Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã khảo sát thói quen ăn hạt của 50.300 người trưởng thành tại Vương quốc Anh, phần lớn ở độ tuổi ngoài 50, trước khi theo dõi họ trong khoảng thời gian trung bình là 7 năm để xem liệu họ có phát triển chứng suy giảm trí nhớ hay không.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố vào tháng 9 trên tạp chí Geroscience.
Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 1.400 trường hợp mắc chứng suy giảm trí nhớ đã được ghi nhận.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố như tuổi tác, giới tính, chỉ số cơ thể, giáo dục và lối sống, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, việc ăn hạt mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ lên tới 12%.
Trong trường hợp những người tham gia chỉ ăn hạt không muối và chỉ ăn 40 gram mỗi ngày, nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ của họ giảm đến 16%.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chế độ ăn uống kém và nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ tăng cao. Theo tạp chí y học The Lancet, bệnh béo phì, tiểu đường và cholesterol cao ở tuổi trung niên là một trong 14 yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Các chuyên gia đề xuất rằng, các chế độ ăn Địa Trung Hải, DASH và MIND, với hàm lượng trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh cao, có thể là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe não bộ. Các loại hạt là thành phần quan trọng trong cả ba chế độ ăn uống này.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Tây Ban Nha được đăng trên tạp chí Nutrients năm 2023, các loại hạt là thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều thành phần có khả năng bảo vệ hệ thần kinh, bao gồm axit béo không bão hòa, chất xơ, vitamin B, khoáng chất không chứa natri và polyphenol có hoạt tính sinh học cao.
Các nhà nghiên cứu tại Hiệp hội quốc gia về già hóa Mỹ (NIA) cũng đã phát hiện rằng, ăn quả óc chó có thể giúp cải thiện trí nhớ ở bệnh nhân Alzheimer, nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi tại Mỹ.
Theo một nghiên cứu gần đây, gần 7 triệu người Mỹ đã được chẩn đoán mắc chứng suy giảm trí nhớ, với hàng triệu người khác có thể có triệu chứng nhưng chưa được chẩn đoán chính thức.
Số người sống chung với chứng suy giảm trí nhớ trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 57 triệu người vào năm 2019 lên 153 triệu người vào năm 2050 do dân số ngày càng già hóa.