Bệnh tiểu đường tuổi mãn kinh: Nguyên nhân và cách điều trị

(VOH) – Phụ nữ tuổi mãn kinh là 1 trong những đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường. Đây là căn bệnh khó chữa và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó cần phải được nhận biết và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho biết, bệnh tiểu đường có mối liên quan đến phụ nữ tuổi mãn kinh. Các nghiên cứu cho thấy, bệnh tiểu đường đặc biệt là tiểu đường tuýp 2 thường xuất hiện nhiều ở những người “tuổi về hưu”, nhất là phụ nữ trong 3 năm đầu tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh.

Vì sao phụ nữ tuổi mãn kinh dễ bị tiểu đường? 

Mãn kinh là thuật ngữ mô tả sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt, thường diễn ra vào khoảng tuổi 50. Tùy vào cơ địa mỗi người mà phụ nữ tuổi mãn kinh có thể gặp phải các hiện tượng bốc hỏa, khó chịu, trầm uất, thay đổi tâm trạng và khô âm đạo.

Ngoài ra, phụ nữ tuổi mãn kinh sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp nhiều lần những đối tượng khác, nguyên nhân là do bệnh tiểu đường là một dạng rối loạn biến dưỡng chất đường do nội tiết tố không đảm bảo chức năng điều chỉnh lượng đường huyết trong cơ thể.

benh-tieu-duong-tuoi-man-kinh-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Phụ nữ tuổi mãn kinh dễ mắc bệnh tiểu đường hơn những đối tượng khác (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng, trong thời kỳ mãn kinh nội tiết tố nữ estrogen thường suy giảm, khi estrogen giảm thì hormone testosterone trong cơ thể sẽ tăng lên, điều này dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố. Nội tiết tố cơ thể không ổn định sẽ làm ức chế nội tiết tố insulin của tụy tạng, đó chính là lý do khiến phụ nữ giai đoạn mãn kinh là đối tượng rất dễ bị bệnh tiểu đường.

Làm sao nhận biết bệnh tiểu đường giai đoạn mãn kinh sớm nhất?

Do nội tiết tố bị suy giảm trong giai đoạn mãn kinh nên phụ nữ thường dễ bị tiểu đường. Tuy nhiên, xác suất mắc bệnh tiểu đường tuổi mãn kinh sẽ giảm đi rất nhiều nếu phụ nữ được điều trị hội chứng mãn kinh ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, việc tầm soát bệnh tiểu đường cho những đối tượng bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là điều rất cần thiết, đây cũng là cách giúp người bệnh có thể nhận biết bệnh tiểu đường một cách sớm nhất. Do đó, bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho rằng:

  • Với những người đã mãn kinh thì 5 năm đầu trong giai đoạn này nên tầm soát bệnh tiểu đường định kỳ thường xuyên khoảng 3 tháng/lần.
  • Sau 5 năm nếu không có bệnh thì có thể tầm soát thưa hơn, khoảng 6 tháng/lần.

Phụ nữ không nên bỏ qua việc tầm soát tiểu đường trong giai đoạn mãn kinh, vì người ta phát hiện ra tiểu đường tuổi mãn kinh khác với bệnh tiểu đường trong thai kỳ. Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sau khi sinh thì lượng đường huyết sẽ ổn định trở lại, insulin hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, với phụ nữ tuổi mãn kinh nếu đã phát hiện được bệnh tiểu đường nhưng không điều trị thì các triệu chứng, tiên lượng, cũng như những di chứng để lại sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Điều trị bệnh tiểu đường mãn kinh có khó không?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng nhận định, điều trị bệnh tiểu đường ở phụ nữ giai đoạn mãn kinh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những đối tượng khác bởi vì phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh sẽ khó xác định chính xác lượng đường huyết trong cơ thể do bị rối loạn nội tiết tố. 

Những xét nghiệm thông thường cũng sẽ không cho ra được kết quả chính xác. Do đó, trong trường hợp này sẽ cần phải dùng đến những xét nghiệm đặc hiệu như xét nghiệm lượng đường gắn vào huyết cầu tố HBA1C, xét nghiệm lượng đường 2 giờ sau khi ăn, hoặc dùng glucose tolerance để test mới có thể phát hiện được bệnh tiểu đường. 

benh-tieu-duong-tuoi-man-kinh-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1-voh

Muốn xác định bệnh tiểu đường tuổi mãn kinh cần phải làm các xét nghiệm đặc hiệu (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, khi phụ nữ giai đoạn mãn kinh bị bệnh tiểu đường dù bệnh nhân tuân thủ quy định uống thuốc đúng nhưng hiệu quả của thuốc trong tình trạng rối loạn nội tiết tố đã được chứng minh là có thể mất đến 70% tác dụng. Vì thế, các loại thuốc trị tiểu đường cho phụ nữ tuổi mãn kinh thường sẽ phải tăng liều lượng và khi liều lượng thuốc cao hơn thì phản ứng phụ sẽ càng nhiều hơn.

Ngoài ra, khi so sánh với tỷ lệ biến chứng của bệnh tiểu đường ở nhóm phụ nữ mãn kinh người ta ghi nhận đây chính là nhóm có tỷ lệ biến chứng cao nhất dù bệnh nhân đã tuân thủ chế độ dinh dưỡng, chú trọng việc vận động, dùng thuốc đúng chỉ định và có phác đồ điều trị đúng.

Có thể ngăn chặn bệnh tiểu đường bằng cách nào?

Để ngăn chặn bệnh tiểu đường giai đoạn mãn kinh, phụ nữ cần phải nhớ khi bước vào tuổi mãn kinh cần thực hiện tầm soát tiểu đường dù không có các triệu chứng báo động như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều. Khi thực hiện tầm soát hãy yêu cầu được làm những xét nghiệm đặc hiệu.

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, người bệnh cần phải tiến hành điều trị một cách sát sao và có bài bản cho đến khi được xác định lượng đường huyết đã ổn định.

Trong điều trị bệnh tiểu đường giai đoạn mãn kinh cần điều trị song song cả hội chứng mãn kinh (nếu có). Việc chỉ sử dụng các hoạt chất sinh học có tác dụng tương tự nội tiết tố để giải quyết những triệu chứng đi kèm như tình trạng bóc hỏa, mất ngủ, suy nhược thần kinh, trầm uất... sẽ có thể khiến cho các liệu pháp điều trị bệnh tiểu đường giảm hiệu quả.

Đối với người mãn kinh bị bệnh tiểu đường cần phải được thăm khám và theo dõi các biến chứng trên thận, mắt, tim, não thường hơn so với những đối tượng thuộc nhóm tuổi khác.

Ngoài ra, nếu muốn ngăn chặn biến chứng của bệnh tiểu đường thì phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh cần phải làm đảm bảo đường huyết được ổn định. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân tiểu đường tuổi mãn kinh nếu giữ được đường huyết ổn định sẽ không chỉ ngăn ngừa được các biến chứng tiểu đường mà còn tránh được những phiền toái thường xuất hiện trong giai đoạn mãn kinh, điển hình nhất là tình trạng trầm uất.

Tuy nhiên, cần lưu ý một số loại thuốc tiểu đường cũng là thủ phạm gây nên chứng trầm uất ở phụ nữ. Đây là một bệnh lý không nên xem thường bởi bệnh nhân càng trầm uất, càng mất ngủ, càng đau đầu, buồn bã thì đường huyết càng dao động, đường huyết càng dao động thì biến chứng sẽ càng dễ xảy ra. 

Như vậy, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong độ tuổi mãn kinh cần phải quan tâm, chăm sóc và điều trị kịp thời, nhanh chóng. Đặc biệt, khi điều trị bệnh tiểu đường trong giai đoạn này người bệnh cần phải điều trị trên cả hai mặt tâm - thể để có được hiệu quả tốt nhất.

Bạn có thể xem lại nội dung ngắn gọn của bài viết từ video bên dưới: 

Tiểu đường tuýp 1 có nguy hiểm không? : Có 3 loại bệnh tiểu đường là tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ. Trong đó, tiểu đường tuýp 1 cũng là loại bệnh phổ biến nhưng được rất ít người quan tâm tìm ...

Tiểu đường tuýp 2 nguy hiểm như thế nào? : Bệnh tiểu đường tuýp 2 là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất. Nếu không được chẩn đoán, điều trị và kiểm soát tốt, tiểu đường tuýp 2 có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, thậm chí là...