VOH Podcast - Thiên Táng hay còn gọi là Điểu Táng là hình thức mai táng của người Tây Tạng. Thi thể người đã khuất sẽ được đưa lên núi để làm mồi cho những bầy chim kền kền.
Lý giải về sự có mặt của tục 'thiên táng'
Người Tây Tạng chủ yếu sinh sống ở độ cao khoảng 5.000 m so với mặt nước biển. Ở vùng cao nguyên này, người dân phải sống trong một khí hậu sa mạc núi cao rất khắc nghiệt với những cơn gió lạnh thấu xương. Là hệ sinh thái cao nhất tồn tại trên thế giới, người Tây Tạng không thể tiến hành mai táng người đã khuất bằng hình thức chôn cất vì đất vô cùng đắt đỏ và đá cứng, băng lạnh do quanh năm tuyết trắng bao phủ. Hình thức hỏa táng cũng rất khó khăn vì gỗ cây và nhiên liệu đốt cực kỳ khan hiếm. Trong khi đó, ở vùng sơn cước này, những đàn kền kền háu đói hay những bầy sói lang thang lại rất nhiều. Với những đặc điểm đó của vùng, tục "thiên táng" là điều hợp lý nhất mà người Tây Tạng có thể làm.
Thiên táng ẩn chứa triết lý sâu sắc
Ở Tây Tạng, chim kền kền được tôn là loài vật linh thiêng. Người Tạng cho rằng, kền kền như thiên sứ, giúp linh hồn của người đã khuất được chuyển kiếp. Theo quan niệm của Phật giáo Kim Cương Thừa, linh hồn là phần quan trọng nhất của mỗi con người. Thân xác chỉ như "chiếc thuyền rỗng" mục rữa. Vì vậy, việc để kền kền rỉa xác như một hành động bày tỏ sự thành kính của gia đình đối với người đã khuất.
Một quan niệm khác, từ lâu đời người Tây Tạng có có cuộc sống du mục. Họ rất tôn kính thiên nhiên và trời đất. Họ cho rằng, cả cuộc đời họ đã ăn nhiều loài vật nên khi chết họ muốn được lấy thể xác mình làm thức ăn cho các loài vật còn tồn tại như một cách đền đáp. Vì thế, ai được thiên táng là một vinh dự lớn, đó là cách con người hào phóng và từ bi hiến dâng thi thể của họ lần cuối cùng cho trời đất. Qua Điểu Táng, linh hồn của người đã khuất sẽ được bay lên cùng những cánh chim kền kền tận trời xanh và tái sinh trở lại.