Anh Hùng Bàn Phím (Tên tiếng Anh: Troll Factory) là bộ phim điện ảnh được cầm trịch bởi đạo diễn Ahn Guk Jin. Đây là một trong số những dự án màn ảnh rộng hiếm hoi xoáy sâu vào vấn nạn tin giả - một trong những chiêu trò dắt mũi truyền thông mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra. Liệu đây có phải là một dự án đáng xem trong mùa hè này?
Công thức thao túng truyền thông "lạ mà quen, quen mà lạ"
Anh Hùng Bàn Phím xoay quanh hành trình vén màn sự thật của phóng viên Im Sang Jin (Son Sukku) khi bài báo tố cáo sự nhơ nhuốc về tập đoàn Manjun của anh trở thành tâm điểm của sự chỉ trích. Hàng loạt bình luận của độc giả cho rằng nam chính đang tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến những người bị hại. Ngay lập tức, Sang Jin bị tòa soạn sa thải.
Phần phụ đề của bộ phim liên tục nhắc đi nhắc lại đây là những thước phim về những sự kiện có thật. Anh Hùng Bàn Phím được chuyển thể từ tiểu thuyết Daetgeulboodae (tên tiếng Anh: The Comments Army) của tác giả Jang Kang Myeong. Cuốn tiểu thuyết này lấy cảm hứng từ vụ khủng hoảng truyền thông có thật tại Hàn Quốc khi Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) sử dụng một “đội quân bình luận” để điều hướng dư luận.
Trong Anh Hùng Bàn Phím cũng nhắc đến vụ “biểu tình ánh nến” từng thu hút một phần ba dân số Hàn Quốc tham gia vào năm 2016. Đây là sự kiện có thật, tượng trưng cho cơn phẫn nộ bùng cháy trước bê bối của chính phủ. Sau đó, tổng thống đương nhiệm Park Geun Hye đã thừa nhận cáo buộc và đưa ra lời xin lỗi chính thức rồi từ chức.
Bên cạnh đó, nếu là người quan tâm đến truyền thông xứ Hàn, bạn sẽ nhận ra những công thức rất quen không chỉ được áp dụng trong phim, mà còn ngay trong cả đời thực.
Ban đầu, Sang Jin vì tin lời người chỉ điểm mà lên bài. Sau đó, người chỉ điểm bất ngờ qua đời. Ngay vào khoảng thời gian bài báo của nam phóng viên đăng tải, tin tức về một ngôi sao giải trí vướng bê bối ma túy nổ ra khiến lời tố cáo của Sang Jin "chìm nghỉm" giữa làn sóng dư luận. Bạn có nhận thấy điểm trùng hợp kỳ lạ không? Nhưng càng bí ẩn hơn khi bằng một thế lực nào đó, bài báo về tập đoàn Manjun vẫn đủ sức tạo nên cơn dư chấn lớn khiến sự nghiệp của Sang Jin "bay màu".
Lúc này, Sang Jin vẫn chưa nhận thức được mình là nạn nhân của một trò seeding giả của đội quân trực tuyến tên “Team Aleph”. Đây vốn dĩ không phải là một cái tên được đặt ngẫu nhiên mà chúng còn mang hàm ý rất đặc biệt. Chữ “Aleph” tượng trưng về sự bắt đầu và toàn vẹn theo văn hóa Hebrew và đạo Judaisme. Trong công nghệ thông tin và bảo mật mạng, cái tên “Aleph” cũng khá phổ biến, thường được sử dụng cho các dự án hoặc sản phẩm, tổ chức liên quan đến an ninh mạng và phát triển phần mềm.
Tuy nhiên, “Team Aleph” trong bộ phim lại mang hướng tiêu cực, chỉ nhằm mục đích kiếm tiền. Dù chỉ với ba thành viên, nhưng nhóm này có khả năng biến sự thật thành dối lừa, còn tin tức giả lại hoá thành sự thật. Một ngày nọ, Sang Jin bất ngờ nhận được tin nhắn từ một trong ba thành viên. Từ đó, nam phóng viên bắt đầu đi sâu vào quá trình thao túng dư luận của bọn họ.
Những chiêu thức nhóm này dùng tưởng chừng rất đơn giản nhưng sức ảnh hưởng đến công chúng lại vô cùng lớn. Xem xong Anh Hùng Bàn Phím, bạn thậm chí sẽ đặt dấu chấm hỏi lớn về việc liệu thông tin về bộ phim bom tấn nào đó, tấm ảnh bạn đang xem có bao nhiêu phần trăm là bình luận thật, bấy nhiêu là giả dối?
Son Sukku có vẻ "hụt hơi" so với dàn diễn viên trẻ
Bộ phim được dẫn dắt dưới góc nhìn của phóng viên xã hội Son Sukku, nhưng có lẽ do cách xây dựng nhân vật luôn trong trạng thái u sầu, ủ rũ nên nam tài tử cũng không có quá nhiều cơ hội để thể hiện kỹ năng diễn xuất của mình. Cả quá trình, người xem chỉ thấy Son Sukku mang dáng vẻ của một phóng viên thất bại, thâm trầm.
Trong khi đó, bộ ba diễn viên trẻ Kim Sung Cheol (vai JjingForkKing), Kim Dong Hwi (vai ChAtTaTkat), Hong Kyung (vai PEpteK) lại thể hiện khá tốt nhât vật của mình. Sự đấu tranh nội tâm, dằn vặt giữa sợ hãi và ám ảnh tiền bạc khiến người xem thực sự đồng cảm.
Bộ phim không dành cho người mất tập trung
Anh Hùng Bàn Phím là một tác phẩm khá kén người xem, vì nó không dành cho những bộ não giải trí đơn thuần. Bạn phải hoàn toàn dán mắt hơn 2 tiếng vào màn hình để đọc và nghe kỹ từng lời thoại, diễn biến của bộ phim vì đó có thể là mắt xích để hóa giải những bí ẩn sau này.
Thêm vào đó, bộ phim còn mang đến cảm giác khó chịu, nặng nề vì màu phim khá tối kết hợp với nhịp phim chậm. Tất nhiên nếu trí nhớ bạn kém thì điều này sẽ càng làm bạn mất kiên nhẫn hơn.
Nhìn theo khía cạnh ngược lại, Anh Hùng Bàn Phím lại là lựa chọn hoàn hảo cho những bộ óc suy luận và mong muốn khai phá thêm những điều mới về thời đại công nghệ số. Phần phụ đề của bộ phim cũng là một điểm cộng rất lớn. Thay vì dịch sát nghĩa các cụm từ tiếng Hàn thì team vietsub lại chọn dịch nghĩa phù hợp với văn hóa người Việt. Các cụm từ gen Z, tiếng "lóng" nhất định sẽ khiến bạn phải bật cười.
Cái kết lấp lửng, mở đường cho phần 2?
Nếu bạn trông chờ một cái kết trọn vẹn cho hành trình tìm ra sự thật của phóng viên Im thì câu trả lời sẽ là không. Bộ phim chọn một kết thúc vừa vặn, đủ để bạn không quá khó hiểu, nhưng nhất định sẽ chẳng đủ khiến bạn thỏa mãn.
Phải chăng, NSX đang ấp ủ lên kế hoạch làm phần 2, để Im Sang Jin phản công và giành một thắng lợi oanh liệt hơn?
Nhìn chung, cách khai thác nội dung của bộ phim Anh Hùng Bàn Phím khá lạnh lùng khi "thẳng tay" vạch trần tất cả những mánh khóe của truyền thông bẩn. Điều này có thể làm bạn ngả ngữa vỡ mộng, nhưng ở một khía cạnh nào đó dự án điện ảnh này sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn trong việc tiếp cận thông tin qua mạng xã hội.
Việc lựa chọn chủ đề "nổi cộm", Anh Hùng Bàn Phím hứa hẹn sẽ là tác phẩm không thể bỏ qua đối với các khán giả yêu thích dòng phim trinh thám pha lẫn chút yếu tố drama, kinh dị.
Phim điện ảnh Anh Hùng Bàn Phím sẽ có suất chiếu đặc biệt vào ngày 18/4/2024 và chính thức khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 19/4/2024.
Cùng voh.com.vn cập nhật liên tục những thông tin phim ảnh hấp dẫn nhất tại chuyên mục phim ảnh.