Trước khi đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh nhân T.A (Long Biên, Hà Nội) không có dấu hiệu gì đặc biệt ngoài mệt, đau đầu.
Anh T.A cho biết, sau khi phát hiện mình mắc bệnh, hàng tuần, anh phải chạy thận 3 lần, chi phí mỗi lần không ít và phải sống chung với bệnh suốt đời.
Tương tự, chị T.H (Gia Lâm, Hà Nội) bị phát hiện mắc bệnh suy thận mạn sau lần đi khám sức khỏe để xin việc, trước đó, các triệu chứng bệnh không rõ ràng.
Chị được tư vấn quản lý theo chuyên khoa thận tại một cơ sở y tế, khoảng 2 năm, sức khỏe tương đối ổn định. Sau đó, chị H. nghe theo người quen uống thuốc nam, chỉ 2 tuần sau bệnh tiến triển nặng lên, bắt buộc phải điều trị thay thế thận bằng hình thức lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Hiện có khoảng 150 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại Khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Năm năm qua, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên 10%. Bệnh thận mạn có xu hướng trẻ hóa, nam nhiều hơn nữ.
Bệnh thận mạn là tình trạng mất chức năng thận chậm và tiến triển trong vài năm. Người mắc bệnh thận mạn các giai đoạn cuối cùng có thể bị suy thận. Bất cứ khi nào bệnh thận tiến triển, mức chất thải nguy hiểm có thể nhanh chóng tích tụ bên trong cơ thể.
Ngoài những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn... Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích, trong khi ít vận động thể lực cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.
Khi đang trong độ tuổi lao động, nếu bị mắc bệnh thì làm giảm sức khỏe của chính bản thân người bệnh và giảm sức lao động của gia đình, xã hội. Sau đó là gánh nặng kinh tế cho gia đình, gánh nặng cho y tế.
Hầu hết những người bệnh thận mạn không biết mình mắc bệnh vì các triệu chứng thường không phát triển, không biểu hiện rõ ràng trong các giai đoạn đầu nên dễ bị bỏ qua, nhất là với người trẻ.
Triệu chứng của bệnh thận mạn như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn; Sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay, hoặc toàn thân; Đi tiểu thường xuyên; Thường xuyên đau đầu do huyết áp cao; Nhìn thấy máu trong nước tiểu; Thiếu máu và xanh xao do giảm sản xuất hồng cầu.
Thông thường, nếu một người nhận thấy bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào, có thể cho thấy tình trạng bệnh đã ở giai đoạn nặng, phải chỉ định lọc máu chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) sẽ gây ra các biến chứng, thậm chí tử vong.