'Tuýt còi' ngăn chặn đầu cơ

(VOH) - UBND TPHCM vừa có công văn về tình hình tăng giá nhà ở đơn lẻ và đất nền trên địa bàn thành phố.

Theo đó, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành, quận huyện cùng các chủ đầu tư, công khai minh bạch thông tin về tiến độ các dự án bất động sản, hạ tầng kỹ thuật công trình. Các quận, huyện cũng phải tăng cường quản lý tách thửa đất đảm bảo đúng mục đích sử dụng để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo hay bong bóng bất động sản xuất hiện.

Cuối năm 2017 và giai đoạn giữa tháng 4 đến đầu tháng 5/2018 vừa qua, giá nhà đất ở khu vực ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, Nhà Bè, Quận 9... tăng chóng mặt. Thậm chí, khu vực cận vùng ven - nội thành, có nơi giá 1 mét vuông đất lên đến vài chục hay cả trăm triệu đồng.

Nhiều người rầm rộ, đổ xô đến những nơi trước đó vốn là “khỉ ho cò gáy” để săn lùng vài thửa đất bán trao tay kiếm lời. Ngoại thành vốn dĩ bình yên bỗng chốc các điểm giao dịch theo dạng nhà chòi tạm bợ xuất hiện nhan nhản dọc nhiều tuyến đường khiến mọi người liên tưởng về thời kỳ bùng nổ bong bóng bất động sản giai đoạn 2006 – 2007 tại TPHCM.

Để nghe toàn bộ nội dung bài viết "Tuýt còi" ngăn chặn đầu cơ, các bạn click vào phía dưới

 

đầu cơ, sốt đất ảo

Khu phía Đông TPHCM. Ảnh minh họa: theleader

Nói không quá lời, hồi đó có người “ngủ đêm sáng dậy” trở thành đại gia nhờ những phi vụ mua bán chớp nhoáng mà bản thân họ còn chưa một lần nhìn thấy hình hài sản phẩm bất động sản tròn méo ra sao nhưng tiền tỷ đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng.

Nói chung, bất động sản khi ấy như miếng mồi ngon nên nhà nhà, người người lao vào tìm kiếm cơ hội đổi đời hoặc tích tụ tài sản.

Tình trạng đó từng gây ra những hệ lụy khá nặng nề cho nền kinh tế. Lạm phát gia tăng, còn các ngân hàng do không kiểm soát tín dụng cho vay về sau gặp nhiều khó khăn, nợ xấu chồng chất. Thị trường bất động sản với phân khúc cao cấp thừa mứa nhưng phân khúc trung bình thì thiếu trầm trọng, từ đó tước đi cơ hội sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp, kể cả giới trí thức, cán bộ viên chức có thu nhập trung bình.

Đến khi Nhà nước điều chỉnh chính sách, can thiệp để “hạ sốt” thị trường thì số doanh nghiệp phá sản tăng đột biến. Nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản nếu không phá sản thì cũng tồn tại theo dạng thoi thóp.

Sau đó, dù chính sách siết chặt cho vay tín dụng bất động sản có tác động tích cực đến thị trường nhưng tâm lý e ngại và hậu quả suốt thời gian dài sốt ảo đã khiến lượng vốn lớn bị “đóng băng” trong bất động sản. Từ “bên tả” lại chuyển sang “bên hữu”, bất động sản dù trước đó nóng hầm hập nhưng ngay lập tức chuyển sang trạng thái... bất động.

Và sau chiến dịch giải cứu của Nhà nước với gói cho vay 30.000 tỷ đồng xuất hiện cách đây ít năm đã giúp thị trường bất động sản ấm dần trở lại và được kiểm soát khá tốt, nhất là 2 thị trường lớn Hà Nội, TPHCM. Nhiều doanh nghiệp có cơ hội khởi động lại các dự án đóng băng, hàng chục ngàn căn hộ ở nhiều phân khúc đã được bán ra cho khách hàng có nhu cầu nhà ở thật sự.

Nhìn chung, thị trường đã chuyển biến tích cực, tác động tốt đến cả các ngành nghề kinh tế khác.

Tuy nhiên khi mà bất động sản được xem là con đường làm giàu nhanh nhất thì cũng là lúc các đối tượng đầu cơ, cò đất lợi dụng tình hình, thông tin, đồn thổi sai lệch để trục lợi, khiến giá nhà đất tại TPHCM một lần nữa...“nhảy múa” như thời điểm cuối năm ngoái và giữa năm 2018 này.

Để giúp ổn định thị trường, đưa giá trị bất động sản về gần hơn với giá trị thật của nó, Thành ủy từng có cuộc họp đột xuất với lãnh đạo 24 quận huyện và các ngành liên quan yêu cầu chấn chỉnh, minh bạch thông tin dự án để ngăn chặn giới đầu cơ, đầu nậu, cò đất thổi giá, lừa đảo làm mất ổn định thị trường. Từ sự can thiệp này, gần như ngay sau đó, giao dịch nhà đất và giá cả thị trường bất động sản vùng ven dần chững lại và ổn định hơn.

Thế nhưng ngay cả khi mọi thứ có vẻ im ắng, ổn định thì nguy cơ sốt ảo, thổi giá của giới đầu cơ, cò đất luôn rình rập. Họ không bao giờ từ bỏ mục tiêu làm rối loạn thị trường, tạo bong bóng để trục lợi. Và những ngày qua, việc thị trường có các dấu hiệu bất ổn, giá cả nhà đất vùng ven một lần nữa đang bị đẩy lên là một minh chứng cho thực tế này.

Nhiều người vì thế được hưởng lợi và giàu lên nhanh chóng nhờ giá bất động sản leo thang thông qua sang nhượng, mua bán nhưng đồng thời cũng có một bộ phận không nhỏ mất đi cơ hội an cư lạc nghiệp vì giá bất động sản ngày càng vượt quá khả năng của họ.

Tháng 7/2018, thông tin về Nghị quyết 80 của Chính phủ cho phép TPHCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ tạo sự phấn khởi cho nhân dân thành phố. Nhưng kèm theo đó, không ít doanh nghiệp bất động sản, các công ty môi giới, cò đất lợi dụng để nâng giá đất, thổi giá giao dịch, tạo sự ảo tưởng về tương lai cho những ai có nhu cầu đầu tư, giao dịch bất động sản.

Thực trạng trên tạo ra thách thức không nhỏ cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý thị trường nhà đất, tạo ra nhiều bất lợi cho chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Điều này càng khiến nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi TPHCM chính là đầu tàu kinh tế cả nước, là địa phương tạo ra 1/3 GDP, chiếm 30% tổng thu ngân sách và vốn đầu tư FDI nên khi nơi đây bị “hắt hơi sổ mũi” thì chắc chắn cả nước cũng rơi vào trạng thái “cảm sốt nhức đầu”.

Trong bối cảnh này, việc UBND TPHCM ban hành Công văn khẩn số 4307 về việc ngăn chặn đầu cơ, thổi giá đất... là rất kịp thời ngay thời điểm thị trường bất động sản có những biểu hiện bất ổn. Thành phố yêu cầu các sở ngành, quận huyện minh bạch thông tin quy hoạch, dự án bất động sản hay công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ giúp người dân có điều kiện kiểm chứng, đối chiếu, so sánh để không bị giới đầu cơ, đầu nậu, cò đất đánh lừa trong giao dịch, chặn đứng tình trạng lộn xộn, kiểm soát và ổn định thị trường.

Việc lãnh đạo thành phố chỉ đạo Công an TPHCM rà soát, sàng lọc, xử lý nghiêm các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án, thổi phồng giá cả nhà đất được xem là động thái "tuýt còi" dứt khoát, tạo sự răn đe quyết liệt nhằm cảnh báo, ngăn chặn những ai đã và đang vì quyền lợi cá nhân mà có hành vi gây rối cho thị trường bất động sản để thu lợi bất chính.