Chờ...

6 nguyên nhân thường gặp gây sảy thai liên tiếp và cách điều trị

(VOH) – Có thể nói sảy thai liên tiếp là cú sốc tinh thần rất lớn đối với những người đang mong chờ làm mẹ. Vậy nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp là gì và liệu có thể ngăn ngừa được hay không?

Nguyên nhân sảy thai liên tiếp là gì?

Sảy thai là tình trạng thai bị đẩy ra khỏi tử cung của người mẹ khi bào thai chưa được 20 tuần tuổi thai, hoặc khi thai nhi nặng dưới 500gram. Sảy thai liên tiếp là tình trạng mẹ bầu bị sảy thai từ 2 lần trở lên. 

Theo BS CKII Bùi Thanh Vân (Trưởng khoa khám dịch vụ BV Từ Dũ), khoảng 50% trường hợp thai phụ bị sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân. 50% còn lại người ta thường quy kết là do:

  • Bất thường về nhiễm sắc thể: Bất thường nhiễm sắc thể có thể ở người vợ, người chồng hoặc cả 2 vợ chồng.
  • Bất thường ở tử cung: Tử cung dị dạng, có khối u ở tử cung, polyp tử cung, hở eo tử cung... đều có thể khiến phôi thai không thể làm tổ và phát triển, dẫn đến tình trạng sảy thai liên tiếp nhiều lần.
  • Bất thường về nội tiết: Thai phụ bị thiếu nội tiết dẫn đến nang hoàng thể có thể khiến thai suy, thai lưu. Những người bị bệnh lý về nội tiết nhưng không phải từ buồng trứng, ví dụ suy giáp, buồng trứng đa nang... cũng rất khó có thai hoặc khi có thai sẽ dễ bị sảy thai.

6-nguyen-nhan-thuong-gap-gay-say-thai-lien-tiep-va-cach-dieu-tri-voh

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây sảy thai liên tiếp (Nguồn: Internet)

  • Có bệnh lý nội khoa: Thai phụ có các bệnh lý nội khoa như bệnh tiểu đường, tim mạch... cũng là nguyên nhân gây sảy thai liên tục.
  • Yếu tố môi trường sống: Khi môi trường sống bị ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại.... tâm lý căng thẳng quá mức, những thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc, thức đêm nhiều…. cũng dễ dẫn đến tình trạng sảy thai.
  • Yếu tố miễn dịch: Những mẹ bầu bị hội chứng Antiphospholipid (một bệnh tự miễn) sẽ có thể gây ra hiện tượng tắt mạch, làm giảm tiểu cầu hoặc tăng kháng thể phospholipid.... và chúng có thể khiến bào thai ngừng phát triển.

Bác sĩ Bùi Thanh Vân cho biết, nhiều phụ nữ bị sảy thai liên tiếp thường rơi vào tâm lý hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên, trên thực tế ngoại trừ trường hợp sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân thì tất cả những nguyên nhân kể trên đều có thể điều trị được. Do đó, các mẹ bầu nên chú ý đến vấn đề kiểm tra sức khỏe để kịp phát hiện và điều trị khi có bất thường.

Điều nên làm khi bị sảy thai liên tiếp

Khi thấy có bất thường thai phụ nên đến gặp bác sĩ để được khám tổng quát, cũng như thực hiện các xét nghiệm liên quan để có thể tầm soát tất cả các nguyên nhân có thể xảy ra.

  1. Sảy thai liên tiếp cần làm xét nghiệm gì?

Phần lớn các trường hợp sảy thai liên tiếp đều cần làm rất nhiều xét nghiệm để tìm nguyên nhân, hoặc loại trừ nguyên nhân có thể gây sảy thai. Các xét nghiệm thường được chia thành các nhóm sau:

  • Nhóm xét nghiệm di truyền.
  • Nhóm xét nghiệm liên quan đến miễn dịch.
  • Nhóm xét nghiệm siêu vi để đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
  • Nhóm xét nghiệm nội tiết.
  • Nhóm chẩn đoán hình ảnh.
  1. Điều trị sảy thai liên tiếp bằng cách nào?

6-nguyen-nhan-thuong-gap-gay-say-thai-lien-tiep-va-cach-dieu-tri-1-voh

Điều trị sảy thai liên tiếp cần dựa trên nguyên nhân (Nguồn: Internet)

Việc điều trị cũng như hỗ trợ thai phụ cho lần mang thai tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây sảy thai tiếp tiếp:

  • Nếu sảy thai liên tiếp do thiếu hụt nội tiết bác sĩ sẽ bổ sung nội tiết trong thai kỳ.
  • Nếu sảy thai liên tiếp do hội chứng Antiphospholipid thì sẽ được điều trị điều trị bằng thuốc kháng đông hoặc là Aspirin liều thấp và điều trị liên tục kéo dài.
  • Nếu sảy thai liên tiếp do bị dị dạng tử cung thì thai phụ sẽ có các chế độ theo dõi đặc biệt.
  • Nếu sảy thai liên tiếp do bị hở eo cổ tử cung bác sĩ sẽ tầm soát nguy cơ sinh non và sau đó sẽ đưa ra lời khuyên để thai phụ tiến hành khâu eo cổ tử cung.

Nên làm gì để phòng tránh sảy thai liên tiếp?

Theo bác sĩ Bùi Thanh Vân, những người phụ nữ đã từng có tiền căn sảy thai liên tiếp thì có đến 60% là hoàn toàn có thể mang thai lại bình thường. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì bạn lưu ý:

  • Khi bắt đầu có hiện tượng trễ kinh nên đi khám bác sĩ.
  • Nên khám sức khỏe trước khi mang thai để biết rõ tình trạng cơ thể và chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho thai kỳ.
  • Bổ sung khoáng chất cần thiết như sắt, canxi, magie, B6... một cách đầy đủ thông qua các bữa ăn hàng ngày.
  • Giữ tâm lý thoải mái, tránh lo lắng, căng thẳng...
  • Trong thời gian mang thai nếu có những dấu hiệu bất thường hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có những lời khuyên hữu ích.

Như vậy, với những thai phụ gặp phải tình trạng sảy thai liên tiếp thì không phải là hết hy vọng hoàn toàn vì vẫn có những giải pháp điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là bạn cần tìm đến các bác sĩ sản phụ khoa đúng thời điểm cũng như tuân thủ đúng chỉ định trong quá trình điều trị để đảm bảo thai kỳ sau diễn ra an toàn, khỏe mạnh.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Sảy thai: Nguyên nhân và các triệu chứng nhận biết : Sảy thai được xem là nỗi lo lớn nhất của các bà mẹ trong những tháng đầu tiên. Vì thế việc hiểu rõ nguyên nhân cũng như triệu chứng sảy thai sẽ giúp mẹ bầu phòng ngừa hiệu quả.
Phụ nữ bị sảy thai ăn gì tốt cho sức khỏe? : Sảy thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người mẹ. Thế nên, biết được phụ nữ sảy thai ăn gì tốt sẽ giúp chị em mau phục hồi sức khỏe để chuẩn bị cho lần mang ...