Nhà bác học Charles Darwin từng nói “Bác học không có nghĩa là ngừng học.” Bởi kiến thức nhân loại là vô tận mà sự hiểu biết của con người như hạt cát ngoài sa mạc. Do đó, học tập là một việc phải luôn tiếp tục và không bao giờ ngừng nghỉ. Tuy nhiên, có những người sinh ra vốn đã thông minh, họ chỉ cần học sơ qua là có thể hiểu cặn kẽ như câu thành ngữ “học một biết mười”.
Vậy câu thành ngữ “học một biết mười” có nghĩa là gì? Liệu thiên phú hay sự chăm chỉ, nỗ lực học tập mới là yếu tố giúp con người khám phá ra những điều thú vị, bổ ích trong kho tàng kiến thức rộng lớn của nhân loại. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. “Học một biết mười” nghĩa là gì?
Để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh sử dụng cũng như những quan điểm xoay quanh câu thành ngữ “học một biết mười”, chúng ta cần làm rõ ý nghĩa của nó.
Trước tiên, chúng ta cần cắt nghĩa từng từ để có thể hiểu rõ hơn về câu thành ngữ “học một biết mười”. Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, từ “học” là tiếp thu kiến thức, kỹ năng do người khác truyền lại. Còn từ “biết” là khả năng vận dụng, làm được việc gì đó do học tập, luyện tập hoặc có do bản năng của bản thân.
Ranh giới giữa “học” và “biết” chính là “của mình” và “của người”. Có thể nói, học là quá trình thu nhận kiến thức từ người khác, còn biết là hiểu tường tận, sâu sắc các kiến thức đến độ vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn.
Cái hay của câu thành ngữ là sử dụng phép so sánh khi dùng từ chỉ số lượng để làm rõ mức độ học. Biết rằng, “một” và “mười” là hai số tự nhiên. Trong đó, “một” biểu tượng cho số ít, còn theo quan niệm phương Đông, “mười” là biểu tượng số nhiều, thể hiện cho sự trọn vẹn, đầy đặn.
Từ sự so sánh ấy, chúng ta rõ từ một cái ít ỏi đến cái tràn đầy, từ “học” đến “biết” là nói đến sự sáng dạ, thông minh, không cần tốn quá nhiều thời gian, công sức giảng dạy của thầy cô mà vẫn hiểu và nắm vững kiến thức.
Ngoài ra, khi xét về nguồn gốc, câu thành ngữ “học một biết mười” không biết bắt nguồn từ đâu. Đây là một thành ngữ mới vì khi tra cứu trong cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của tác giả Vũ Dung thì không thấy xuất hiện.
Xét về hoàn cảnh sử dụng, thành ngữ “học một biết mười” được dùng nhiều trong môi trường học đường. Câu này mang ngụ ý chỉ những người thông minh, sáng dạ, giảng dạy một lần là hiểu sâu sắc các kiến thức được thầy cô giáo truyền đạt. Tuy nhiên, “học một biết mười” có thực sự chỉ nhờ vào thiên phú của người học?
2. “Học một biết mười” - Thiên phú bẩm sinh hay sự nỗ lực không ngừng nghỉ?
Từ xưa đến nay, việc học luôn được mọi người quan tâm và đặt lên hàng đầu. Bởi học là cánh cửa thần kỳ mở ra trước mắt con người những điều thú vị, hấp dẫn của thế giới ngoài kia, giúp chúng ta khám phá và khẳng định giá trị của bản thân qua từng ngày.
Hiểu theo nghĩa thông thường, “học một biết mười” là chỉ sự thông minh, học đến đâu hiểu ngay đến đó, tiếp thu kiến thức vô cùng nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, câu thành ngữ ấy có thực sự chỉ có tầng ý nghĩa đó? Nếu muốn khen ngợi hay bàn về tư chất thông minh của một người, chúng ta nên nói câu “học một biết một” sẽ hợp lý hơn, thay vì dùng “học một biết mười”. Vì tư chất thông minh là học nhanh, hiểu kỹ, hiểu một cách trọn vẹn.
Còn “học một biết mười” là chỉ những người học ít nhưng hiểu nhiều, hiểu sâu sắc và biết cách vận dụng cả những kiến thức liên quan đó. Do đó, người học không thể thiếu tinh thần tự học. Bởi mọi kiến thức phải được hình thành do quá trình học mà ra.
Khi “học một biết mười” thì chín phần kiến thức kia ở đâu mà ra? Nếu lượng kiến thức có là nhờ vào những phán đoán, suy luận chủ quan của người học, ắt phải kiểm chứng. Thời gian tìm tòi, kiểm chứng là biểu hiện của quá trình tiếp tục học tập. Do đó, “học một biết mười” không chỉ nói về sự thông minh mà còn đề cập đến sự cần cù, chăm chỉ và kỹ năng tự học của con người.
Xem thêm:
60 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về học tập, học hành rèn luyện
28 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng nhân ái
340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức hay và sâu sắc
3. Để trở thành người “Học một biết mười” chúng ta cần làm gì?
Câu thành ngữ “học một biết mười” thể hiện tinh thần hiếu học của dân ta. Đó là một truyền qúy báu luôn cần được gìn giữ và phát triển. Vậy muốn bản thân trở thành người “học một biết mười”, chúng ta - những người trẻ cần làm gì?
Để hướng đến mục tiêu trên, chúng ta cần có kỹ năng tự học, nỗ lực hết mình, không ngừng học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới. Khi tự học, chúng ta sẽ có một tâm thế tự do, tự tại và giúp chủ động hơn trong việc học, làm cho quá trình học tập trở nên hiệu quả hơn. Bởi trong thời đại 4.0, chỉ cần chúng ta không chịu học tập, tiếp thu thì chính chúng ta đang tạo cơ hội cho người khác giỏi hơn mình.
Gibbon từng nói “Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: một thứ người khác truyền cho, một thứ, quan trọng hơn, do tự mình kiếm lấy”. Quả đúng như vậy, tri thức nhận từ người khác, mặc dù biết nhưng chúng ta chưa thật sự vận dụng được nó, chưa thể “học một biết mười”.
Ngược lại, tri thức mà bản thân tự tìm tòi, khám phá sẽ thuộc của mình nên bao giờ chúng ta cũng hiểu rõ và áp dụng được trong những tình huống cấp thiết nào đó. Nó hóa thành kỹ năng, ăn sâu vào trong tiềm thức và trở thành một phần không thể thiếu của con người.
Khi sở hữu vốn tri thức phong phú từ việc tự học, con người sẽ mang một vẻ đẹp mà không có một loại châu báu nào sánh bằng. Phải có quá trình tự mày mò học hỏi từ những kiến thức mà bản thân nhận được thì mới biết liên kết, mở rộng các kiến thức liên quan khác. Từ đó, chúng ta sẽ tạo ra được thứ ánh sáng của sự thông minh, sáng dạ “học một biết mười”.
4. Những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ nói về truyền thống hiếu học
Ngoài câu thành ngữ “học một biết mười”, trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc ta còn rất nhiều câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ bàn về truyền thống hiếu học. Từ đó chúng ta thấy được bao đời nay cha ông ta đề cao vai trò học tập và luôn khích lệ con cháu hãy luôn học tập thật tốt, lấy sự “học” là tiền đề, là mục tiêu theo đuổi, phấn đấu suốt cuộc đời.
- Có học có khôn.
- Ăn vóc học hay.
- Học hay cày biết.
- Học thầy chẳng tày học bạn.
- Bảy mươi còn học bảy mươi mốt.
- Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng.
- Hay học thì sang, hay làm thì có.
- Có cày có thóc, có học có chữ.
- Học hành vất vả kết quả ngọt bùi.
- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
- Một kho vàng không bằng một nang chữ.
- Học thầy học bạn, vô vạn phong lưu.
- Tiên học lễ, hậu học văn.
- Học khôn đến chết, học nết đến già.
- Dao có mài có sắc.
Người có học có khôn. - Dốt đến đâu học lâu cũng biết.
- Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.
- Học ăn học nói, học gói học mở.
- Học là học để mà hành
Vừa hành vừa học mới thành người khôn. - Dẫu rằng thông hoạt, chẳng học cũng hư đời, tài chí bằng trời, chẳng học cũng là phải khổ.
Qua câu thành ngữ “học một biết mười”, chúng ta càng hiểu rõ hơn ngoài tư chất thông minh và sáng dạ, tinh thần tự học cũng vô cùng quan trọng. Chỉ khi tự tìm tòi, khám phá thì tri thức của nhân loại mới thuộc về chúng ta. Bên cạnh đó, hãy luôn ghi nhớ chúng ta không học vì những lời khen có cánh hay ánh mắt của người xung quanh mà học vì chính bản thân chúng ta. Một khi việc học bắt nguồn từ sự ham hiểu biết của mình, tự bản thân của bạn sẽ phát ra ánh sáng của sự thông minh.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet