Châu Âu trở thành tâm dịch, vì sao nên nỗi?

(VOH) - Những ngày này, châu Âu đang trở thành tâm điểm của dịch Covid-19 với những diễn biến quá nhanh và phức tạp - tưởng chừng như mất kiểm soát.

Hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ đã được lãnh đạo Liên minh châu (EU) và cả chính quyền các nước thực hiện, nổi bật là lệnh phong tỏa toàn quốc chưa từng có tại Italia hay việc giới chức Liên minh châu Âu lập quỹ 25 tỷ euro để cứu các nền kinh tế thành viên trước dịch bệnh Covid-19. Nhưng vì sao châu Âu vẫn trở thành tâm dịch? VOH có bình luận Châu Âu trở thành tâm dịch, vì sao nên nỗi?

Châu Âu trở thành tâm dịch, vì sao nên nỗi?

Châu Âu trở thành tâm dịch, vì sao nên nỗi?

Những ngày qua, khi châu Âu “bắt đầu có biến” và diễn biến dịch Covid-19 càng lúc càng khó lường, đã có hàng loạt câu hỏi đặt ra, rằng “Vì sao một khu vực phát triển như châu Âu lại bị virus tấn công mạnh mẽ như thế?”, nhưng “Tại sao châu Âu dường như không quá “sốt sắng” xử lý như các vùng dịch khác?” và “Liệu có phải châu Âu quá chủ quan, lơ là?”. Rồi nhiều trường hợp được xác nhận nghi nhiễm tại khu vực nhưng chưa nhận được điều trị y tế cần thiết; trong khi chính quyền ra sức kêu gọi tăng cường các biện pháp chống dịch thì người dân dường như lại chưa thực sự để tâm... Đây phải chăng là lý do khiến toàn bộ 27 nước châu Âu nhiễm bệnh?

Hiện tại thì cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đều đã có dịch, nước nghiêm trọng nhất là Italia thì đã phải phong toả toàn bộ lãnh thổ với dân số 60 triệu người. Ngay trong đêm 11/3, Thủ tướng Italia, ông Giuseppe Conte còn ra thêm một quyết định khác đó là ra lệnh đóng cửa hầu như toàn bộ các cửa hàng, văn phòng, quán bar… tại Italia, trừ các hiệu thuốc và các cửa hàng thực phẩm. Sở dĩ có quyết định này đó là vì dù lệnh phong toả toàn quốc đã được đưa ra, chính phủ Italia cũng đã cấm người dân ra khỏi nhà và di chuyển nhưng rất nhiều người dân nước này vẫn không ở lại trong nhà, nên nguy cơ lây lan dịch vẫn cao.

Những gì diễn ra ở Italia là ví dụ cho thấy tại sao châu Âu không thể chặn được dịch. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, giới chức ban đầu không thực sự đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của Covid 19. Nhiều người ở Tây Âu hiện nay vẫn cho rằng đây chỉ là một dạng cúm mới và sau này sẽ trở thành cúm mùa hàng năm. Vì thế, các quốc gia chủ quan và không áp dụng ngay tức thì biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ. Chỉ đến khi dịch lây lan đến mức không kiểm soát được như ở Italia thì bắt đầu hành động nhưng đã quá muộn. Còn tại Italia thì đợt bùng phát đầu tiên ở vùng Lombardy giới chức Italia ban đầu không ý thức hết sự nguy hiểm của dịch, không kiểm tra, không cho xét nghiệm hay cách ly bệnh nhân số 1 nhiễm bệnh, khiến mức độ tiếp xúc của các cá nhân nhiễm bệnh đầu tiên này vượt ra ngoài tầm kiểm soát.Với các nước khác như Pháp, Đức, Tây Ban Nha… thì tình trạng dịch hiện nay có liên hệ trực tiếp với các ca ở Italia. Chỉ một tuần sau khi miền Bắc Italia bùng dịch, các nước này đều có số ca nhiễm tăng chóng mặt. Nguyên nhân chủ yếu là do không thể kiểm soát được người đi đến từ các vùng dịch của Italia. Đó là bởi Hiệp ước Schengen về tự do di chuyển nội khối đã khiến việc kiểm soát biên giới trở nên bất khả thi. Cùng với đó, tâm lý chủ quan coi thường của người dân châu Âu đã khiến tình hình thêm trầm trọng. Hiện, ngoài Italia sự lo lắng thì đã bắt đầu ngày càng lớn dần ở các nước Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha.

Trên thực tế, các nước châu Âu có các chiến lược ứng phó với dịch bệnh tương đối khác so với châu Á. Thời gian đầu, khi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên trên lãnh thổ, các nước cũng tập trung cách ly và khoanh vùng dịch, tuy nhiên ở một quy mô và cách thức hạn chế hơn. Những người nhiễm bệnh thì được nhập viện điều trị, còn những người tiếp xúc gần, như F1, thì được chỉ định cách ly tại nhà để theo dõi. Đến các ca F2 là gần như không có chỉ định gì đặc biệt. Quan trọng hơn, là các nước này không theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ nguy cơ dịch từ nơi khác vào qua cửa khẩu. Mặc dù các hãng hàng không châu Âu đã sớm ngưng đường bay thẳng đến Trung Quốc nhưng tại các sân bay châu Âu, hầu như không có việc kiểm dịch.

Hiện nay, dịch Covid-19 đã lây lan rộng trên khắp châu Âu, dù có nhiều cảnh báo trước đó và các phương án phòng chống đã được đưa ra nhưng tới nay số người lây nhiễm virus Sars-Cov-2 trong khu vực Đông Âu vẫn tăng nhanh theo từng ngày. Chính người dân cũng đang có nhiều trạng thái tâm lý khác nhau; số ít người có tâm lý hoang mang lo lắng và tích trữ lương thực trong nhiều tuần, họ hạn chế ra khỏi nhà trừ trường hợp bắt buộc; nhưng phần đông thì vẫn giữ được sự bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, tổ chức Y tế Thế giới cho biết virus Corona đã biến thể thành những chủng mới nguy hiểm hơn. Hiện tại các nước đều đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, tức là khi dịch lan khắp cả nước. Khi đó thì các nước này sẽ không giữ chiến lược khoanh vùng, cách ly nữa mà sẽ tập trung cho các ca bệnh nặng nhất còn đa số sẽ phải tự điều trị và cách ly ở nhà. Các nước này cho rằng như thế sẽ không làm sụp đổ hệ thống y tế và vẫn giữ cho các hoạt động kinh tế được diễn ra, không bị tê liệt hoàn toàn.

Có thể nói, dù là do khách quan hay chủ quan thì dịch Covid-19 đã không loại trừ bất cứ một thành viên nào của Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên. Trước một virus vẫn còn là “ẩn số” như Sars CoV-2 với diễn biến dịch ngày càng khó lường, mỗi quốc gia và cả giới chức lãnh đạo Liên minh châu  Âu có lẽ cũng đang phải nhanh chóng tìm ra giải pháp để hạn chế tối đa sự lây lan và tác động của dịch bệnh, để mọi diễn biến không thể vượt tầm kiểm soát, gây ra kịch bản tồi tệ nhất không ai mong muốn.

Cuộc đua “song mã” của Đảng Dân chủ - (VOH) - Năm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã chính thức “nóng” lên với ngày bỏ phiếu “Siêu thứ ba” đầu tiên hôm 3/3.