: Mây bồng bềnh biển rộng mênh mông) và 百曲千折显精诚 (tạm dịch: Trăm khúc quanh co thể hiện sự chân thành) với lời hát quen thuộc "mây bồng bềnh, biển rộng mênh mông, đá vỡ kinh trời Mỹ Hầu Vương".
Dương Khiết cảm thấy 2 bài hát này đều có phần lỗi thời, không thể hiện được sự sống động của Tây Du Ký. Bà yêu cầu Vương Văn Hoa tiếp tục tìm kiếm nhạc sĩ thật sự phù hợp. Vương Văn Hoa không phụ sự kỳ vọng của Dương Khiết, khi quay tập Kế Thu Phục Trư Bát Giới, Vương Văn Hoa đã lấy máy ghi âm cho Dương Khiết nghe một đoạn nhạc.
Đoạn nhạc dài hơn 1 phút lập tức khiến nữ đạo diễn kinh ngạc và thốt lên đây chính là thứ mà mình muốn, có thể dùng cho đoạn phim bầy khỉ chơi đùa vui vẻ trong động Thủy Liêm với tên gọi là Hoa Quả Sơn Vui Vẻ. Sau khi biết Hứa Kính Thanh là người sáng tác đoạn nhạc vừa nghe, một tác giả hoàn toàn vô danh, Dương Khiết không quan tâm ông có nổi tiếng hay không, bà chỉ cần ca khúc đạt yêu cầu.
Để kiểm tra năng lực sáng tác của Hứa Kính Thanh, Dương Khiết đã giao cho ông sáng tác ca khúc có tên Xin Hỏi Đường Đi Nơi Nào do Viêm Túc viết lời. Không cần quá nhiều thời gian, Hứa Kính Thanh liền hoàn thành phần nhạc phối. Khi nghe xong, nữ đạo diễn rất vui vẻ, hài lòng và nói với Vương Văn Hoa sử dụng làm ca khúc chủ đề.
Học nhạc dưới loa phát thanh trong thôn
Mỗi một người đều có tài năng độc đáo riêng của mình và Hứa Kính Thanh cũng không ngoại lệ. Ông được mệnh danh là "người khai sinh ra nhạc điện tử" tại Trung Quốc. Nhưng ai có ngờ, ông vốn sinh ra trong gia đình có điều kiện rất khó khăn. Lúc bé, cách duy nhất để ông tiếp xúc với âm nhạc chính là chiếc loa phát thanh ở đầu thôn.
Hứa Kính Thanh ra đời tại một thôn nhỏ thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào những năm 1942. Giai đoạn này, nạn đói diễn ra triền miên, nhà ông nghèo đến mức không có nổi cơm để ăn. Cả nhà ông đã dắt díu nhau theo đội ngũ vượt cửa Đông, đến vùng đất băng tuyết Hắc Long Giang sinh sống.
Từ nhỏ, Hứa Kính Thanh đã biết phụ giúp gia đình. Năm lên 5 tuổi, ông giúp mẹ chăm sóc em gái, từ trời tờ mờ sáng đã đi nhặt nhánh cây, than vụn nếu không sẽ khó lòng để vượt qua khỏi những ngày mùa đông giá rét.
Trong nhà khi ấy chỉ có một cây đàn nhị, là vật giải trí duy nhất của cha ông sau giờ làm việc. Lúc rảnh rỗi, Hứa Kính Thanh sẽ lấy đàn nhị để chơi thử, đó cũng chính là nguồn cảm hứng âm nhạc thời thơ ấu của ông. Ngoài ra, ông rất thích đứng dưới cột điện treo loa phát thanh trong thôn, bởi đó chính là nơi đầu tiên đã "dạy" ông về âm nhạc.
Vào năm Hứa Kính Thanh lên 14 tuổi, cha ông không còn khả năng để gánh vác cả nhà lớn nhỏ. Trước khi qua đời, cha ông dặn dò rằng: "Hãy đối xử tốt với mẹ của con nhé!".
Kể từ đó, Hứa Kính Thanh trở thành người đàn ông duy nhất trong gia đình đồng nghĩa là trụ cột của gia đình. Không chỉ nhủ lòng phải thực hiện lời căn dặn của cha, ông còn muốn gánh vác trách nhiệm gia đình càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, ông lại không cam tâm dễ dàng từ bỏ ước mơ cũng như niềm đam mê với âm nhạc của mình.
Xem thêm: Top 15 tựa phim cổ trang Trung Quốc ngày xưa vang danh một thời
Sáng tác gắn liền với những cảm xúc trong suốt cuộc đời
Dựa vào số tiền ít ỏi kiếm được qua việc nhặt rác cùng mẹ, ông thi đậu vào Học viện Nghệ thuật Cáp Nhĩ Tân. Khi hầu hết những người bạn đồng trang lứa đều đang hào hứng, ung dung với tuổi trẻ rực rỡ, Hứa Kính Thanh chẳng dám lơ là, lãng phí một giây phút nào. Ngoài giờ học, ông đi làm thêm, ông là người mờ nhạt trong lớp, chỉ mong muốn nhanh chóng hoàn thành việc học sau đó tìm công việc ổn định để cáng đáng gia đình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được phân công đến Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Nông nghiệp Trung Quốc với vai trò thiết kế âm nhạc. Kể từ đó, Hứa Kinh Thanh xem như có cuộc sống ổn định nhưng dẫu vậy, ông vẫn rất thiếu thốn tiền bạc.
Vào nửa cuối năm 1983, một biên tập viên âm nhạc của CCTV đã tìm đến gặp ông và đưa cho ông bản lời bài hát 生无名本无姓 (tạm dịch: Sinh ra không tên, vốn không họ). Ông đã hoàn thành phần nhạc cho ca khúc chỉ trong thời gian rất ngắn.
Đạo diễn Dương Khiết đã nghe qua 7 bản của các nhà soạn nhạc khác, đều không có bản nào phù hợp trong khi họ đều nổi tiếng hơn Hứa Kính Thanh. Thế nhưng, khi nữ đạo diễn nghe đến bản nhạc của Hứa Kính Thanh, bà đã rất hài lòng và ngay lập tức liên hệ, mời ông chịu trách nhiệm phần nhạc cho Tây Du Ký.
Từ đây, Hứa Kính Thanh bắt đầu làm nhạc phim trong 4 năm cũng đồng nghĩa trong quãng thời gian này, nhạc phim Tây Du Ký chính là tất cả trong cuộc đời ông.
Trong lúc sáng tác Vân Cung Tấn Âm - 云宫迅音, Hứa Kính Thanh nhiều ngày liền không chợp mắt nhưng lại chẳng thể tìm thấy cảm hứng nào hay ho. Khi ông đang mơ hồ nhìn về nơi xa xăm phía cuối dãy núi đơn bạc, bỗng nghe thấy âm thanh "tang tang tang" bên ngoài cửa sổ, nhiều âm thanh xen kẽ nhau, mơ hồ giống như khúc dạo đầu của một bài hát.
Khi ông nhìn ra ngoài cửa sổ, hóa ra đó là tiếng một số công nhân đang gõ hộp cơm trưa chuẩn bị đi ăn cơm. Bản nhạc chợt lóe lên trong đầu ông như tia chớp. Ông liền cầm bút ghi giai điệu ra giấy, thế là ca khúc "nhạc điện tử" thần thánh đầu tiên của Trung Quốc - Vân Cung Tấn Âm ra đời.
Tuy nhiên, dù đã sáng tác xong giai điệu nhưng việc thu âm bài hát rất khó khăn. Các âm thanh mở đầu bài hát là âm thanh của trống điện tử nhưng thời điểm bấy giờ ở Trung Quốc vẫn chưa có loại nhạc cụ này.
Hứa Kính Thanh khó khăn lắm mới tìm mượn được bộ trống điện tử duy nhất tại Bắc Kinh. Trống điện tử chỉ cần gõ nhẹ sẽ phát ra âm thanh, nhưng trong lúc thu âm người chơi trống lại gõ trống điện tử giống như đang chơi trống truyền thống khiến cho bề mặt trống để lại nhiều vết lỏm. May thay, khi trả trống, phía người cho mượn đã không gây khó dễ cho ông.
Sau khi ca khúc ra mắt, lãnh đạo đài đã không đồng ý sử dụng ca khúc vì nó kết hợp yếu tố âm nhạc điện tử và nhạc cụ nước ngoài trong khi Tây Du Ký mang đậm bản sắc thần thoại phương Đông cũng như văn hóa Trung Hoa. Nhưng nhờ sự kiên trì của đạo diễn Dương Khiết mà tác phẩm kinh điển này đã được ra mắt, góp phần tô điểm thêm cho hành trình đi thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng.
Cảm hứng về ca khúc Xin Hỏi Đường Đi Nơi Nào cũng đến bất chợt khi ông đang ngồi trên xe buýt. Khung cảnh ngoài cửa sổ cứ chầm chậm thay đổi, khu chợ hiện ra trong tầm mắt ông, những người bán hàng, nông dân... khiến ông bất chợt rơi vào suy nghĩ: "Con người ta vất vả, bươn chải cả một đời rốt cuộc để vì điều gì?".
Giai điệu đã trở nên rất quen thuộc đối với rất nhiều thế hệ khán giả:
Thế là trong đầu ông liền xuất hiện hai câu "Biết bao mùa xuân, thu, đông, hạ, biết bao lần cay đắng ngọt bùi..." và rồi giai điệu của bài hát Xin Hỏi Đường Đi Nơi Nào được ra đời.
Sáng tác nhạc Tây Du Ký gần 4 năm có thể khẳng định là khoảng thời gian hoàng kim trong sự nghiệp sáng tác của Hứa Kính Thanh. Ông sáng tác giai điệu cho 14 ca khúc trong Tây Du Ký gồm ca khúc mở đầu, cuối phim và nhiều tác phẩm kinh điển ăn khách nhưng chưa bao giờ đi tìm danh vọng hay tiền tài. Khi số phận với Tây Du Ký kết thúc, ông chỉ có một ước mơ duy nhất là tổ chức một buổi hòa nhạc.
Hơn 30 năm không lấy được bản quyền
Năm ấy, nhạc sĩ Hứa Kính Thanh trong thời gian sáng tác nhạc cho Tây Du Ký, trước sau đã chắp bút không dưới 100 tác phẩm. Từ nửa cuối năm 1983 cho đến mùa xuân năm 1987, gần 4 năm trời, nam nhạc sĩ đã dành trọn để viết ca khúc cho Tây Du Ký.
Giờ đây, Tây Du Ký 1986 đã chiếu đi chiếu lại không dưới 3000 lần, sức lan tỏa vẫn tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nội dung hấp dẫn, diễn xuất của dàn diễn viên đi sâu vào lòng người. Đặc biệt, phần nhạc quá đỗi mê hoặc đã đóng góp rất lớn vào thành công rực rỡ của Tây Du Ký.
Chỉ cần một giai điệu quen thuộc vang lên lập tức khiến khán giả nhớ ngay đó là ca khúc mở đầu hay kết phim, phân cảnh của Đường Tăng hay Tôn Ngộ Không xuất hiện...
Những gương mặt đảm nhận vai chính Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đường Tăng... thậm chí các giọng ca thể hiện bài hát trong phim cũng trở nên nổi tiếng. Họ có được danh tiếng, những tràng pháo tay thể hiện sự yêu mến, ủng hộ và công nhận từ công chúng. Trong khi đó, nhạc sĩ Hứa Kính Thanh lại bị người ta quên lãng tận ba thập niên.
Đến nay, Hứa Kính Thanh và vợ vẫn sống tại một căn hộ chung cư cũ kỹ bình thường, không có thang máy, điều kiện khó khăn, nhưng đây cũng chính là nơi mà ông đã sáng tác hơn 30 năm qua.
Soạn nhạc xong cho ca khúc đầu tiên Xin Hỏi Đường Đi Nơi Nào, Hứa Kính Thanh chỉ nhận được thù lao 250 NDT (khoảng 860.000 VND) từ đoàn phim. Sau đó, ca khúc này đoạt được rất nhiều giải thưởng lớn ở trong lẫn ngoài nước. Người viết lời là Diêm Túc và người hát là Tưởng Đại Vi, cả hai đều được gọi tên lên sân khấu nhận cúp, chỉ riêng một mình Hứa Kính Thanh lặng lẽ ngồi ở bên dưới vỗ tay chúc mừng cho hai người.
Lấy hết dũng khí, ông gọi điện cho đài truyền hình để giải đáp thắc mắc tại sao mình không được nhận cúp như Diêm Túc và Tưởng Đại Vi. Phía đài truyền hình liền phản hồi sẽ trao lại giải thưởng cho ông sau. Thế nhưng buồn thay, vài ngày sau, ông đến trước cửa phòng bảo vệ và nhận được phần thưởng một cách cho có lệ.
Đáng lẽ ra, Hứa Kính Thanh phải được đứng trên sân khấu dưới ánh đèn rực rỡ để nhận lấy giải thưởng vinh dự này nhưng kết quả lại do một người bảo vệ đưa cho ông đầy qua loa. Không biết khoảnh khắc đó ông đã thất vọng và buồn bã đến mức nào.
Nhiều năm qua, Tưởng Đại Vi mỗi khi biểu diễn các chương trình thương mại đều trình diễn ca khúc này, số tiền thu về sao có thể đếm xuể. Tuy nhiên, Hứa Kính Thanh - người mà giọng ca nam cao gọi là ân sư lại chưa từng nhận được phí bản quyền nào.
Bao gồm cả các ca khúc khác như Tình Nữ Nhi, Vân Cung Tấn Âm, Trư Bát Giới Cõng Vợ... đều đã nổi tiếng đến mức được các đài truyền hình, phim truyền hình, điện ảnh sử dụng, nhưng hiếm khi có ai trả tiền bản quyền cho Hứa Kính Thanh.
Năm 2014, khi Hàn Hàn đang quay phim Sau Này Không Gặp Lại, muốn sử dụng ca khúc Tình Nhi Nữ. Nào ngờ, một phát hiện quan trọng của Hàn Hàn đã tiết lộ bí mật phía sau Tây Du Ký 1986.
Hóa ra, nhạc sĩ Hứa Kính Thanh và đạo diễn Dương Khiết đều không biết ca khúc của mình được cấp phép bản quyền. Chuyện thật như đùa, nhiều năm trôi qua nhưng ông chỉ từng nhận 8000 NDT (27,5 triệu VND) phí nhạc chuông và 2,7 NDT (9000 VND) từ một trang web.
Bản thân Hứa Kính Thanh rất lấy làm khó hiểu về con số 2,7 NDT, là vì biết ông thích hút thuốc lá có giá 2,7 NDT hay sao? Vậy chi bằng đưa thẳng cho ông 1 bao thuốc lá còn tốt hơn!
Sau bao nhiêu vất vả, lặng lẽ hy sinh, bị lãng quên gần 3 thập kỷ, khi thành công thực hiện được buổi hòa nhạc ấp ủ, mơ ước đã lâu vào năm 2016, Hứa Kính Thanh xúc động chỉ thốt lên ba chữ: "Tôi muốn khóc".
Trong một cuộc phỏng vấn, khi Đổng Khanh nói rằng buổi hòa nhạc Tây Du Ký diễn ra có hơi muộn, nhưng Hứa Kính Thanh lại khẳng định: "Không muộn, chỉ cần tôi còn sống thì không muộn!" khiến nhiều khán giả không kìm nén được xúc động.
Cùng VOH giải trí cập nhật liên tục những thông tin phim ảnh hấp dẫn nhất tại chuyên mục phim ảnh.