Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em giúp cha mẹ phát hiện sớm

(VOH ) - Viêm phổi chiếm 16% nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Phát hiện sớm các triệu chứng viêm phổi ở trẻ em đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ.

Viêm phổi trẻ em là một bệnh nhiễm trùng hô hấp khá phổ biến. Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bệnh viêm phổi vẫn là mối đe dọa hàng đầu với trẻ em. Chính vì thế, việc nhận ra triệu chứng viêm phổi ở trẻ trong giai đoạn sớm để kịp thời điều trị là rất quan trọng.

1. Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi tiến triển qua 2 giai đoạn là khởi phát và toàn phát. Ở trẻ em quá trình chuyển từ khởi phát sang toàn phát thường rất nhanh. Bởi vậy cha mẹ cần chú ý để phát hiện sớm viêm phổi và đưa con tới cơ sở y tế kịp thời.

1.1 Giai đoạn khởi phát

Thường khó chẩn đoán vì các triệu chứng không điển hình. Thăm khám trong giai đoạn này chưa có biểu hiện rõ rệt về dấu hiệu thực thể.

  • Sốt: trẻ sốt nhẹ, nhiệt độ cơ thể tăng lên từ từ hoặc sốt cao ngay từ đầu. Mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu, ăn kém.
  • Viêm long đường hô hấp trên: ngạt mũi, chảy nước mũi, ho.
  • Rối loạn tiêu hóa: nôn trớ, tiêu chảy, đau bụng thường ở hố chậu phải nên dễ nhầm với viêm ruột thừa.
trieu-chung-viem-phoi-o-tre-em-giup-cha-me-phat-hien-som-voh-1
Vị trí hố chậu phải (Nguồn: Internet)

1.2 Giai đoạn toàn phát

Trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn rõ rệt, rầm rộ ở nhiều cơ quan. 

Hội chứng nhiễm trùng

  • Sốt cao dao động 38 - 39 độ C, ở trẻ sơ sinh đẻ non, suy dinh dưỡng có thể không sốt, có trường hợp còn hạ nhiệt độ. 
  • Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, môi khô lưỡi bẩn.

Triệu chứng hô hấp 

  • Ho: Là một phản xạ của đường hô hấp để tống đờm dãi ra ngoài khi bộ phận hô hấp bị viêm nhiễm, là triệu chứng chứng tỏ bộ phận hô hấp bị tổn thương. Có thể ho khan hoặc ho xuất tiết nhiều đờm dãi. 
  • Thở nhanh: Là dấu hiệu viêm phổi ở trẻ phổ biến nhất. Khi nhu mô phổi bị viêm nhiễm làm vùng tổn thương đông đặc gây khó thở, các cơ hô hấp phải tăng cường hoạt động, làm nhịp thở tăng lên. Theo tiêu chuẩn của WHO, trẻ dưới 5 tuổi thở nhanh khi: trên 60 lần/phút đối với trẻ dưới 2 tháng, trên 50 lần/phút đối với trẻ từ 1-5 tuổi.
  • Khó thở: Cánh mũi phập phồng, đầu gật gù theo nhịp thở, co rút theo nhịp thở, có cơn ngừng thở…
  • Rút lõm lồng ngực: Đây là dấu hiệu bé bị viêm phổi nặng. Cơ hô hấp tăng cường hoạt động nhiều hơn làm rút lõm lồng ngực. Để phát hiện dấu hiệu này cần nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm vào khi trẻ hít vào.
trieu-chung-viem-phoi-o-tre-em-giup-cha-me-phat-hien-som-voh-2
Hình ảnh rút lõm lồng ngực ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Trẻ có thể kêu đau ngực, nằm nghiêng về phía bên tổn thương, đầu gối co lên ngực. Ngoài ra có thể biểu hiện ở các bộ phận khác như rối loạn tiêu hóa (nôn trớ, tiêu chảy, bụng trướng, gan to…) tim đập nhanh, mạch nhanh nhỏ, trường hợp suy hô hấp nặng có thể có biểu hiện suy tim, trụy mạch.

Xem thêm: Những điều nên biết về hội chứng nhiễm trùng

2. Xét nghiệm cận lâm sàng

Các triệu chứng lâm sàng có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác thường gặp ở trẻ như cúm hoặc cảm lạnh. Bởi vậy, cần có các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định sớm.

  • X quang: có nốt mờ rải rác, chủ yếu ở vùng rốn phổi, cạnh tim. Hình ảnh X quang xuất hiện sớm sau 24 giờ đầu. Nếu được điều trị kịp thời hình ảnh X quang mất hẳn sau 4-8 ngày điều trị, tuy nhiên cũng có thể kéo dài đến 2-3 tuần.
  • Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch: xem xét lượng carbon dioxide và oxy trong máu.
  • Xét nghiệm vi khuẩn và virus: Soi hoặc nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bệnh để xác định nguyên nhân chính, điều trị có hiệu quả, bệnh phẩm có thể là dịch mũi hoặc máu… Việc xác định nguyên nhân virus khó khăn hơn bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang hoặc huyết thanh chẩn đoán. Hiện nay chỉ mới làm được ở một số viện hoặc bệnh viện lớn.

3. Biến chứng của viêm phổi ở trẻ em

Nếu trẻ bị viêm phổi mà được phát hiện và điều trị kịp thời thì không có gì đáng lo ngại. Ngược lại, nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng sau đây:

3.1 Viêm màng não

Sức đề suy yếu do viêm phổi là điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào cơ thể, trong đó có màng não. Viêm màng não có thể để lại những di chứng không thể phục hồi như rối loạn thần kinh, tổn thương não vĩnh viễn, bị mù, điếc, giảm khả năng vận động...nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Có nên tiêm ngừa vacxin viêm màng não cho trẻ?

3.2 Nhiễm trùng máu

Đây là tình trạng do vi khuẩn xâm nhập vào hệ tuần hoàn gây nhiễm trùng máu và biến chứng sốc nhiễm trùng. Nếu bé không được điều trị sớm có thể dẫn đến tử vong.

3.3 Tràn mủ màng phổi

Tràn mủ màng phổi là tình trạng bạch cầu trong máu tăng cao và bắt đầu xuất hiện tình trạng kháng thuốc. Đây là một trong nhiều biến chứng nguy hiểm khiến trẻ suy hô hấp cấp.

trieu-chung-viem-phoi-o-tre-em-giup-cha-me-phat-hien-som-voh-3
Tràn mủ màng phổi (Nguồn: Internet)

3.4 Tràn dịch màng tim, trụy tim

Những trẻ mắc bệnh viêm phổi cũng có thể bị tràn dịch màng tim, trụy tim do kháng thuốc, sốc thuốc.

3.5 Kháng kháng sinh

Nếu bé mắc phải biến chứng này sẽ rất khó điều trị. Khi đó phải phối hợp nhiều loại kháng sinh, chi phí tốn kém và khả năng khỏi bệnh sẽ thấp hơn.

3.6 Còi xương, kém phát triển

Bệnh viêm phổi còn ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Biểu hiện cụ thể là khiến trẻ biếng ăn, ăn không ngon, từ đó dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch bị suy giảm

Viêm phổi là một bệnh lý rất nguy hiểm đối với trẻ em. Ba mẹ cần phát hiện sớm những dấu hiệu ban đầu ở giai đoạn khởi phát như hắt hơi, ho, sốt nhẹ, đưa trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt để trẻ được trị đúng, đủ và kịp thời.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/channel/UCS9abANl51w7lCV0nHmAWOw

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận