Review Vây Hãm Trên Không: Chuyến bay F-27 (1971) của Hàn Quốc đã sống sót kỳ diệu như thế nào?

VOH - Vây Hãm Trên Không mang đến cho người xem cảm giác nghẹt thở khi tái hiện đến hai sự kiện không tặc chấn động trong lịch sử hàng không Hàn Quốc.

Thông tin phim Vây Hãm Trên Không

  • Tên tiếng Anh: Hijack 1971
  • Tên tiếng Hàn: 하이재킹 
  • Thể loại phim: Hành động, giật gân
  • Đạo diễn: Kim Sung Han
  • Kịch bản: Kim Kyung Chan
  • Diễn viên: Ha Jung Woo, Yeo Jin Goo, Sung Dong Il, Chae Soo Bin,..
  • Thời lượng: 100 phút
  • Đơn vị sản xuất: Kidari Studio, Sony Pictures International Productions
  • Đơn vị phát hành: Sony Pictures Entertainment Korea, Galaxy Distribution (Việt Nam)
  • Khởi chiếu: 19/07/2024 (Việt Nam)

Ngày đen tối của năm 1969 và 1971

Ám ảnh kinh hoàng năm 1969

Ngày 11/12/1969, một chiếc máy bay thương mại YS-11 của hãng hàng không Korean Airlines khởi hành từ căn cứ không quân Gangneung đến Sân bay quốc tế Gimpo đã bị không tặc khống chế.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240711-151729-20
Năm 1969, chiếc máy bay YS-11 bị không tặc khống chế

 Máy bay chở 46 hành khách, bốn thành viên phi hành đoàn và tên điệp viên Cho Chang Hee. Hắn ta ép buộc cơ trưởng đổi hướng máy bay đến Bắc Triều Tiên và đáp xuống ở sân bay Sondok nằm gần thành phố Hamhung - cách 260 km so với điểm đến ban đầu. 

Sự kiện chấn động này đã để lại ám ảnh kinh hoàng và đau thương tột cùng cho người dân Hàn Quốc. Hành vi cực đoan của tên gián điệp được cho rằng nhằm gây áp lực lên tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm lúc bấy giờ là 

Park Chung Hee.

han-quoc-tai-hien-lai-su-kien-khong-tac-co-that-trong-lich-su-trong-vay-ham-tren-khong20240711-150807-03111111
Danh sách những người mất tích được truyền thông báo chí ghi lại

Sau hai tháng đàm phán, ngày 14/2/1970, 39 trong số 50 người bị bắt cóc đã được hồi hương. Tuy nhiên, 7 hành khách và bốn thành viên phi hành đoàn vẫn bị phía Bắc Triều Tiên giam giữ.

Trải qua nhiều năm, Triều Tiên vẫn tuyên bố rằng 11 người Hàn Quốc đã tự nguyện ở lại. Những hành khách không quay về được xác định là những người có học thức, hoặc thuộc tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, số phận của họ ở nơi đất khách quê người như thế nào vẫn là một dấu chấm  hỏi lớn.  

Ám ảnh liên hoàn năm 1971

Chuỗi ngày kinh hoàng của người dân Hàn Quốc vẫn chưa chấm dứt khi ngày 23/01/1971, chiếc máy bay Fokker F27 của hãng hàng không Korean Airlines lại tiếp tục bị khống chế bởi một người đàn ông có vũ trang tên là Kim Sang Tae. Hắn ta cho nổ tung một phần máy bay và dùng dao khống chế cơ trưởng. Tương tự như lần trước, hành trình ban đầu của máy bay là khởi hành từ Sokcho và hạ cánh ở sân bay Gimpo (Seoul) nhưng đã bị y uy hiếp và bắt chuyển hướng về Bắc Triều Tiên.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-145811-15
Fokker F-27 hạ cánh tại bờ biển gần Sokcho, Hàn Quốc

Theo tư liệu điều tra, động cơ gây án và thân phận của Kim Sang Tae vẫn chưa rõ ràng. Trên F-27 lúc này có tổng cộng 55 hành khách và 5 phi hành đoàn. Nhưng lần này, tên khủng bố đã không thành công. Máy bay đã hạ cánh khẩn cấp xuống một bãi biển hoang vắng gần Sokcho, Hàn Quốc.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-145941-14
Máy bay hư hỏng nặng nhưng toàn bộ hành khách đều may mắn sống sót

Điều kỳ diệu là các hành khách đều an toàn, Kim Sang Tae bỏ mạng và sự hy sinh của cơ phó chuyến bay để lại trong lòng người dân Hàn Quốc niềm tiếc thương vô hạn. 

Chuyện gì xảy ra trong Vây Hãm Trên Không

Vây Hãm Trên Không được lấy cảm hứng từ 2 câu chuyện thảm họa hàng không có thật trong lịch sử nhưng tâm điểm là sự kiện năm 1971. Nhiều tình tiết, diễn biến đã được kịch tính hóa để phù hợp và tạo cảm giác sống động, căng thẳng hơn khi công chiếu màn ảnh rộng. 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-145903-16
F-27 được tái hiện trong Vây Hãm Trên Không 

Nam chính của Vây Hãm Trên Không là Tae In (Han Jung Woo) - người có mặt ở cả hai vụ cướp máy bay năm 1969 và 1971. Năm 1969, Tae In đang là sĩ quan phục vụ cho lực lượng không quân, nhưng anh đã cãi lệnh cấp trên vì không thể bắn chiếc máy bay YS-11 do sợ làm tổn thương hành khách.

Qua kính máy bay, Tae In còn nhận ra cơ trưởng khi ấy từng là cấp trên của mình. Vì chần chừ, Tae In đã để nó thành công bay đến Bắc Triều Tiên. 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150036-61
Tae In đã không thể giải cứu YS-11

Sau sự việc này, Tae In giải ngũ và trở thành cơ phó phục vụ các chuyến bay thương mại. Nhưng anh luôn sống trong nỗi day dứt vì đã khiến những người thân của các hành khách trên YS-11 sống trong cảnh ly tán.

Một ngày nọ, Tae In đã có mặt trên chuyến bay định mệnh F-27 cùng cơ trưởng Gyu Sik (Sung Dong Il). Phi hành đoàn lúc này còn có tiếp viên Ok Sun (Chae Soo Bin) và nhân viên an ninh Chang Bae (Moon Yoo Kang). 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150247-48
Cơ trưởng Gyu Sik (Sung Dong Il) và cơ phó Tae In

Không lâu sau khi cất cánh, một quả bom bất ngờ phát nổ khiến tình hình máy bay trở nên hỗn loạn. Lúc này, Yong Dae (Yeo Jin Goo) - lộ rõ bản chất là tên khủng bố muốn "đổi hướng" máy bay. 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240711-150929-25
Tên khủng bố máy bay do diễn viên Yeo Jin Goo đảm nhận

Do ảnh hưởng của vụ nổ, cơ trưởng bị mất thị lực một bên, Chang Bae bất tỉnh, tình thế hiểm nghèo buộc Tae In và Ok Sun đối mặt với Yong Dae để bảo vệ các hành khách.

Nỗi đau thời đại và điểm nhìn trong nghịch cảnh 

Bối cảnh và bầu không khí bi thảm

Dù là dự án đầu tay của đạo diễn Kim Sung Han nhưng Vây Hãm Trên Không lại vô cùng khéo léo khi lồng ghép bối cảnh và các vấn đề xã hội thời bấy giờ. Đồng thời, tác phẩm cũng truyền tải một cách tự nhiên nỗi đau và xung đột của thời đại thông qua lời thoại và hành động của các nhân vật. 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150345-57
Bầu không khí bộ phim mang hơi thở đặc trưng của năm 1971

Bộ phim cho thấy thời kỳ hàng không còn lạc hậu khi các quy định về an ninh hàng không vẫn còn nhiều hạn chế, hành khách được phép hút thuốc, mang động vật lên trên máy bay và xu hướng "chạy marathon" để giành được một vị trí đẹp trong khoang hành khách. Điểm bất ngờ nhất là hình dáng của hai chiếc máy bay F-27 và YS-11 được các nhà làm phim phục dựng lại y như thật. 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150304-50
Ngành hàng không lúc bấy giờ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế

Vây Hãm Trên Không vẫn trung thành với motif của những bộ phim về đề tài thảm họa khi trên máy bay có đầy đủ các tầng lớp, nhân vật xuất thân khác nhau như một cặp vợ chồng mới cưới, một anh chàng công tố viên và người mẹ câm, một cô gái xinh đẹp và cậu bé học sinh,...Khi đối mặt với tình thế khó khăn, có người im lặng đợi chờ phép màu, có người lại đứng lên chống cự và la hét. 

Phản ứng hỗn loạn của các hành khách tạo nên một bức tranh bi kịch của thời đại khi họ nhận ra số phận và tương lai của mình sắp rơi vào ngõ cụt. Vụ cướp máy bay F-27 liên quan đến chính trị và chiến tranh, vì vậy hành động của hành khách mang đậm tính ứng phó để trốn chạy số phận bất hạnh của thời cuộc.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240711-150807-10
Bầu không khí hỗn loạn trên máy bay F-27

Năm 1969, Hàn Quốc chấn động bởi vụ không tặc. Nỗi ám ảnh và sự sợ hãi về tiền lệ trước đó của những người đồng hương một đi không trở lại, vì vậy các hành khách đã vội vàng che giấu danh tính bằng cách xé thẻ căn cước công dân thành từng mảnh nhỏ hoặc nhai và nuốt.

Điều này cho thấy sự tàn bạo và khốc liệt của chế độ Triều Tiên khi bị chia cắt thành hai miền. Việc không gửi trả lại những công dân Hàn Quốc có kiến ​​thức hoặc kinh nghiệm chuyên môn trong vụ cướp máy bay năm 1969, sẽ được lặp lại nếu chuyến bay F-27 đi theo vết xe đổ ấy. 

"Anh hùng" và "tội đồ"

Vì là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật nên cái kết khá dễ đoán, tuy nhiên diễn biến căng thẳng, hồi hộp đến lúc hạ màn sẽ khiến người xem chìm đắm với những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Ở nhân vật Tae In, đến khi chuyển sang một công việc mới, anh vẫn đau đáu với lựa chọn của mình khi ấy liệu là đúng hay sai khi hơn 1000 thân nhân của hành khách rơi vào thảm cảnh bị xã hội Hàn Quốc khinh miệt coi là "kẻ phản quốc". 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150147-41
Tae In bị cho là "phản quốc" vì bỏ rơi đồng bào

Về phía tên phản diện Yong Dae, cậu là nạn nhân của chế độ nhũng nhiễu ấy khi anh trai có mặt chuyến bay gặp nạn. Yong Dae bị mọi người phân biệt đối xử, vu oan và tống vào tù. Khi được tại ngoại, Yong Dae đau khổ tột cùng khi phát hiện mẹ vì chết đói mà qua đời.

Vì điều này, Yong Dae ôm hận và muốn trốn chạy sang Bắc Triều Tiên, khao khát trở thành "anh hùng" với chiến lợi phẩm là chiếc máy bay F-27 cùng các con tin. 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150402-67
Yong Dae khao khát trở thành "anh hùng" ở Bắc Triều Tiên

Vây Hãm Trên Không được kể theo dòng thời gian tuyến tính nên từng khoảnh khắc máy bay rơi đến từng hành động giằng co, đàm phán giữa phi hành đoàn đều tạo nên sự căng thẳng đến nghẹt thở. Xuyên suốt 100 phút bộ phim, nhân vật Tae In khiến khán giả vừa thương vừa lo lắng khi luôn đặt an toàn của hành khách lên hàng đầu mà không màng đến tính mạng của bản thân.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150338-55
Cơ phó Tae In tỏa sáng vì tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh

Cái hay của bộ phim đấy là đặt ra hai điểm nhìn đối lập ấn tượng và đầy tính chiêm nghiệm.

Điểm nhìn thứ nhất đấy là câu hỏi của Tae In khi để YS-11 bay về Bắc Triều Tiên. Đến hồi kết, Tae In đã tìm thấy câu trả lời cho những khắc khoải trong tâm trí, anh thành công bảo vệ hành khách như một sứ mệnh. 

Với cương vị là một sĩ quan không quân, sự chần chừ của Tae In như một hành động tiếp tay cho giặc, nhưng khi khoác lại mình trang phục của một người phi công, quyết định của Tae In lại được ca ngợi hơn cả.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150204-45
Ai mới là anh hùng thực sự?

Điểm nhìn thứ hai nằm ở cách xây dựng đối lập về hình tượng của Tae In và Yong Dae.

Yong Dae - nhân vật được khao khát công nhận khi muốn trở thành "anh hùng" bỗng trở thành "tội đồ" của đất nước. Trong khi đó, Tae In từng bị chê trách là "tội đồ" vì sự việc năm xưa nhưng lúc nhắm mắt xuôi tay lại khiến bao người bật khóc tiếc thương về một hình dung "anh hùng" đúng nghĩa.

Hai sự ra đi, nhưng thái độ người ở lại và hậu thế hoàn toàn khác biệt.

Diễn xuất nhiệt huyết của dàn diễn viên

Điểm cộng rất lớn của bộ phim đó là sở hữu dàn diễn viên thực lực khiến câu chuyện truyền tải thêm phần trọn vẹn và xúc động.

Nhân vật Yong Dae là vai diễn phản diện đầu tiên trong sự nghiệp của Yeo Jin Goo. Nam diễn viên khắc họa tốt sự điên cuồng và nội tâm phức tạp Yong Dae thông qua ánh mắt căm phẫn và biểu cảm một kẻ sát nhân sẵn sàng trừ khử bất kỳ ai cản đường hắn.

Nhờ tác phẩm lần này, Yeo Jin Goo có cơ hội khẳng định năng lực diễn xuất đa dạng, có chiều sâu trong từng dạng vai thay vì đóng khung trong hình tượng hiền lành, tốt bụng như các tác phẩm trước.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150214-46
Yeo Jin Goo lần đầu đóng vai phản diện

Thời gian gần đây, Ha Jung Woo bỗng có cái duyên đặc biệt khi liên tiếp xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh dựa trên các câu chuyện có thật như Bộ Đôi Báo Thủ (2023) và Bước Chân Thép (2023) và mới nhất là Vây Hãm Trên Không

Ở tác phẩm lần này, tài tử họ Ha vẫn giữ được phong độ ổn định và chứng minh đẳng cấp của một diễn viên thực lực khi hóa thân vào một trong hai nhân tố giữ vai trò "đầu tàu" của chuyến bay.

Từng ánh mắt, cử chỉ và hành động của Ha Jung Woo đều toát lên dáng vẻ bình tĩnh, trầm ổn nhưng vô cùng bản lĩnh.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150334-54
Ha Jung Woo lại có thêm một vai diễn đầy cảm xúc

Song hành với Ha Jung Woo trong 100 phút nhưng vai diễn cơ trưởng Gyu Sik do Sung Dong Il đảm nhận không hề lép vế. Ý thức trách nhiệm và sứ mệnh của người "thuyền trưởng" khi kết hợp cùng sự điềm tĩnh của cơ phó đã được hai diễn viên truyền tải trọn vẹn và đầy xúc động.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150152-42
Sung Dong Il không hề lếp vé so với bạn diễn

Những hạn chế gây tiếc nuối 

Sở hữu rất nhiều điểm cộng về bối cảnh, nội dung và diễn xuất, nhưng Vây Hãm Trên Không vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế và vấn đề gây tranh cãi. 

Việc đặt trọng tâm câu chuyện vào hai nhân vật là Yong Dae và Tae In vô tình khiến hành khách trên chuyến bay bị "bỏ quên" dù bản thân mỗi nhân vật đều có những "tài nguyên" có thể khai thác, góp phần tô đậm thêm cho tuyến phim chính. 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150309-51
Vây Hãm Trên Không sở hữu nhiều tuyến nhân vật hay nhưng không thể khai thác

Việc biên kịch vẽ ra một quá khứ bi thương cho nhân vật phản diện Yong Dae cũng trở thành vấn đề khiến nhiều khán giả bàn luận. Vây Hãm Trên Không cố lý giải rằng nhân vật "hắc hóa" là do sự phân biệt đối xử, bất công khi hai miền Nam-Bắc chia cắt. Nhưng cách xử lý vụng về, chưa đủ "chạm" khiến vai diễn của Yeo Jin Goo để khán giả ghét thì không hẳn, nhưng thương thì chưa tới. 

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150015-68
Nhân vật Yong Dae tạo cho khán giả cảm xúc lưng chừng 

Tạm kết

Nhìn chung, Vây Hãm Trên Không dù được giới thiệu là tác phẩm tái hiện sự kiện có thật nhưng nó không hề mang dáng vẻ của một bộ phim tài liệu mà vẫn giữ đúng tinh thần là một sản phẩm thương mại mang tính giải trí.

Điểm mạnh của dự án đấy là tái hiện gần như đúng với những gì lịch sử ghi lại nhưng không hề tạo nên cảm giác buồn ngủ, nhàm chán.

review-vay-ham-tren-khong-chuyen-bay-song-sot-ky-dieu-trong-lich-su-hang-khong-han-quoc20240724-150325-53
Nội dung bộ phim lôi cuốn, hấp dẫn

Dự án của đạo diễn Kim Sung Han là sự hòa quyện hài hòa của nhiều yếu tố: nội dung hấp dẫn, diễn xuất nhiệt huyết, và một thông điệp đầy suy ngẫm về một lát cắt bi thương trong lịch sử. 

Trailer của Vây Hãm Trên Không

Đó cũng là lý do dù ra mắt tại quê nhà trong thời điểm nhiều bom tấn cùng đổ bộ nhưng Vây Hãm Trên Không vẫn tạo được tiếng vang lớn nhờ hiệu ứng truyền miệng tích cực từ công chúng. 

Tại Việt Nam, bộ phim chính thức được công chiếu trên toàn quốc từ ngày 19/07.

Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí