Suýt tử vong vì sốc nhiễm khuẩn sau khi ăn bánh cuốn

VOH - Một người đàn ông ở Hải Dương suýt tử vong vì sốc nhiễm khuẩn sau khi ăn bánh cuốn.

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân nam 56 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng như khó thở nhẹ, mạch nhanh, huyết áp tụt, đau quặn bụng quanh rốn và sốt cao. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, biến chứng sốc (hay còn gọi là sốc nhiễm khuẩn cửa vào đường tiêu hóa), dẫn đến tổn thương thận cấp.

soc nhiem_voh
Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe người bệnh ngộ độc thức ăn. - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được lập tức điều trị hồi sức chống sốc, sử dụng kháng sinh, cân bằng điện giải kiềm toan và dinh dưỡng tích cực. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã may mắn được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

TS.BS Nguyễn Trọng Thế, Chủ nhiệm khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: "Nhiễm độc thức ăn là một bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, trong trường hợp sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%."

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thức ăn thường do người bệnh sử dụng thực phẩm ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc do chế biến thức ăn chưa chín kỹ. Khi bị nhiễm khuẩn, các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 6-24 giờ, bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, sốt, mệt mỏi, vã mồ hôi,...

Để phòng ngừa nhiễm độc thức ăn, người dân cần lưu ý:

Ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không sử dụng thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để thức ăn bị ôi thiu, nhiễm khuẩn.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm độc thức ăn, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Bình luận