3 căn bệnh làm trở ngại hoạt động của đôi bàn tay

(VOH) - Bàn tay có nguy cơ chịu nhiều tổn thương do lao động, chơi thể thao, té ngã,…Các tổn thương ở bàn tay có thể nhẹ hoặc nặng, tùy vào mức độ và vị trí tổn thương mà có cách khắc phục khác nhau.

Theo Ths.Bs Tăng Hà Nam Anh (Trưởng Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), có rất nhiều bệnh lý xảy ra ở bàn tay nhưng thường gặp nhất là 3 căn bệnh sau đây:

1. Ngón tay bật

Ngón tay bật thường xảy ra ở ngón cái và ngón thứ 3 trên bàn tay. Khi co và duỗi ngón tay, người bệnh sẽ thấy ngón tay bị cứng và bật ra khi cố cử động. Ngón tay bật là tình trạng viêm hẹp bao gân gấp, bao gân ở gốc ngón tay bị viêm.

ban-tay-va-3-can-benh-de-mac-phai-nhat-voh-1

Ngón tay bật thường gặp ở phụ nữ (Nguồn: Internet)

Ngón tay bật thường xảy ra khi mới thức dậy hoặc sau thời gian dài không cử động tay. Bệnh thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. 

Điều trị: Theo bác sĩ Nam Anh, khi có triệu chứng ngón tay bật thì người bệnh nên đi thăm khám. Nếu nhẹ, bác sĩ có thể cho dùng thuốc giảm viêm hoặc đặt nẹp để gân được nghỉ ngơi, khi hết viêm sẽ không bị ngón tay bật nữa. Nếu bệnh nặng, bác sĩ có thể chích corticoid vào chỗ gân bị viêm hoặc nặng hơn thì có thể phẫu thuật, rạch một đường nhỏ trên ngón tay để giải phóng vòng gân, gân sẽ “chạy tới chạy lui” bình thường và không gây bật nữa.

2. Thoái hóa khớp ngón tay

Thoái hóa khớp ngón tay là tình trạng dây chằng xung quanh khớp ngón tay không còn linh hoạt, mềm dẻo, các sụn khớp bị hư sau đó gây sưng khớp. Tuổi cao là yếu tố nguy cơ cao nhất của thoái hóa khớp ngón tay, do lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp bị giảm sút, sự lão hóa sụn càng rõ rệt hơn làm cho sụn kém chịu đựng với các yếu tố tác động có hại đến khớp. Thoái hóa khớp ngón tay cũng thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. 

ban-tay-va-3-can-benh-de-mac-phai-nhat-voh-2

Các khớp ngón tay có thể bị thoái hóa do quá trình lão hóa (Nguồn: Internet)

Triệu chứng thoái hóa khớp ngón tay thường là tê cứng bàn tay, nhưng cứng nhiều hơn tê; đau khớp ngón tay; sưng khớp ngón tay,…

Điều trị:

  • Để giảm đau, sưng, cứng khớp ngón tay vào các buổi sáng, người bệnh có thể ngâm tay trong nước nóng, dùng dầu để xoa bóp các ngón tay,…
  • Nếu cơn đau, nhức không được cải thiện thì người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các chế phẩm để kéo dài “tuổi thanh xuân” của khớp. Hoặc người bệnh có thể sử dụng thuốc chống thoái hóa khớp như nhóm kháng viêm, giảm đau không steroid. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến tim, dạ dày, ảnh hưởng đến thận,…Vì vậy, người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

3. Hội chứng ống cổ tay (đau ống cổ tay)

Bác sĩ Nam Anh cho biết, hội chứng ống cổ tay là tình trạng chèn ép thần kinh giữa (nằm trong ống cổ tay). Khi thần kinh giữa bị chèn ép sẽ gây tê các ngón tay, nhiều nhất là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1 nửa ngón áp út. 

ban-tay-va-3-can-benh-de-mac-phai-nhat-voh-3

Không nên xem thường hội chứng ống cổ tay (Nguồn: Internet)

Để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay có thể thăm khám lâm sàng hoặc đo điện cơ tay để xem sự dẫn truyền trên thần kinh giữa như thế nào.

Theo bác sĩ Nam Anh, điều trị hội chứng ống cổ tay mất nhiều thời gian nên người bệnh phải kiên trì. Phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, các loại thuốc chữa chèn ép thần kinh, một số trường hợp có thể mang nẹp cổ tay. Và bác sĩ cho biết, đa số các phương pháp này giúp người bệnh chữa khỏi hội chứng ống cổ tay khoảng 80%. Một số trường hợp nặng có thể được chỉ định chích corticoid vào ống cổ tay để giảm phù nề, thần kinh ít bị chèn ép hơn. Trường hợp nghiêm trọng có thể thực hiện tiểu phẫu để mở rộng ống cổ tay, giải phóng sợi thần kinh khỏi sự chèn ép.

Như vậy, có 3 bệnh lý thường gặp ở bàn tay cần được chúng ta tìm hiểu để sớm nhận biết và kịp thời chữa trị. Chúng ta không thể ngăn chặn sự thoái hóa do tuổi tác, nhưng chúng ta có thể phòng ngừa bệnh bằng cách giữ cho đôi tay luôn được khỏe mạnh, sắp xếp thời gian làm việc hợp lý để đôi bàn tay được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên xoa bóp, massage bàn tay để chúng được thư giãn và không bị cứng khớp.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Tăng Hà Nam Anh tại audio bên dưới:

Bình luận