Nghệ sĩ Bạch Long được khán giả biết đến như một diễn viên kịch nói, đi cùng với tuổi thơ bao đứa trẻ trong Ngày Xửa Ngày Xưa. Trong tạo hình là chú chó đốm hoạt bát của nhóm Líu lo, ít ai biết rằng anh trai Thành Lộc lại xuất thân từ sân khấu cải lương.
Trong chương trình Thắp Lửa Đam Mê, được phát trên sóng Radio VOH 95.6Mhz mới đây, nghệ sĩ Bạch Long đã có dịp trò chuyện cùng host Hồng Ngọc - Hải Linh, để chia sẻ về tình yêu dành cho cải lương, cũng như mong muốn được "giữ lửa" cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Vai diễn đầu tiên của nghệ sĩ Bạch Long
Sinh ra trong gia đình nghệ thuật có cha là NSND Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ Huỳnh Mai nên từ nhỏ nghệ sĩ Bạch Long đã được tiếp xúc với sân khấu. Cha mẹ nam nghệ sĩ muốn con mình đi học văn hóa và không nối nghiệp sân khấu vì biết sự nhọc nhằn của nghề. Nhưng từ lúc bé, Bạch Long đã bị thu hút bởi nghệ thuật, thuộc được kịch bản và có cơ duyên được lên biểu diễn.
Chia sẻ về vai diễn đầu tiên trong đời, nghệ sĩ Bạch Long cho biết bản thân bắt đầu đi hát từ năm 10 tuổi. Ban đầu, nam nghệ sĩ làm trong đoàn cải lương khâu nhạc cụ, cho đến một hôm, nghệ sĩ Minh Tơ (ba của cố NSND Thanh Tòng) tạo cơ hội đã giúp cái tên Bạch Long được xuất hiện trên sân khấu lần đầu tiên.
"Trong lúc hóa trang, cậu Minh Tơ dặn tôi rằng trong kịch bản có một ông tiều phu chặt cây tùng. Khi đó tôi sẽ từ trong cây tùng nhảy ra, xong cười ha ha rồi thoại ‘Con cảm ơn ông, con thọ khí âm dương trong cây tùng này, nhờ ông cứu con một lạy xin đáp tạ’. Nhưng lần đầu tiên bước ra sân khấu có khán giả đông quá, tôi run nên quên tuồng. Thay vì thọ khí âm dương, tôi nói thọ khí diêm vương khiến khán giả cười không ngớt.
Từ đó, cậu Minh Tơ không cho tôi làm ban nhạc nữa. Tuồng nào có vai con nít thì Bạch Long sẽ được ra đóng. Ví dụ vở Nghi Xuân - Tấn Lực thì được đóng Tấn Lực và các vai Na Tra, Hồng Hài Nhi trong các vở khác” - Nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ.
Cơ duyên đi theo nghiệp diễn viên hài
Xuất thân từ sân khấu cải lương, nghệ sĩ Bạch Long có nhiều cơ duyên để chuyển sang sân khấu kịch nói. Thời hoàng kim qua đi, nhiều gánh hát cải lương phải giải tán khiến nam nghệ sĩ rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong thời gian khó khăn đó, nghệ sĩ Bạch Long được mời đi diễn thế vai trong vở Ba Chàng Lính Ngự Lâm do diễn viên có việc đột xuất.
“Xuất đầu tiên tôi diễn rất căng vì phải nhớ tuồng, nhớ đường dây để không đụng với anh em. Nhưng mà tôi có cái hay là lấy của người ta 7, thêm 3 của mình thì thành 10, vậy là tròn vai. Đêm đó tôi hát thành công, khán giả vỗ tay dữ lắm. Từ đó đoàn kịch giữ lại diễn tiếp” - nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ tại Thắp Lửa Đam Mê.
Sự ra đời của Ngày Xửa Ngày Xưa
Sau 34 show diễn, Ngày Xửa Ngày Xưa đã trở thành chương trình được yêu thích của các em thiếu nhi, đồng thời là kỉ niệm khó phai trong lòng những người trưởng thành.
Nói về sự ra đời của nhóm Líu Lo trong việc kể những câu chuyện cổ tích, nghệ sĩ Bạch Long cho biết: “Lúc đó đài truyền hình làm chương trình Chuyện Ngày Xưa, chỉ mời một mình Thành Lộc. Nhưng vì cảm thấy một mình kể thì không hấp dẫn lắm, nên Thành Lộc mới đề xuất thành lập một nhóm mới gồm Thanh Thủy, Đình Toàn, Hoàng Trinh và Bạch Long. Từ đó tạo nên nhóm Líu Lo.
Chương trình sau khi phát sóng đã nhận được sự yêu thích từ các em nhỏ. Sân khấu kịch Idecaf thấy được tiềm năng nên quyết định thực hiện Ngày Xửa Ngày Xưa. Số đầu tiên kể về câu chuyện Tấm Cám, tôi đóng vai thái giám. Kể từ đó Ngày Xửa Ngày Xưa đi vào lòng các cháu thiếu nhi. Đến bây giờ các bạn đó lớn lên, dắt chồng, bồng con đi xem kịch”.
Diễn viên đi lên bằng thực lực
Dành gần một đời người để cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ Bạch Long có những quan niệm riêng về nghề. Nam nghệ sĩ cho biết, bản thân đam mê và dám sống chết với vai diễn, luôn làm nghệ thuật bằng cái tâm chứ quyết không đi "bằng hai cái đầu gối". Nghệ sĩ Bạch Long cũng hay dặn dò các học trò của mình phải đi lên bằng chính đôi chân của mình, đừng tìm kiếm vai bằng cách nịnh nọt đạo diễn. Đó cũng chính là "kim chỉ nam" giúp cái tên Bạch Long sống lâu trong lòng khán giả.
Nói về sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Bạch Long bộc bạch bản thân luôn đi lên bằng thực lực, không muốn dựa vào mối quan hệ với bất cứ ai. “Khi đoàn cho vai nhỏ, tôi cũng nhận và sống chết với vai diễn. Bản thân tôi không có quan niệm vai lớn vai nhỏ, phải làm kép chính mới diễn. Cho tôi có vai là vui rồi. Con đường nghệ thuật của tôi nổi tiếng là nhờ thế vai, vở Trần Quốc Toản diễn viên bị bệnh tôi lên diễn thế rồi cũng nổi từ đây” - Nghệ sĩ Bạch Long nói.
Cố gắng bảo tồn cải lương dù biết khó khăn
Dù biết bánh xe của thời đại đang đào thải đi nhiều thứ của thế hệ cũ, nghệ sĩ Bạch Long vẫn cố gắng bảo tồn cải lương vì tương lai giới trẻ. Theo nam nghệ sĩ, cải lương hiện giờ như một món canh chua dân dã để khán giả nếm lại sau khi đã ngán drama, sitcom ngoài kia.
“Sau năm 1996 phim Đài Loan vào Việt Nam, khán giả xếp hàng dài để mua vé là tôi thấy có điềm, cải lương sau này sẽ chết. Rồi sau này nhiều loại hình nghệ thuật khác xuất hiện, điển hình như xà quyền của Thành Long,… khiến khán giả bỏ xem cải lương. Nghệ sĩ chúng tôi cũng tự giết chính mình khi quay băng cải lương rồi bán ra hải ngoại”.
Để bảo tồn nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Bạch Long đã luôn tận tụy với Đồng ấu Bạch Long từ những năm 1990. Tại đây, nam nghệ sĩ đã đào tạo ra một lớp ngôi sao cải lương trẻ như: Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh, Vũ Luân, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh,… Thậm chí, vào thời điểm sân khấu cải lương gặp khó khăn, nghệ sĩ Bạch Long đã bỏ tiền túi ra để bù vé vào những đêm diễn, để các đàn em có động lực tiếp tục theo nghề.
Cũng chính vì điều này mà sau bao năm miệt mài đi diễn, đến thời điểm hiện tại nghệ sĩ Bạch Long vẫn không có tài sản gì quý giá trong tay. Nam nghệ sĩ cho biết bản thân vẫn phải ở nhà thuê, đi xe cũ nhưng vẫn rất lạc quan, yêu đời. Bởi nghệ sĩ Bạch Long cho rằng tình cảm của khán giả chính là tài sản lớn nhất đối với mình.
Nói về mong ước lớn nhất của mình, nghệ sĩ Bạch Long bộc bạch: "Tôi chỉ mong cho mình có được đủ sức khỏe để làm nghề, còn nếu mất thì có thể ngủ một giấc rồi đi luôn. Vì tôi sợ khi bị bệnh thì sẽ phải làm phiền những người xung quanh. Cá nhân tôi không muốn làm phiền ai hết, kể cả người thân của mình. Lúc rơi vào khó khăn, tôi cũng không nói cho Thành Lộc biết.
Ví dụ bây giờ mình ngã bệnh một cái, anh em nghệ sĩ lại phải gom góp tiền giúp đỡ. Nhưng cải lương bây giờ khó khăn lắm, mọi người đi hát kiếm tiền còn phải lo cho gia đình, không lẽ lại phải gánh thêm mình. Lúc đó lại tội nghiệp anh em nữa".
Dù là người sẵn sàng giúp đỡ mọi người bằng tất cả khả năng của mình, nhưng nghệ sĩ Bạch Long lại không muốn làm phiền người khác. Thậm chí, với em trai của mình là Thành Lộc, nghệ sĩ Bạch Long cũng không nhờ giúp đỡ khi bản thân rơi vào khó khăn.
Dù ở độ tuổi 64, nghệ sĩ Bạch Long vẫn đi biểu diễn hàng ngày bằng tất cả niềm đam mê và hạnh phúc. Đối với nam nghệ sĩ, được biểu diễn là một sự hạnh phúc và sẽ tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật đến khi sức khỏe không cho phép.
Hãy cùng VOH Giải trí cập nhật những thông tin chương trình nhanh nhất tại chuyên mục Show nhé!
Ảnh: Internet, VOH