Chờ...

Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3: “Hạnh phúc cho mọi người”

(VOH) - Sau tất cả những chỉ số về phát triển, chỉ số kinh tế, con người mới nhận ra rằng, giàu có, tài sản hay quyền lực chẳng mấy ý nghĩa nếu không có hạnh phúc.

Năm 2023, “Hạnh phúc cho mọi người” là chủ đề Ngày Quốc tế hạnh phúc - như lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, ngoài cộng đồng… bằng những hành động thiết thực nhất

Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ với VOH:

*VOH: Thưa bà, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm nay có chủ đề “Hạnh phúc cho mọi nhà” có ý nghĩa như thế nào?

Tiến sĩ Lý Thị Mai: Khi  nói tới hạnh phúc cho mọi nhà, trước hết phải nói tới hạnh phúc cho mỗi người. Bởi vì trong một gia đình hạnh phúc thì gồm có các thành viên trong gia đình hạnh phúc. Đấy là ước mơ, khát vọng để hướng tới, là một quá trình mà chúng ta phải phấn đấu.

*VOH: Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các chức năng cơ bản của gia đình về giáo dục, tình cảm đang bị suy giảm, dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức gia đình. Đánh giá của bà?

Tiến sĩ Lý Thị Mai: Ở xã hội, mỗi giai đoạn đều có những cung bậc thăng trầm thuận theo tự nhiên. Nhưng nếu nói rằng tất cả mọi người đều đau khổ và mọi thứ đều xuống cấp thì tôi nghĩ rằng tùy theo từng giai đoạn.

Trước đây, những lúc khó khăn người ta lại quay về với gia đình, nhưng khi cuộc sống dễ dàng hơn, tốt đẹp hơn thì người ta lại có nhu cầu khác ngoài gia đình. Cho nên sẽ có những dao động về mặt tình cảm

Người ta sẽ có nhiều mối quan hệ xã hội và nhu cầu giao tiếp chính đáng ngoài quan tâm là gia đình, cho nên ta cảm thấy hình như là mọi người ít ở nhà hơn. Nhưng thực ra điều đó không phải là điều tiêu cực mà nó thuận theo nhu cầu giao tiếp phong phú của đời sống xã hội.

Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, các gia đình lại rất là bình an, bởi vì có muốn đi ra ngoài cũng không được. Lúc đó người ta lại nhìn nhận với nhau về giá trị và chỉ cầu mong sao gia đình họ bình an, thế là hạnh phúc.

Vấn đề ở đây là ý thức của mỗi thành viên trong gia đình làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua những "cơn bão" nếu "bão" đến nhà mình.

Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3: “Hạnh phúc cho mọi người” 1
Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai: "Mong rằng tất cả chúng ta sẽ tìm được niềm vui, hạnh phúc một cách giản đơn nhất" -Ảnh:: Phương Dung

*VOH: Thế giới đang hồi phục sau đại dịch và đương đầu với nhiều khó khăn nhất là về kinh tế. Liệu có ảnh hưởng đến hạnh phúc của mọi người hay không, thưa bà?

Tiến sĩ Lý Thị Mai: Chúng ta vượt qua đại dịch, sau đại dịch bao giờ cũng có những khó khăn, đó là điều rất tự nhiên. Tôi nghĩ trước hết là bình tĩnh. Trước đây mình có thể thoải mái chi tiêu 10 đồng, bây giờ khó khăn thì lại thắt lưng buộc bụng, chi tiêu khoảng 5-6 đồng thôi.

Tôi vẫn có một niềm tin rằng nếu chúng ta yêu thương nhau thì sẽ có cách "liệu cơm gắp mắm" sao cho phù hợp để dù là khủng hoảng kinh tế có ảnh hưởng nhưng sẽ giảm bớt đi phần nào.

*VOH: Theo bà mọi người nên làm gì trong Ngày Quốc tế Hạnh phúc để vinh danh những giá trị của hạnh phúc ?

Tiến sĩ Lý Thị Mai: Thực ra thì tùy theo điều kiện của mỗi gia đình để chúng ta hướng về ngày Quốc tế Hạnh phúc bằng những cách khác nhau. Nhưng tôi nhớ câu ca dao của ông bà mình “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” thế là hạnh phúc thôi. Bữa cơm mà vui thì bữa cơm hạnh phúc !

Chúng ta đón nhận hạnh phúc với tinh thần làm sao để cân bằng, hài hòa giữa khát vọng với thực tại. Hãy cố gắng để mọi thành viên gia đình quây quần với nhau trên bàn ăn, ở đó không phải là thức ăn cao lương mỹ vị mà thức ăn của niềm vui, tức là mọi người đều hướng về nhau.

Tôi gửi lời chúc đến các gia đình Việt Nam, đến tất cả mọi người. Chúng ta hãy sống vui, bằng lòng với những cái chúng ta đang có.

Mỗi sớm mai thức dậy thấy mình được bình an, mạnh khỏe, có công việc làm, có điều kiện để quay về gia đình của mình mỗi buổi chiều tà. Và đấy cũng là hạnh phúc.

*VOH: Xin cám ơn bà!