Chờ...

Năm mới 2022 đại dịch tiếp tục thử thách các quốc gia

Năm mới 2022 đang cận kề. Lẽ ra thời gian này, người dân thế giới tưng bừng đón năm mới, nhưng những cơn sóng dữ mang tên Omicron đã đặt thế giới trước những thách thức rất lớn.

Hàng loạt các quốc gia đã đóng cửa biên giới và áp dụng lệnh phong tỏa trở lại. Các chỉ số kinh tế toàn cầu tiếp tục sụt giảm. 

Pháp sẽ không thực hiện giãn cách xã hội, không giới nghiêm, không đóng cửa trường học... để đối phó với làn sóng dịch thứ năm bùng phát đúng dịp lễ Giáng sinh, thay vào đó sẽ "mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện". Hội đồng Bộ trưởng Pháp đã đưa ra quyết định trên tại cuộc họp do Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì diễn ra chiều 27/12, trong bối cảnh số mắc mới COVID-19 ở nước này tăng vọt, vượt ngưỡng 100.000/ngày ngay trước thềm Năm mới 2022, năm bầu cử quan trọng của nước Pháp. Theo số liệu được báo điện tử Journal du Dimanche công bố, trong khoảng thời gian từ ngày 1/11 đến ngày 19/12, số lượng giấy phép nghỉ việc do dịch bệnh đã tăng 740%, từ 5.763 lên 42.541 trường hợp. Do đó, làn sóng Omicron đang làm dấy lên lo ngại về điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra trong những tuần tới. Giáo sư Arnaud Fontanet dự kiến có "vài trăm nghìn ca mỗi ngày" sẽ phải nghỉ việc để cách ly vào tháng 1/2022.  Hội đồng Khoa học Pháp đang lo ngại về kịch bản "có thể xảy ra tình trạng xáo trộn ở một số ngành dịch vụ thiết yếu" trong tháng tới do không có người làm việc.

 

​Không chỉ có Pháp, thế giới đã trải qua thêm một mùa Giáng sinh trầm lắng trong bối cảnh biến thể Omicron, vốn được phát hiện cách đây 1 tháng, đang lây lan mạnh. Đây còn là thời điểm người dân các nước đang chuẩn bị bước sang Năm mới 2022, cũng là năm thứ ba ứng phó với COVID-19 với nhiều thách thức. Hàng loạt quốc gia quyết định hạn chế nhiều hoạt động lễ hội đón Giáng sinh và Năm mới, đồng thời đẩy mạnh tiêm chủng liều cơ bản và liều tăng cường cho người dân, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp loại vaccine ngừa COVID-19 thứ mười.   

Cho đến nay, gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có gần 40 quốc gia châu Âu và 22 quốc gia châu Phi. Trong tuần qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 5,13 triệu ca mắc mới COVID-19 (tăng 13%), riêng châu Âu là gần 2,8 triệu ca.

Tốc độ lan lan của biến thể Omicron khiến số ca mắc mới theo ngày ở nhiều nước châu Âu tăng đột biến. Riêng “điểm nóng” Anh ngày 24/12 đã ghi nhận hơn 122.000 ca mắc mới. Nhưng đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Giới chức Anh tin rằng khoảng 60% ca mắc mới COVID-19 ở nước này hiện nay là Omicron. Ireland đón Giáng sinh bằng mốc “ngày có số ca mắc cao nhất từ trước tới nay”, với 11.182 ca. Khoảng 83% ca mắc mới hiện nay ở Ireland liên quan đến biến thể Omicron. Đây cũng là nguyên nhân khiến Đan Mạch có số ca mắc mới COVID-19 tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, hơn 13.500 ca/ngày. Italy và Bồ Đào Nha tuần qua đều trải qua ngày có số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất trong năm 2021. Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu Hans Kluge đã cảnh báo một “cơn bão” dịch bệnh sắp ập đến trong vài tuần tới, các quốc gia khu vực cần chuẩn bị cho "sự gia tăng đáng kể và mạnh mẽ" các ca mắc mới với biến thể Omicron chiếm đa số, đẩy các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng đến "cực hạn”.

Một “điểm nóng” ngoài châu Âu là Mỹ. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này, Omicron chiếm hơn 73% các ca mắc mới trong tuần qua và chính thức trở thành biến thể chủ đạo. Tại một số khu vực ở các bang miền Đông của Mỹ, có tới 90% trong tổng số ca mắc mới nhiễm biến thể Omicron. Thành phố New York đã phải thông báo sẽ thu hẹp quy mô tổ chức và giới hạn người tham gia bữa tiệc mừng Năm mới theo truyền thống tại Quảng trường Thời đại do lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron. Biến thể này cũng khiến Canada ghi nhận các “kỷ lục buồn”, với tỉnh bang Quebec và Ontario ngày 24/12 thông báo số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao chưa từng có. Trong khi đó, Israel xác định làn sóng dịch COVID-19 thứ năm  đã bắt đầu tại quốc gia Trung Đông này khi số ca mắc mới mỗi ngày hiện đã cao gần gấp đôi so với cách đây 2 tuần, với ca tử vong đầu tiên do biến thể mới.

Trong bối cảnh Năm mới cận kề, hàng loạt quốc gia đã nhanh chóng siết chặt các biện pháp phòng dịch. Với quyết định giãn cách xã hội đến ngày 14/1/2022, Hà Lan trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp nghiêm ngặt như vậy. Kế đến, Bỉ, Hy Lạp, Đan Mạch, Đức và mới đây nhất là Italia cũng ban bố hàng loạt quyết định siết chặt các hạn chế. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch nếu tình hình xấu đi.

Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch triển khai quân nhân đến bệnh viện, vận chuyển vật tư đến các bang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, cũng như thiết lập và vận hành các địa điểm xét nghiệm miễn phí mới. Nhiều quốc gia châu Á cũng thận trọng tăng cường các biện pháp hạn chế khi mà Trung Quốc đại lục ngày 25/12 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 21 tháng qua, còn Brunei đã trở thành quốc gia thứ bảy ở Đông Nam Á xác nhận ca nhiễm biến thể mới Omicron đầu tiên. Thái Lan sẽ tạm dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly (Test and Go) ít nhất cho đến ngày 4/1/2022. Chính phủ Indonesia công bố hàng loạt biện pháp tăng cường giám sát trước kỳ nghỉ lễ Năm mới 2022 (gọi là Nataru) như điều chỉnh các quy tắc cần thiết để dự đoán và chuẩn bị các kịch bản phòng chống dịch bệnh trước và sau Nataru 7 ngày.

COVID-19, ngày 31 tháng 12 năm 2021
Ảnh minh họa: Reuters

Hiện, đã nhiều tín hiệu tích cực từ những nghiên cứu về các loại vaccine mới. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed của Mỹ đang phát triển vaccine ngừa COVID-19 Spike Ferritin Nanoparticle (SpFN) có khả năng phòng ngừa tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2. Một hãng dược nổi tiếng khác là AstraZeneca thông báo hãng đang cùng Đại học Oxford sản xuất vaccine đặc hiệu chống lại biến thể Omicron. Đây là những bước tiến để thế giới ứng phó với Omicron trong thời gian tới

Hiện, lãnh đạo các nước kêu gọi người dân đón năm Mới với tinh thần trách nhiệm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong thông điệp năm mới đã nhấn mạnh chỉ có hành động của nhà nước thôi sẽ là không đủ, mỗi cá nhân cũng cần chung sức cùng các chính phủ vượt qua đại dịch COVID19.