Bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát huyết áp sẽ gây nhiều biến chứng

(VOH) – Tăng huyết áp là một yếu tố làm tăng độ nặng của đái tháo đường và ngược lại, đái tháo đường cũng làm cho tăng huyết áp trở nên khó điều trị hơn.

Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai bệnh ngày càng phổ biến ở các nước phát triển nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Khoảng 20 - 60% người bệnh đái tháo đường có tăng huyết áp.

Bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát huyết áp sẽ gây nhiều biến chứng
Bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát huyết áp sẽ gây nhiều biến chứng

Việc không kiểm soát huyết áp hiệu quả có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh đái tháo đường. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Sơn Ngọc, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố cho biết, tại Việt Nam, tỉ lệ tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường trong khoảng từ 50-70%.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp và đáo tháo đường thường song hành cùng nhau vì chúng có cùng các yếu tố nguy cơ như thừa cân - béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối đường hoặc lười vận động.

Tăng huyết áp là một yếu tố làm tăng độ nặng của đái tháo đường và ngược lại, đái tháo đường cũng làm cho tăng huyết áp trở nên khó điều trị hơn. Tăng huyết áp và đái tháo đường đều là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch.

Tăng huyết áp và đái tháo đường làm gia tăng bệnh lý về mạch máu. Tỉ lệ bệnh mạch vành và đột qụy tăng gấp 2 - 3 lần so với người không bị đái tháo đường.

Do đó, việc kiểm soát huyết áp ổn định sẽ giúp giảm các nguy cơ nói trên và là một mục tiêu quan trọng trong điều trị cho người bệnh đái tháo đường có tăng huyết áp song song với điều chỉnh đường huyết tích cực và làm giảm cholesterol máu.

Tăng huyết áp và đái tháo đường làm gia tăng bệnh lý về mạch máu, có thể gây nhiều biến chứng trên các cơ quan khác nhau như trên mắt, bệnh lý võng mạc do đái tháo đường hoặc tăng huyết áp dẫn đến mất thị lực hoặc mù; trên thận, những tổn thương thận lâu dần sẽ dẫn đến suy thận và bệnh thận mạn giai đoạn cuối; trên hệ thần kinh, có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại biên; trên mạch máu não sẽ làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não; trên hệ tim mạch, người bệnh có thể bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim. Đối với hệ động mạch ngoại biên sẽ làm giảm tưới máu chi, gây loét, hoại tử hoặc thậm chí cần phải cắt bỏ chi.

Do vậy, Bác sĩ Nguyễn Đình Sơn Ngọc lưu ý, đối với người bệnh đái tháo đường đồng mắc tăng huyết áp, việc điều trị tốt nhất là cần phải kiểm soát tốt huyết áp, giữ huyết áp dưới 130/80mmHg. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc để ổn định huyết áp. Tùy vào tình trạng bệnh lý của từng người bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn kiểm soát huyết áp ở mức phù hợp.

Bình luận