Phán xét người khác liệu có làm bạn trở nên tốt đẹp, tài giỏi hơn?

(VOH) - 'Phán xét' hành động không để lại thương tích về thể xác nhưng lại gây tổn thương tinh thần trầm trọng. Hãy cân nhắc trước khi đánh giá về một ai đó!

“Chúng ta chẳng thể tử tế với nhau ở nơi đây, dù chỉ trong một giờ. Chúng ta thì thầm, chỉ trỏ, cười khẽ mỉa mai trước nỗi tủi thẹn của anh em đồng loại. Dù nhìn như thế nào, loài người chúng ta cũng là giống loài nhỏ mọn”
–  Nam tước Alfred Tennyson (Thi sĩ nước Anh / 1809-1892)

Soi mói khuyết điểm của người khác, rồi vịn vào đó mà phán xét, mà lên án dường như từ lâu đã là việc làm được con người “yêu thích”. Hãy thử nhìn xung quanh bạn, những câu chuyện bạn được nghe hàng ngày từ chính những mối quan hệ quanh mình và trên mạng xã hội, bạn sẽ thấy “phán xét” là việc làm diễn ra nhơn nhỡn như một lẽ tự nhiên, như bản năng của con người.

Phán xét người khác có phải là dục vọng, là thú vui của con người?

Chúng ta luôn rình rập đợi chờ người khác có sơ hở là lập tức vồ vập mà chỉ trích, mà phân tích rồi chê bai bằng một thái độ khinh khỉnh, xem thường. Đem câu chuyện đó nói với hết người này đến người khác, thậm chí là mang nó lên mạng xã hội để nhiều người cùng nhau dùng “ngôn từ đạo đức” mà tổn thương một người. Rồi mặc nhiên lấy đó làm thú vui cuộc sống, càng vui hơn khi có nhiều người có chung “mục tiêu” với mình, vì nhiều người chính là có nhiều đôi mắt “tinh anh” dễ dàng nhìn ra thêm thật nhiều yếu điểm còn lại của “đối tượng”. Trí tưởng tượng, tầm nhìn và khả năng phân tích càng trở nên màu nhiệm. Thậm chí ngôn từ chê bai càng nặng nề, càng độc địa lại càng khiến chúng ta thích thú, vui sướng.

Phải chăng “phán xét người khác”, tìm thấy được yếu điểm của người khác chính là dục vọng từ sâu trong lòng chúng ta?

phan-xet-nguoi-khac-la-thu-vui-cua-con-nguoi-voh-2
 

Xem thêm: Dựa dẫm là lối sống sai lầm biến bạn trở thành kẻ vô tích sự, ai cũng chán ghét!

Con người chẳng ai là hoàn hảo nhưng lại luôn thích phán xét người khác

Con người sinh ra vốn dĩ ai cũng có khuyết điểm, có lẽ chính vì vậy mà ta lại cứ thích đi tìm kiếm khuyết điểm của người khác để lấy đó so sánh với mình, mà đưa mình lên cao chăng?

Mọi sự ganh ghét, so đo, ghen tị, hơn thua chắc có lẽ chính là lý do dễ hiểu nhất để lý giải cho hành động thích phán xét này rồi.  

Nhưng nhìn xem, phán xét tiêu cực và phiến diện không hề giúp bạn trở nên tốt đẹp hơn, giỏi giang hơn hay tài năng hơn trong mắt người khác, mà thậm chí đôi khi còn phản tác dụng. Có phải ai cũng ngây ngô tin lời bạn nói, hay đối với họ lời nói chê bai đó, sự phán xét đó cũng giống như một xô “nước bẩn” mà bạn đang dội ngược vào chính mình?  

phan-xet-nguoi-khac-la-thu-vui-cua-con-nguoi-voh-1
 

Xem thêm: Tôi chọn tha thứ không phải vì bạn mà là vì giải thoát cho chính mình!

Nhìn nhận lại những lời phán xét của mình về người khác, bạn lấy tư cách gì để làm điều đó?

Nghĩ mà xem bạn tự cho mình cái quyền năng phán xét người khác, nhưng có bao giờ bạn dừng lại để nhìn chính mình chưa? Bạn có gì hơn người ta? Bạn tốt đẹp ở chỗ nào? Bạn đã làm gì được cho họ chưa? Yếu điểm đó của họ có ảnh hưởng gì đến bạn không? Hay chỉ vì bạn cảm thấy “ngứa mắt” thì lập tức ban cho mình thẩm quyền đưa người khác lên bàn cân mà phán xét, mà đánh giá?

Điều bạn nói ra đó, đối với bạn chỉ là một lời nói nhưng đối với “mục tiêu bị phán xét” của bạn thì lại là một sự tổn thương sâu sắc và ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ rất nhiều. Không ai muốn mình tệ hại hay xấu xa trong mắt người khác cả, khi những yếu điểm bị tố giác, bị phát hiện ai cũng xấu hổ, tự ti, thậm chí là mặc cảm, trầm cảm cũng không chừng.

phan-xet-nguoi-khac-la-thu-vui-cua-con-nguoi-voh
 

Mỗi người chúng ta đều có những giá trị riêng của mình và có những mục tiêu riêng trong cuộc sống, chính vì vậy nếu dùng đôi mắt hạn hẹp về điều bạn cho là đúng, là phải để đánh giá người có lý tưởng khác với bạn, như vậy thật sự bất công và phiến diện quá. Chúng ta luôn khao khát sự yêu thích và công nhận từ người khác, vậy tại sao không cùng hỗ trợ nhau để trở nên tốt đẹp hơn mà lại muốn người khác bị căm ghét, bị cho là bất tài vô dụng, là xấu xa?

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận