Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Đi đêm lắm có ngày gặp ma’ là gì?

(VOH) - ‘Đi đêm lắm có ngày gặp ma’ là câu thành ngữ khuyên răn con người về cách sống đúng đắn, tránh làm những điều sai trái, nếu không trước sau gì cũng sẽ gặp hậu quả.

Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam luôn chứa đựng rất nhiều bài học răn dạy con cháu về việc sống đúng, sống phải. Câu thành ngữ ‘Đi đêm lắm có ngày gặp ma’ là một trong số đó.

1. “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” nghĩa là gì?

Ở câu thành ngữ “đi đêm lắm có ngày gặp ma” ta có thể hiểu “đi đêm” ở đây nghĩa là làm những điều sai trái, không đúng với lương tâm. “Lắm” có nghĩa là nhiều, với tần suất thường xuyên. Còn “gặp ma” chính là đang nói đến việc gặp nạn, gặp báo ứng.

Việc sử dụng hình ảnh “đi đêm” để gắn với việc làm những điều sai trái là bởi vì những việc xấu thường làm trong tối không ai biết nên sẽ tương đồng với hình ảnh “đi đêm”. Còn “ma” chính là những thứ mà con người sợ hãi không dám gặp, bởi vì khi gặp phải sẽ không mang lại điều gì tốt lành, dễ liên tưởng đến việc gặp báo ứng.

Từ đó có thể thấy được, ý nghĩa thật sự của câu thành ngữ “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” chính là khuyên răn, nhắc nhở con người phải biết làm việc đúng, đừng thấy chưa gặp quả báo mà cho rằng mình có thể làm điều sai trái được. Bởi vì quả báo không chừa một ai nên việc gặp quả báo là điều sớm muộn. 

Xem thêm: ‘Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời’ - Quy luật biến chuyển của cuộc sống và bài học sâu sắc về số phận con người

2. Lời răn dạy từ thành ngữ “Đi đêm có ngày gặp ma” 

Từ xưa đến nay, người tốt luôn nhận được sự yêu quý và nhiều điều tốt lành trong cuộc sống. Ngược lại, người làm việc xấu luôn gặp kết quả không mấy tốt đẹp. Đó là quy luật nhân quả không thể thay đổi, đã thể hiện qua các câu ca dao tục ngữ như “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” hoặc những câu chuyện dân gian, cổ tích như Tấm Cám, Ăn khế trả vàng,...từ ngàn đời nay.

di-dem-lam-co-ngay-gap-ma-voh-0

Truyện cổ tích Việt Nam “Tấm Cám” là tiêu biểu cho quy luật nhân quả

Việc xấu ở đây không hẳn là những việc quá nghiêm trọng như trộm cắp, nói dối. Nó có thể là những việc mà người làm cảm thấy rất bình thường như đặt điều nói xấu người khác, vô tư ăn cắp ý tưởng,... Họ có thể không nhận ra hoặc đã biết nhưng chẳng sợ vì cứ nghĩ việc mình làm là “thần không biết, quỷ không hay” và thế là họ càng ngày càng lún sâu vào điều sai trái.

Rất nhiều người luôn nghĩ những việc làm sai trái của bản thân là không ai biết và dù có làm cũng chẳng bị gì nên cứ ngạo mạn làm điều sằng bậy. Tuy nhiên, hãy nhớ, nhân quả không bỏ sót bất cứ ai, “lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát”, mọi chuyện xấu bạn làm sớm muộn cũng sẽ bị phanh phui, đến lúc đó có hối hận cũng không kịp.

Chính vì thế, nếu muốn người khác không biết trừ khi mình đừng làm. Mỗi người phải sống tốt và làm việc thiện thì chắc chắn sẽ mang lại phước lành cho bản thân và các thế hệ sau. Hoặc thậm chí, nếu bạn không có khả năng giúp đỡ thì cũng đừng làm hại ai, đừng chê bai khinh thường người khó khăn hơn mình cũng đừng ganh ghét người tài giỏi hơn mình.

Làm việc xấu có thể sẽ đạt được cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ khiến tội chồng thêm tội và việc gặp báo ứng là điều chắc chắn. Bạn không thể “một tay che trời” nên hãy sống tốt, sống đẹp cho bản thân và con cháu sau này.

Xem thêm: Thành ngữ 'Của thiên trả địa" và ý nghĩa về quy luật nhân quả ở đời

3. Những câu ca dao tục ngữ nói về nhân quả, báo ứng

Tương tự như câu “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, dân gian Việt Nam còn chứa đựng những câu ca dao tục ngữ, thành ngữ răn dạy người đời về luật nhân quả, báo ứng. 

  1. Ở hiền gặp lành.
  2. Ác giả ác báo.
  3. Gieo gió, gặt bão.
  4. Ai làm người nấy chịu.
  5. Của thiên trả địa.
  6. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.
  7. Gậy ông đập lưng ông.
  8. Gieo nhân nào gặt quả nấy.

di-dem-lam-co-ngay-gap-ma-voh-1

  1. Sống tham, chết thối.
  2. Một đời làm lại, bại hoại ba đời.
  3. Cơ thâm họa diệc thâm.
  4. Ao sâu tốt cá, độc dạ khốn thân.
  5. Cây khô không lộc, người độc không con.
  6. Ở tinh gặp ma, ở quỷ gặp quái, gian tà gặp nhau.
  7. Sát nhân, giả tử.
  8. Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ.
  9. Thí một chén nước, phước chất bằng non.
  10. Ai ăn mặn nấy khát nước.
  11. Ai ăn trầu thì nấy đỏ môi.
  12. Cái miệng hại cái thân.
  13. Trêu ong, ong đốt. Trêu bụt, bụt đâm.
  14. Xởi lởi trời cho, co ro trời lấy
  15. Ăn một miếng, tiếng một đời.
  16. Cấy ác thì gặt ác.
  17. Làm việc phi pháp, sự ác đến ngay.
  18. Sinh sự, sự sinh.
  19. Có phúc có phần.
  20. Phụ vợ, không gặp vợ.
  21. Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc.
  22. Ở đời thà chịu thiệt mình
    Chớ đừng tàn hiếp vì ta hại người.
di-dem-lam-co-ngay-gap-ma-voh-2
  1. Ai ơi, hãy ở cho lành
    Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau.
  2. Đời xưa quả báo còn chầy
    Đời nay quả báo thấy ngay nhãn tiền.
  3. Đạo trời báo phục chẳng lâu
    Hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai.
  4. Muốn biết nhân đời trước
    Xem hưởng quả đời này
    Muốn biết quả tương lai
    Xét nhân gieo hiện tại.

“Đi đêm lắm có ngày gặp ma” là câu thành ngữ đúc kết từ chính kinh nghiệm của ông bà ta ngày trước và nó là bài học để người sau học hỏi, noi theo. Nên nhớ, một con người nhỏ bé sẽ không thể “một tay che trời” Vì thế, bản thân mỗi người nên biết dừng lại đúng lúc, đừng nên vì cái lợi trước mắt mà làm điều sai trái, bởi kết cục cho việc này sẽ không bao giờ tốt đẹp.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet