Chính sách “miễn dịch cộng đồng” của nước Anh: Vì sao vấp phải sự phản đối toàn cầu?

(VOH) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng, hoành hành tại châu Âu, và nhiều quốc gia trên thế giới, dư luận Anh những ngày qua tiếp tục tranh cãi về cách ứng phó có phần khác biệt.

Đó là khái niệm “miễn dịch cộng đồng” mà một cố vấn khoa học hàng đầu của Anh đưa ra vấp phải những chỉ trích gay gắt. Trong phản ứng mới nhất, chính phủ Anh đã bác bỏ ý tưởng “miễn dịch cộng đồng”. Thế nhưng, việc vẫn chưa có ngay lập tức các biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ như các nước châu Âu để ngăn chặn dịch lây lan, đang tiếp tục đặt ra những hoài nghi về việc: Liệu nước Anh đang thực sự theo đuổi chính sách nào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19? Bình luận của Nhà báo Nhật Quang.

Dư luận Anh bắt đầu tập trung chú ý đến phát biểu mới nhất của ông Pa-trích Vơ-lên (Patrick Vallance) - Cố vấn trưởng Khoa học của chính phủ Anh về một ý tưởng được gọi là “miễn dịch cộng đồng”. Theo lý thuyết, “miễn dịch cộng đồng” được hình thành khi một tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm. Các chuyên gia cho rằng, việc tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ có ý nghĩa lớn đối với người già, trẻ em, trẻ sơ sinh, vốn là những đối tượng dễ tổn thương nhất do sức đề kháng, hệ miễn dịch hoặc sức khỏe yếu.

Cụ thể với nước Anh, theo chiến lược này, có thể 60% dân số Anh - tức khoảng hơn 40 triệu người sẽ nhiễm Covid-19. Sau một thời gian, sẽ có một số lượng người đủ lớn có miễn dịch thông qua việc tiêm vắc-xin hoặc qua việc cơ thể tự phát triển miễn dịch, để ngăn chặn virus. Theo ông Vơ-lên (Vallance), đây là cách tiếp cận tốt nhất vì có thể ngăn được dịch quay lại trong tương lai. Tuy nhiên, ngay sau khi ý tưởng này được công khai, dư luận Anh đã phản ứng trái chiều, tranh cãi gay gắt. Rất nhiều chuyên gia y tế Anh phản đối chiến lược này vì cho rằng nó có hai thiếu sót lớn, đó là hiện nay thế giới chưa có vắc-xin chống Covid 19 và không biết khi nào sẽ có. Thứ hai, việc thực thi chiến lược này đồng nghĩa với việc chính phủ Anh sẽ phải chấp nhận thiệt hại sinh mạng rất lớn của người dân Anh.

Tiến sỹ Giê-rê-my Rốt-s-man (Jeremy Rossman), một chuyên gia về vi rút học của Trường Đại học Kent đánh giá, nếu thực hiện theo chiến lược của chính phủ Anh, cần phải có ít nhất 47 triệu người Anh nhiễm Covid 19 mới có thể tạo nên một hệ thống miễn dịch cộng đồng. Với tỷ lệ tử vong hiện nay của dịch Covid 19, kể cả nếu tính ở mức thấp nhất là 1% thì cũng sẽ có gần 500 ngàn người dân Anh thiệt mạng. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì thống kê cho thấy, từ khi dịch bùng phát, tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc là trên 3% còn tại Italia thậm chí lên tới trên 6%.

Nhiều chính trị gia Anh cũng chỉ trích kịch liệt chiến lược này. Cựu Thủ tướng Anh Gô-đần Brao (Gordon Brown) cho rằng chính phủ Anh thực chất đang che giấu sự yếu kém và thiếu chuẩn bị cho việc đối phó đại dịch hiện nay. Do đó, ngay sau khi vấp phải những phản ứng chỉ trích mạnh mẽ về khái niệm “miễn dịch cộng đồng”, hôm 16/3, Thủ tướng Anh Bô-rít Giôn-sơn (Boris Johnson) đã phải đưa ra những giải pháp có phần quyết liệt hơn. Theo đó, chính phủ Anh đưa ra các đề xuất tăng cường các biện pháp giữ khoảng cách xã hội nhằm hạn chế tình trạng bùng phát dịch bệnh Covid-19, bao gồm cách ly tại nhà, làm việc tại nhà và chấm dứt các hoạt động tụ họp đông người. Trong một diễn biến mới nhất, bắt đầu từ hôm nay (20/3), Anh sẽ đóng cửa toàn bộ các trường học trong cả nước vô thời hạn và cân nhắc khả năng phong tỏa thủ đô London. Trong thông điệp gửi tới người dân Anh, Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh: “Hiện là thời điểm mọi người nên ngừng các hoạt động tiếp xúc không cần thiết với người khác cũng như hoạt động đi lại không cần thiết… Chúng tôi đề nghị người dân bắt đầu làm việc từ nhà riêng, nơi họ có thể. Bạn nên tránh các quán rượu, câu lạc bộ, nhà hát và những nơi gặp mặt bạn bè khác như vậy”. Thủ tướng Anh nêu rõ, các biện pháp phòng ngừa đặc biệt quan trọng đối với nhóm người dễ tổn thương như người già trên 70 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền. Theo ông Johnson, đây là những biện pháp cần thiết vào lúc này.

Như vậy kể từ khi bắt đầu có trường hợp nhiễm đầu tiên hồi cuối tháng 1 đến nay, dư luận đã thấy những thay đổi đáng kể trong cách ứng phó của chính phủ Anh đối với dịch Covid-19. Thế nhưng, dù đã có những phản ứng mới nhất - có vẻ cứng rắn hơn để ứng phó với dịch bệnh, nhưng dường như nước Anh vẫn chưa tính đến các biện pháp mạnh mẽ nhất như phong tỏa hay đóng cửa biên giới mà nhiều nước châu Âu khác đã làm. Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, động thái này vẫn dấy lên câu hỏi, liệu chính phủ Anh đang thực sự tính toán điều gì? Và tuyên bố của chuyên gia -trích Vơ-lên (Patrick Vallance) vào đúng thời điểm Thủ tướng Giôn-sơn (Johnson) tuyên bố nước Anh chuyển sang giai đoạn “trì hoãn dịch” có hàm ý gì hay không? Trước đó, chính phủ Anh đề ra kế hoạch ba giai đoạn gồm kiềm chế, trì hoãn (làm chậm lại) và giảm thiểu, trong đó cụ thể hơn về phản ứng thì có 4 giai đoạn tổng cộng tính thêm khâu kiềm chế, trì hoãn, nghiên cứu và giảm thiểu. Ban đầu, người Anh triển khai giai đoạn 1 (kiềm chế). Đến ngày 12-3 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson mới xác nhận chính phủ đang bước vào giai đoạn 2, tức trì hoãn.

Tuy nhiên ở đây có một chi tiết đáng chú ý, ngay sau khi vấp phải quá nhiều chỉ trích cả trong nước và quốc tế, Bộ Y tế Anh hôm 15/3 đưa ra tuyên bố cho rằng, bình luận của ông Pa-trick (Patrick) đơn giản “đã bị hiểu sai”! Trả lời Sky News, Bộ trưởng Y tế Anh Mat-han-cốc (Matt Hancock) tuyên bố, chính phủ “không dùng chiến lược miễn dịch cộng đồng” để chống Covid-19. Nhưng ngay lập tức dư luận lại đặt câu hỏi, liệu vấn đề của toàn nước Anh trước một đại dịch nguy hiểm như Covid-19 có đơn giản chỉ là một sự hiểu sai như giải thích của Bộ Y tế hay không. Chẳng phải vô cớ mà tờ Người Bảo vệ (The Guadian) - một tờ báo uy tín của nước Anh lại có trong tay một báo cáo mật của Cơ quan Y tế công cộng Anh thừa nhận, khả năng dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới 1 năm tại nước này. Cũng theo tài liệu này, giới chức y tế Anh dự tính, có đến 80% dân số Anh sẽ bị nhiễm Covid-19 và 15% trong số đó - tương đương khoảng 7,9 triệu người buộc phải nhập viện để điều trị. Điều này cũng đã khiến người ta liên tưởng đến một tuyên bố khác của người đứng đầu nước Đức - Thủ tướng Angela Merkel khi mới đây bày tỏ lo ngại công khai rằng, sẽ có tới 60-70% người dân Đức có thể sẽ nhiễm virus Sars-CoV-2.

Thời điểm này, khi nước Anh đứng trước nguy cơ trở thành tâm dịch mới ở EU khi có hàng nghin ca nhiễm SARS-CoV2 mới và tỷ lệ tử vong tăng cao, một số chuyên gia cho rằng, Anh rồi cũng sẽ như các nước châu Âu khác như Italia, Pháp rồi Đức phải hoảng hốt và chạy đua các biện pháp “bế quan tỏa cảng” toàn bộ đất nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Vì thế, dù trong lịch sử, miễn dịch cộng đồng thực tế cũng đã giúp giảm nguy cơ dịch bùng phát trở lại, như sau đợt cúm Tây Ban Nha lần thứ 2 năm 1918, chính sách này có còn đúng với thực tế hay không và nước Anh sẽ theo đuổi chiến lược nào để chống đại dịch, vẫn là một câu hỏi ngỏ chưa có lời đáp.

Gian dối, thiếu ý thức phòng dịch là tội ác với cộng đồng: Những hành vi thiếu ý thức, khai báo gian dối đó không chỉ phạm pháp, mà còn là tội ác với cộng đồng.

 

Châu Âu trở thành tâm dịch, vì sao nên nỗi?:  Những ngày này, châu Âu đang trở thành tâm điểm của dịch Covid-19 với những diễn biến quá nhanh và phức tạp - tưởng chừng như mất kiểm soát.

Bình luận