Theo Daily mail, gần 3.000 trường hợp mắc bệnh ho gà đã được ghi nhận tại Anh vào năm 2024 - gấp ba lần cả năm 2023. Các chuyên gia lo ngại, căn bệnh này có thể gây ra đợt bùng phát lớn nhất trong 40 năm.
Vi khuẩn gây bệnh ho gà có thể âm thầm ẩn náu bên trong cơ thể trong 21 ngày, có nghĩa là những người Anh bị nhiễm bệnh có thể vô tình truyền loại vi khuẩn này cho nhiều người.
Các quan chức y tế cảnh báo, ban đầu rất khó phân biệt ho gà với cảm lạnh vì dấu hiệu đầu tiên là sổ mũi và đau họng. Nhưng khoảng một tuần sau, người bệnh có thể xuất hiện những cơn ho kéo dài, khó thở sau khi ho và phát ra âm thanh 'rít' giữa các cơn ho.
Các dấu hiệu khác của bệnh ho gà bao gồm tiết ra chất nhầy đặc có thể gây nôn mửa và đỏ mặt.
Tiến sĩ Saleyha Ahsan, một bác sĩ A&E có trụ sở tại London nói với BBC Radio 4: “Ho gà rất dễ lây lan và vấn đề là mọi người không nhận ra mình mắc bệnh, vì vậy họ đi loanh quanh trong 21 ngày và lây lan nó”.
Trẻ sơ sinh không được bảo vệ bằng vaccine, đặc biệt là trong 2 tháng đầu đời nếu mẹ chúng không tiêm vaccine trong thời kỳ mang thai.
Do đó, các chuyên gia kêu gọi phụ nữ mang thai tiêm vaccine ngừa ho gà trong bối cảnh số ca ho gà gia tăng khiến 5 trẻ sơ sinh tử vong.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, khả năng miễn dịch của mũi tiêm sẽ giảm sau 10 năm và kêu gọi NHS xem xét cung cấp thuốc tăng cường cho người lớn, như ở Mỹ.
Theo MailOnline, 5 trẻ thiệt mạng do bệnh ho gà vào năm 2024 đều dưới 3 tháng tuổi - 2 trong số này có mẹ chưa được tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm vaccine 6 trong 1 dành cho trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu đời cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Theo số liệu của NHS, chỉ 91,8% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ trước ngày sinh nhật đầu tiên của chúng vào năm 2022 - 2023.
Bệnh ho gà nguy hiểm như thế nào?
Bệnh ho gà là do vi khuẩn ho gà gây ra và lây lan qua ho và hắt hơi. Các bác sĩ dùng thuốc kháng sinh để điều trị nếu bệnh ho gà - nếu bệnh nhân được phát hiện trong vòng 3 tuần.
Tuy nhiên, nếu một người bị nhiễm bệnh lâu hơn, thuốc kháng sinh sẽ không tăng tốc độ hồi phục của họ.
Bệnh ho gà ít nghiêm trọng hơn ở trẻ lớn và người lớn nhưng vẫn có thể gây đau xương sườn, thoát vị, nhiễm trùng tai và tiểu không tự chủ ở những nhóm này.
Các cơ quan y tế đang cố gắng để tăng tỷ lệ tiêm chủng ngừa ho gà. Tuy nhiên, chỉ có khoảng một phần tư số bà mẹ tương lai ở Anh được tiêm vaccine ho gà - tiêm từ tuần 16 - 32 của thai kỳ.
Mũi tiêm này bảo vệ trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu đời, khi trẻ dễ bị tổn thương nhất và trước khi trẻ có thể được tiêm vaccine.
Trẻ sơ sinh sẽ được tiêm 3 liều vaccine 6 trong 1 vào lúc 8, 12 và 16 tuần tuổi để bảo vệ khỏi bệnh ho gà và các bệnh nghiêm trọng khác như bệnh bạch hầu và bệnh bại liệt.
Ho gà là một bệnh có tính chu kỳ thường lên đến đỉnh điểm sau mỗi 5 năm. Lần cuối cùng xảy ra ở Anh vào năm 2016, khi gần 6.000 trường hợp được xác nhận.
Trước đại dịch, mỗi năm có khoảng 2.500 đến 4.500 trường hợp nghi ngờ được ghi nhận. Con số này đã giảm xuống còn khoảng 500 trong giai đoạn dịch Covid-19. Việc phong tỏa đã ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh khi mọi người gặp nhau ít hơn.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch Covid-19 cũng đồng nghĩa với việc khả năng miễn dịch cộng đồng của bệnh này bị suy giảm.