"Hụi", phải quản cho bằng được

(VOH) - Nghị định 19/2019 thay thế Nghị định 144/2006 mà gọi tắt là “quản lý hụi” rất cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ hụi, bể hụi hoặc lãi suất cao ngất ngưởng.

Quản lý họ, hụi, phường, biêu khi Chính phủ cho ra đời Nghị định 19/2019 thay thế Nghị định 144/2006 mà gọi tắt là“quản lý hụi”, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, chuyên gia kinh tế luật, Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng Nghị định lần này là rất cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ hụi, bể hụi hoặc lãi suất cao ngất ngưởng.

Nghe bài viết:

Hụi, quản lý hụi, bể hụi

Ảnh minh họa: baocantho

Nói không quá lời, ngay cả học sinh cũng có nhiều em hiểu về hụi chứ chẳng phải chỉ có người lớn mới biết. Bởi chơi hụi cũng khá đơn giản! Một nhóm người cùng góp vốn, hay nói cách khác là cùng góp tiền theo một mức nhất định, sau đó thỏa thuận ai cần thì “hốt” và trả dần về sau và ngược lại. Đây là hình thức huy động vốn dễ nhất mà người chơi không lăn tăn chuyện lãi suất. Thực tế, chơi hụi đã đi vào tận hang cùng ngõ hẻm và mọi người rất vui vẻ tham gia theo phương thức chơi đơn giản, dễ hiểu, thân tình, hỗ trợ kịp thời,  nhanh chóng, giúp mọi người giải quyết nhu cầu bức thiết của cá nhân và gia đình.

Nhưng về sau hụi ngày càng biến tướng, khó lường. Các vụ bể hụi xảy ra tràn lan. Chủ hụi, có nơi gọi là “đầu thảo” vì huy động vốn lãi suất cao dẫn đến phá sản, vỡ nợ, giật hụi, mất kiểm soát hoặc kể cả thành viên tham gia hốt xong rồi trốn hụi, bỏ đi. Khi ấy nhiều người mới vỡ lẽ, hụi không hề dễ ăn và có thể khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Những người tham gia trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, giật hụi mà không biết kêu ai. Khi những vụ việc bị vỡ lỡ thì chính quyền mới biết nhưng cũng khó “gỡ” hậu quả. Bởi đó chủ yếu là những cuộc chơi tự phát, các thành viên tự nguyện góp vốn và vì vậy họ cũng đặt ra những “luật chơi riêng” cho nhóm hụi của mình. Mà đã là cuộc chơi riêng thì tính pháp lý rất yếu ớt, không theo một quy chuẩn nào. Đến khi bể hụi, các nạn nhân vì “của đau con xót” rất dễ rơi vào tình thế vi phạm pháp luật do giận dữ hành động, tự ý xâm hại người khác và tài sản người khác bằng cách siết nợ theo kiểu “vớt vát” được chừng nào hay chừng đó. 

Thực trạng này khiến cho tình hình an ninh trật tự địa phương thêm phức tạp. Nạn nhân thì vừa bị mất tài sản mà lại không có căn cứ khởi kiện chủ hụi hay những ai cố tình lừa đảo vì không thể chứng minh thiệt hại của họ. Cơ sở pháp lý của thỏa thuận khá mong manh bởi mọi thứ chỉ là giao kèo miệng hay những tờ giấy viết tay vô giá trị. Các địa phương, nhất là những cơ quan thực thi pháp luật cũng lúng túng không biết giải quyết như thế nào. Vì vậy nhiều vụ việc kéo dài, không có lối ra khiến hụi từ bản chất gốc là tích cực, tương trợ nhau trong cuộc sống bỗng trở thành “thảm họa” cho nhiều cá nhân, gia đình.

Bỏ qua giai đoạn trước nhưng kể từ ngày 27/11/2006, tức thời điểm ra đời Nghị định 144 của Chính phủ về quản lý họ, hụi, phường, biêu thì thực chất cũng không có nhiều người để ý đến sự tồn tại của Nghị định này. Các địa phương dường như cũng chưa làm tốt việc tuyên truyền hay vận dụng để giải quyết các tranh chấp về hụi một cách thấu đáo. Vì vậy, nhiều vụ việc vỡ hụi, bể hụi có khi rơi vào bế tắc hoặc giải quyết thiếu thỏa đáng, không đảm bảo lợi ích các bên.

Tuy nhiên Nghị định 19/2019 lần này ra đời đã ít nhiều khắc phục những “điểm hở” của Nghị định 144/2006 như: quy định mức trần lãi suất không vượt quá 20%/năm trong các dây hụi. Quyền và nghĩa vụ của các thành viên là chủ hụi, hụi viên... cũng dần rõ nét hơn. Việc giao dịch được quy định thông qua thỏa thuận trên cơ sở biên nhận, giấy tờ có đủ các chi tiết ngày, tháng, năm sinh, chứng minh nhân dân, căn cước, hộ chiếu, nơi cư trú… để đảm bảo cơ sở cho các tranh chấp về sau.

Dù được đánh giá cũng chưa hoàn thiện, nhất là Nghị định lần này chưa đưa ra con số cụ thể chủ hụi được lập bao nhiêu dây, hình thức tổ chức hụi có được xem là kinh doanh tài chính hay không, có thu thuế hay không… nhưng việc này có thể được các Bộ- Ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện từ đây đến ngày 5/4/2019, thời điểm Nghị định 19 chính thức có hiệu lực.

Cũng có ý kiến cho rằng, các điều khoản quy định của Nghị định 19/2019 khống chế sức hấp dẫn và làm giảm hiệu quả khi tham gia chơi hụi. Thay vì cố gắng quản lý hụi thì nên tạo điều kiện mở rộng, nới lỏng hình thức cho vay thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhưng nếu chỉ như vậy thì liệu có ngăn chặn được những phát sinh tiêu cực, mặt trái của chơi hụi hay không? Thành ra với hụi, khi được luật hóa nhằm quản lý, kiểm soát thì đương nhiên mọi thứ không thể quá tự do đến mức tùy tiện như trước đây.

Bản chất hụi là một phương thức tương trợ có tình truyền thống, lâu đời với nghĩa gốc rất tích cực, thu hút nhiều đối tượng trong xã hội tham gia, nhất là người nghèo, những bà con thiếu vốn làm ăn, còn khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, vấn đề nằm ở khâu quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện để ngăn chặn những “biến tấu buồn” hay những phát sinh tiêu cực của nó. Các điều khoản quy định chính là tín hiệu, là cơ sở để mọi người nhận diện những đối tượng có ý đồ xấu, lấy sức hấp dẫn của mức trần lãi suất “không tưởng” để chiếm đoạt tài sản của những ai nhẹ dạ, cả tin. Đó cũng là “chốt chặn” bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia chơi hụi chân chính, đúng luật, tránh bị thiệt hại về sau.  

Thành ra, hoàn thiện Nghị định này từ những góp ý của dư luận, của chuyên gia là điều mà các Bộ-Ngành nhất định phải tiến hành. Từ đó, các địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật đặt quyết tâm phải quản lý cho bằng được các hoạt động của họ, hụi, phường, biêu và xem đây là yêu cầu bắt buộc chứ không thể thấy thiếu, thấy khó rồi bỏ qua. Bởi quản lý vẫn hay hơn là bỏ hoặc cấm!

Bình luận