Chờ...

Bệnh bạch biến có chữa dứt điểm được không?

(VOH) - Bệnh bạch biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở người trẻ. Những thương tổn trên da ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh. Vậy bệnh bạch biến có chữa được không?

1. Bệnh bạch biến là gì?

Bạch biến là một loại bệnh do một số tế bào sắc tố trong da bị hư khiến làn da mất đi sắc tố melanin. Do đó, da biến thành màu trắng hoặc nổi đốm trắng và có khi ảnh hưởng đến các bộ phận khác như lông, tóc, bên trong miệng.

benh-bach-bien-co-chua-dut-diem-duoc-khong-voh

Bệnh bạch biến có liên quan đến yếu tố gia đình (Nguồn: Internet)

Theo các bác sĩ, bệnh bạch biến có ở mọi lứa tuổi nhưng thường là người trẻ. Thương tổn da là những đốm da mất sắc tố, màu rất trắng, kích thước của các đốm cũng thay đổi từ 1cm đến nhiều cm.

Bệnh bạch biến tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti, thậm chí trầm cảm.

2. Vì sao mắc bệnh bạch biến?

Nguyên nhân gây bệnh bạch biến đến nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nó là hậu quả của sự biến mất một loại tế bào ở da được gọi là manocytes có chức năng sản sinh ra melanin, sắc tố quyết định màu da.

Bệnh bạch biến có thể ảnh hưởng đến tất cả các nhóm chủng tộc và sắc tộc. Bệnh thường gặp ở những người có màu da sậm hơn. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch biến có thể gồm:

  • Yếu tố di truyền: Bệnh bạch biến có thể di truyền trong gia đình.
  • Mắc các bệnh tự miễn như thiếu cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), thiếu máu ác tính, Lupus, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường loại 1, rụng tóc từng mảng (hói đầu).

3. Bệnh bạch biến có lây không?

Bệnh bạch biến không phải là bệnh ung thư và cũng không gây truyền nhiễm. Tuy nhiên, bệnh bạch biến có thể di truyền cho những người trong cùng một gia đình.

4. Biểu hiện của bệnh bạch biến

Biểu hiện chính của bệnh bạch biến là những dát, mảng trắng có giới hạn rõ ràng, mất sắc tố da so với những vùng da xung quanh do các tế bào sắc tố da ở đó đã không còn hoặc đã ngưng hoạt động.

Vị trí thường xuất hiện các mảng bạch biến là những vùng da hở, phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời như tay, chân, mặt, môi.

benh-bach-bien-co-chua-dut-diem-duoc-khong-voh

Những tổn thương trên da do bệnh bạch biến thường không gây ngứa, đau hay tê (Nguồn: Internet)

Da trên mảng bạch biến vẫn bình thường, không bị teo, không đóng vảy, cảm giác trên da cũng không biến đổi, không gây đau ngứa hay tê. Lông trên mảng bạch biến cũng bị trắng.

Rất khó để dự đoán được sự tiến triển của bệnh bạch biến. Trong hầu hết các trường hợp, các mảng da mất sắc tố sẽ lan rộng ra.

5. Bệnh bạch biến có chữa được không?

Cho đến nay, y học vẫn chưa có thuốc nào trị khỏi bệnh bạch biến hoàn toàn. Các phương pháp điều trị thường dựa trên việc dùng thuốc làm tăng cảm ứng với ánh nắng kết hợp với chiếu tia cực tím hay tắm nắng.

Ngoài ra, có thể phẫu thuật cấy tế bào hắc tố, dùng thuốc bôi có chất steroid để làm giảm miễn dịch tại chỗ,…Thông thường, phẫu thuật chỉ được sử dụng cho những người bị bệnh bạch biến hơn 3 năm, khi bệnh của họ đã ổn định và không thay đổi.

Bên cạnh đó, người bệnh cần cố gắng sống thoải mái, không nên mặc cảm, tự ti để tránh bị căng thẳng. Nếu các mảng bạch biến nhỏ, người bệnh có thể sử dụng mỹ phẩm nhuộm và mỹ phẩm trang điểm thoa lên vùng da bị tổn thương để tự tin hơn khi đi ra ngoài. Những người có làn da trắng có thể tránh tình trạng da rám nắng bằng cách dùng kem chống nắng có độ SPF 15 hoặc cao hơn và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Nhìn chung, chữa bạch biến còn gặp nhiều khó khăn nên khi đã quyết định điều trị, người bệnh cần kiên trì, kiểm soát bệnh bằng các giải pháp nội khoa, ngoại khoa và thay đổi lối sống.