Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh

(VOH) - Thông qua cuộc trò chuyện với VOH Radio, “Vua rác” David Dương cho biết về định hướng sắp tới của ông trong việc đầu tư và phát triển Khu Công nghệ Môi Trường Xanh.

Ngày 19/7, phòng thu VOH đón tiếp ông David Dương - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions và Vietnam Waste Solutions - sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Thông qua buổi trò chuyện cùng nhà báo Công Vinh, ông “Vua rác” cho biết cụ thể hơn về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh và những hoài bão trong việc đóng góp phát triển đất nước Việt Nam.

 Nhà báo Công Vinh và Mc Thủy Lam trò chuyện cùng ông David Dương.
 Nhà báo Công Vinh và MC Thủy Lam trò chuyện cùng ông David Dương.

Nhà báo Công Vinh: "Chúng ta đều biết chất thải đối với xã hội công nghiệp luôn là vấn đề muôn thuở, không chỉ có nhà nước mà còn được người dân hết sức quan tâm. Anh David Dương có thể cho biết sự thành công của Nhà máy Xử lý Chất thải Đa Phước trong thời gian qua đóng góp cho việc giải quyết vấn đề rác thải của TPHCM như thế nào không?"

Ông David Dương: "Khu xử lý chất thải Đa Phước đã tiếp nhận và xử lý an toàn trên 20 triệu tấn rác, chúng tôi thực hiện theo đúng những công nghệ ban đầu và được thành phố lựa chọn. Chúng tôi thực hiện tốt nhất có thể và cam đoan hơn 20 triệu tấn rác đó sẽ trở thành hơn 20 triệu tấn nguyên liệu sạch như: đất sạch, phân hữu cơ trong tương lai. Nó cũng sẽ cho chúng ta 1 khối lượng thật lớn về điện để phát điện."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 2
 

Nhiều năm qua, VOH đã trò chuyện với anh rất nhiều và khán giả cũng đã cảm nhận được đóng góp của nhà máy Đa Phước trong việc xử lý chất thải, tạo môi trường xanh cho người dân TPHCM. Hôm nay chúng ta sẽ nói nhiều hơn về chuyện của tương lai. Mong anh chia sẻ thêm những dự định về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh Long An đối với thành phố, với Long An và cũng như với khu vực này.

"Nhận được sự tín nhiệm của tỉnh Long An, TPHCM và được sự chấp thuận của chính phủ giao cho chúng tôi chủ trương để thực hiện khu công nghệ môi trường xanh tại Thủ Thừa La. Đây là khu chính phủ đã duyệt và quy hoạch để làm khu xử lý rác cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đây là suy nghĩ hay và đón đầu trong việc xử lý khối lượng rác thải trong tương lai. Không chỉ có rác sinh hoạt mà còn nhiều thành phần rác khác như chất thải độc hại, chất thải y tế, cống rãnh vỏ xe hơi, chất thải điện tử,... "

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 3
 

"Đây là những chất thải hiện nay mình chưa có, nhưng những nước khác họ đã có, nên mình phải chuẩn bị để đón đầu để có thể xử lý. Khu công nghệ môi trường xanh này sẽ được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất. Tiên tiến ở đây không phải là công nghệ xử lý rác của nước ngoài mình đem về, mà tiên tiến ở đây là mình phải xem cái thành phần rác của mình để mình sản xuất ra cái gì có ích cho xã hội. 

Chúng tôi cũng chọn cả những công nghệ đón đầu như trong tương lai mình sẽ phát triển nhiều về solar để lấy điện mặt trời, vậy mình sẽ xử lý những màn solar đó như thế nào. Khu công nghệ môi trường xanh này chúng tôi dự kiến sẽ nhận 30 nghìn tấn mỗi ngày, và với khối lượng khoảng 12.000 công nhân viên và chuyên gia trong đó để tiếp nhận và xử lý rác ở TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 6
 

Tôi cũng đã ghé qua khu vực này và thấy nó là một vùng rất lớn. Tôi nghĩ đó cũng là định hướng chủ trương của các cấp lãnh đạo. Vì xã hội phát triển, tiêu dùng và sinh hoạt phát triển thì đương nhiên phải nghĩ đến việc giải quyết chất thải thế nào. Với khu công nghệ này, anh có thể hình dung, mô tả khu công nghệ xanh sẽ là gì trong tương lai gần và tương lai xa không?

"Cả thế giới đều đang có xu hướng tái chế tất cả thành phần rác. Khu này không chỉ có thu gom và bán lại rác thải đã phân loại cho nhà máy sản xuất, mà chúng tôi sẽ có nhà máy sản xuất trong khu này luôn, tạo thành một chuỗi khép kín. Đầu vào của rác bao nhiêu thì chúng tôi sẽ đưa ra sản phẩm trực tiếp từ đó để giảm thiểu tối đa phần chôn lấp. 

Hiện nay rác của mình trên 80% là hữu cơ, độ ẩm trên 60%. Công nghệ đốt hết không phải là công nghệ tiên tiến nhất cho thành phần rác mình đang có, mà mình phải dùng chúng để sản xuất phân hữu cơ cao cấp, phân hữu cơ dạng lỏng, sản xuất điện, sản xuất nhiên liệu sạch. Các nước tiên tiến đang muốn hướng các phương tiện giao thông chạy bằng điện hoặc nhiên liệu sạch. Nếu mình tái chế rác để đưa ra được nhiên liệu sạch cho xe tải, vậy đây sẽ là công nghệ tiên tiến nhất. Trong tương lai nước mình có những loại rác khác thì mình có thể dùng chúng để sản xuất ra những sản phẩm có ích khác."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 4
 

Chắc là ông sẽ không chỉ dừng lại ở xử lý chất thải khu môi trường xanh mà ông còn có những ý tưởng cho cả một khu vực kinh tế rộng lớn này?

"Hiện nay, chính phủ TPHCM, chính phủ Long An và chính phủ cả nước có tầm nhìn mà tôi cho là rất hay. Đó là tập trung một nơi xử lý rác thải cho cả vùng. Như vậy sẽ có các lợi ích là: xử lý được khối lượng rác lớn, chính phủ sẽ dễ kiểm soát cũng như nhờ vậy mà tôi dám đầu tư công nghệ tiên tiến nhất phù hợp với các loại rác, vì sẽ không phải tốn chi phí quá lớn."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 5
 

Vậy những năng lượng tái tạo được từ rác sẽ dùng để làm gì cho khu đó?

"Trong tương lai, tôi dự kiến sẽ dùng năng lượng đó để phát điện cho cả vùng, như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều vì không phải sử dụng điện bên ngoài. Thứ hai, ngành nông nghiệp ở Việt Nam vẫn là ngành mũi nhọn, người dân sẽ cần các sản phẩm hữu cơ. Do đó, chúng tôi sẽ cung cấp ra các sản phẩm như đất sạch, phân hữu cơ tốt cho nông dân. Ngoài ra, trong tương lai có chai nhựa, lon nhôm thì chúng tôi  tái chế ra sản phẩm luôn."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 6
Xe thu gom rác của California Waste Solutions.

Mọi người rất tin tưởng vì ông đã thành công ở Mỹ với công ty California Waste Solutions. Ông có thể chia sẻ thêm về công ty ở Mỹ hiện đang phát triển thế nào không?

"Ở Mỹ, chúng tôi có hợp đồng thu gom, phân loại và xử lý rác (ở HCM chỉ có xử lý), giáo dục người dân về phân loại rác. Sau khi phân loại rác nào chôn lấp, rác nào tái chế, rác nào sản xuất phân hữu cơ,... chúng tôi sẽ đóng kiện gửi các loại rác cần tái chế đi. 

Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang xây dựng nhà máy sản xuất khép kín để ra thành phẩm tái chế như giấy cuộn, các hạt nhựa,... luôn. Trong quá trình đó, nước để rửa các loại rác cũng sẽ có công nghệ xử lý để không đưa nguồn nước bẩn ra môi trường. Như vậy, các nhà sản xuất đồ nhựa chỉ cần đến mua lại hạt nhựa từ chúng tôi."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 7
 

Ở California và San Jose người ta đang trả chi phí cho công ty ông thế nào?

"Họ thanh toán theo mỗi hộ gia đình. Mỗi hộ là 30-35 dollar tùy thành phố. Chúng tôi nhận 85 dollar mỗi tấn rác xử lý. Mới đây, chúng tôi vừa ký được 2 hợp đồng: ở thung lũng điện tử Silicon Valley và ở thành phố cảng Oakland. Mỗi hợp đồng có thời hạn 20 năm và trị giá 1 tỷ dollar."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 8
 

Ồ, chúc mừng ông. Ngoài ra thì với vị trí Chủ tịch hội doanh nhân Việt Mỹ, chắc là anh không dừng lại ở việc thu gom xử lý rác thải mà anh còn có dự định nào để đóng góp phát triển Việt Nam không?

"Hiệp hội của tôi tập trung liên kết và giúp đỡ cùng phát triển tất cả các doanh nghiệp của người Việt tại Hoa Kỳ. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn lập ra các nhà kho lớn để có thể nhập hàng hóa của VN, để hàng hóa VN đi vào thị trường Hoa Kỳ và cạnh tranh với hàng hóa Thái Lan và TQ. Những nước này đều có nhà kho lớn, hàng hóa có tại chỗ nên họ có thể cạnh tranh giá với mình, cũng có thể bán với số lượng nhỏ lẫn lớn. Như vậy họ sẽ chiếm ưu thế. Vì vậy, chúng tôi phải ngồi lại với nhau để suy nghĩ về vấn đề đó.

Thứ hai, tại thung lũng điện tử có trên dưới gần 80 công ty của ng Việt làm chủ. Chúng tôi đang khuyến khích và cũng đang nghĩ đến chuyện đầu tư 1 khu công nghiệp công nghệ cao ở Khu Công nghệ môi trường xanh Long An, với mục đích kêu gọi anh em về đầu tư thêm nhà máy ở Việt Nam hoặc chuyển về đây để đầu tư. Tôi đã họp với trên 30 anh em trước chuyến viếng thăm của thủ tướng VN tại San Francisco. Nhiều anh em sẵn sàng hợp tác nếu tôi là nhà đầu tư, vì họ thấy được uy tín và sự thành công của tôi khi đầu tư tại VN và Hoa Kỳ nên họ tin tưởng để có thể về đầu tư cho khu CN cao."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 9
 

Vậy bên cạnh khu công nghệ môi trường xanh, anh sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào làm thung lũng Silicon tại đó?

"Khu vực xử lý rác có 1700 hecta. Chúng tôi dự kiến sẽ xin chuyển đổi khu quy hoạch, sử dụng 1000 hecta trong đó để làm khu CN công nghệ cao. Nhiều anh em cho biết họ đã nhận được lời mời từ nhiều doanh nghiệp VN, vì VN vẫn đang có nhiều khu CN ở cà Bắc Trung Nam. Nhưng họ nói rằng họ không hiểu ý của nhà đầu tư các khu công nghiệp đó, vì mỗi ngành nghề công nghệ cao đều khác nhau, có những yêu cầu khác nhau. Vì vậy chúng tôi đang quảng bà là sẽ xây dựng theo yêu cầu của từng công ty, họ cần thế nào chúng tôi sẽ xây dựng đúng như vậy để phù hợp với họ. Như vậy, mình giúp họ có nơi sản xuất phù hợp thì sản phẩm ra mới tốt được."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 10
 

Với vai trò Chủ tịch hội doanh nhân Việt Mỹ, làm cầu nối để kiến tạo thung lũng công nghệ cao, tôi nghĩ các đóng góp của anh sẽ được lãnh đạo TP đón nhận. Vì lãnh đạo đã định hướng TP HCM trở thành TP thông minh, mà thành phố thông minh thì phải giải quyết được vấn đề về công nghệ đó. Anh hãy cho biết cảm nhận và kì vọng gì với góc độ là Việt kiều và là người đã dùng nhiều năm đầu tư ở TP HCM, anh sẽ nói điều gì với những người ở khu công nghệ xanh cũng như anh sẽ nói gì về định hướng sắp tới?

"Mong muốn của chúng tôi không chỉ là đóng góp trong vấn đề cải thiện môi trường, mà chúng tôi mong muốn đóng góp để nước VN có thể phát triển nhanh và mạnh, có thể so sánh với các nước khác. Đây là một thời điểm rất tốt vì các quốc gia đều đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Nước mình phải vừa phục hồi, vừa phát triển."

Ông David Dương chia sẻ về dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh 11
Lễ khánh thành hai cây cầu dẫn vào Khu Công nghệ Môi trường Xanh.

"Tôi thấy nhiều quốc gia cũng đang kêu gọi các công ty công nghệ cao về nước của họ để đầu tư phát triển thung lũng điện tử. Tôi nghĩ đây là một dịp tốt và cũng rất may là chúng ta có nhiều anh em Việt kiều đang làm các ngành nghề này ở thung lũng điện tử. Đó là cơ hội để chúng tôi có thể kêu gọi họ về. Chúng tôi mong rằng có thể đóng góp thêm một lần nữa cho quê hương mình, đặc biệt cho TP HCM và Long An là mình mang được các công nghệ cao trở về. 

Chúng tôi hy vọng những công nghệ cao chúng tôi mang về như đậu rồng, vì chúng tôi sẽ lựa chọn những công nghệ cao mà các công ty khác cần đến, như vậy mình mang đậu rồng về đây thì sẽ phát triển được rất tốt, tạo công ăn việc làm, tạo nền kinh tế giúp đất nước phát triển nhanh hơn."

Nhiều năm qua VOH vẫn luôn rất thích trò chuyện với ông David Dương vì trong ông nuôi nhiều hoài bão đóng góp cho đất nước, chúng ta cũng cảm nhận được tâm huyết của ông. Bản thân chúng ta là người dân mà đã thấy được các dự định của ông rất ý nghĩa, vì vậy tôi tin rằng với tầm nhìn của các cấp lãnh đạo, họ cũng sẽ rất ủng hộ chủ trương này. Việc tạo được một khu công nghệ xử lý rác thải rất quan trọng cho xã hội phát triển, đồng thời thung lũng Silicon cũng có thể định hướng phát triển tương lai trong thời kì 4.0.

Một lần nữa cảm ơn ông David Dương đã nhận lời trò chuyện hôm nay. Hy vọng Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ và công ty của ông sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Ảnh: Internet

Bình luận