Nhiều người biết uống các loại “đồ uống hot trend” gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên đã chuyển sang uống nước trái cây đóng hộp hoặc nước ép trái cây tươi.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, “trái cây ép lấy nước” có rất nhiều tác hại đối với việc kiểm soát lượng đường trong máu và cân nặng.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, uống nước ép trái cây quá ngọt chứa nhiều đường, nếu dư thừa có thể làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ và béo phì.
Ăn trái cây tươi là tốt nhất
Ai cũng biết ăn càng nhiều rau củ quả tự nhiên càng tốt cho sức khỏe, còn muốn uống thứ gì đó ngọt ngọt thơm thơm thì liền chọn mua nước trái cây đóng hộp hoặc nước ép trái cây tươi mới ép.
Nhưng mọi người đã bao giờ nghĩ ép 2 hoặc 3 loại trái cây quá ngọt cùng một lúc, nước ép trái cây này ngay lập tức biến thành thức uống có chỉ số GI rất cao (chỉ số đường huyết), rất có hại trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và cân nặng.
Song Minghua - chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, uống nước ép trái cây tươi trong thời gian dài sẽ gây gánh nặng cho cơ thể không thua gì đồ uống có nhiều đường.
Chuyên gia giải thích, vị ngọt trong nước ép trái cây tươi là đường fructose tự nhiên, được hấp thụ nhanh chóng trong cơ thể và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu cao sẽ kích thích tuyến tụy tiết ra insulin, đưa đường trong máu đến tế bào để sử dụng hoặc tạo mỡ để dự trữ, từ đó dễ dẫn đến tăng cân hoặc béo phì.
So với siro (hay si-rô, xirô, xi rô) có hàm lượng fructose cao (fructose nhân tạo), mặc dù fructose trong trái cây là tự nhiên nhưng nếu hấp thụ nhiều và lâu dài vẫn sẽ gây ra rất nhiều gánh nặng cho cơ thể. Vì vậy, ăn trái cây tươi sẽ tốt cho sức khỏe hơn thay vì uống nước ép trái cây.
Tuy nhiên, nếu tỷ lệ rau trong nước ép rau củ quả cao hơn nhiều so với trái cây thì lượng đường sẽ tương đối thấp, “độ sát thương” sức khỏe của nước ép rau củ quả này sẻ giảm đi rất nhiều.
Gan nhiễm mỡ có liên quan đến fructose
Ngoài ra, tiến sĩ Yang Peiming, giáo sư danh dự của Đại học Y khoa Đài Loan cũng chỉ ra rằng, gan nhiễm mỡ và fructose cũng có liên quan với nhau! Khi đường fructose đi vào cơ thể con người, nó phải được gan chuyển hóa để tạo ra nhiệt, sau đó chuyển hóa thành chất béo trung tính trong gan. Nếu hấp thụ quá nhiều đường, chất béo sẽ tích tụ trong tế bào gan, làm tăng gánh nặng cho gan và biến thành gan nhiễm mỡ.
Tiến sĩ Yang Peiming nhắc nhở, vì vậy đối với đường fructose, đặc biệt là các loại trái cây “siêu ngọt” chẳng hạn như sầu riêng, mít, xoài, vải, nhãn……nên chú ý đến liều lượng ăn vào.
Ngoài ra, tránh ăn các loại trái cây có tính axit (trái cây chua) trước và sau bữa ăn một giờ, chẳng hạn như bưởi, cam quýt và các loại trái cây có vị chua khác.
Vì chúng rất giàu axit trái cây và axit hữu cơ, là những loại trái cây có tính axit, dễ kích thích tiết axit dạ dày, gây trào ngược dạ dày thực quản và làm nặng thêm tình trạng khó chịu do loét dạ dày.
Chuyên gia Song Minghua đưa ra lời khuyên, đối với trái cây “siêu ngọt”, mỗi lần chỉ được ăn nửa trái, còn đối với trái cây “hơi ngọt” thì mỗi lần ăn chỉ được ăn tối đa một trái.
Muốn giảm cân, hãy chọn “trái cây có chỉ số GI thấp”
Liu Yili - một chuyên gia dinh dưỡng khác người Đài Loan cho biết thêm, trái cây có độ ngọt cao là “kẻ thù” của việc giảm cân, khi mọi người giảm cân có thể ăn trái cây có chỉ số GI (chỉ số đường huyết) thấp, để giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Các loại trái cây có GI thấp bao gồm táo, ổi, bưởi, cà chua bi, kiwi... các loại trái cây này nên ăn tươi, cố gắng không ép thành nước để uống vì sẽ làm mất đi nhiều chất xơ rất tốt cho sức khỏe có trong trái cây.