Yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là các yếu tố làm tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch. Nếu một người có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh tim mạch sẽ tăng lên.
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ tim mạch không thể thay đổi được như tuổi, giới tính, di truyền thì có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch bạn hoàn toàn có thể kiểm soát, điều chỉnh được.
Béo phì và thừa cân
Việc thừa cân sẽ góp phần gia tăng tổng mức cholesterol trong máu, đồng thời mang đến nguy cơ huyết áp cao và bệnh mạch vành. Nếu ở cấp độ béo phì, lượng cholesterol sẽ tăng vọt, huyết áp đặc biệt cao và kéo theo bệnh tiểu đường.
Trong nhiều trường hợp, chứng béo phì chịu trách nhiệm cho hầu hết các bệnh tật liên đới, trong đó đa phần là bệnh tim mạch.
Có thể nói béo phì là một yếu tố nguy cơ mang đến nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra bệnh tim mạch.
Cao huyết áp
Chứng cao huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu kết hợp thêm cả béo phì, nghiện thuốc lá và cholesterol cao thì nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ sẽ tăng lên đáng kể.
Huyết áp có thể thay đổi tùy theo điều kiện vận động và tuổi tác, nhưng về cơ bản, chỉ số huyết áp ở người lớn khi đang nghỉ ngơi nên ở mức 120/80.
Phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp, kết hợp điều trị bằng thuốc và điều chỉnh lối sống như giảm cân, chế độ ăn giảm muối, tập luyện thể lực... để kiểm soát tốt huyết áp, từ đó giảm nguy cơ các biến chứng tim mạch.
Cholesterol trong máu cao
Cholesterol là một chất tương tự chất béo có sẵn trong máu. Gan sản xuất cholesterol để hình thành màng tế bào và tạo một số hormon nhất định.
Ngoài lượng cholesterol này ra, cơ thể còn nhận thêm một lượng cholesterol khác từ những thực phẩm được dung nạp, những thực phẩm này đa phần có nguồn gốc động vật như thịt, trứng, các sản phẩm từ sữa...
Mặc dù lượng cholesterol trong thức ăn khiến cho chỉ số cholesterol trong máu tăng cao, nhưng thực tế thủ phạm chính lại là các chất béo bão hòa có trong thực phẩm.
Hãy cẩn thận ở điểm này, vì có những thực phẩm không chứa cholesterol nhưng vẫn chứa một lượng lớn các chất béo bão hòa khác. Những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa thường là thực phẩm có nguồn gốc bơ sữa và thịt đỏ.
Các chất béo bão hòa này làm gia tăng lượng cholesterol xấu (LDL), tạo ra những mảng bám trên thành động mạch và bắt đầu quá trình xơ vữa động mạch.
Khi các mảng bám tích tụ trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim, nguy cơ đau tim sẽ tăng cao.
Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, sử dụng các thuốc điều trị lipid máu nếu mắc bệnh theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp ngăn ngừa gặp các biến cố tim mạch.
Đái tháo đường và kháng insulin
Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, gây tổn thương các mạch máu ở thận, mắt... Ngay cả khi đường huyết tăng nhẹ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã cao hơn bình thường.
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường có nồng độ insulin trong máu cao và thường kèm theo tình trạng kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch...
Điều chỉnh trong quá trình ăn uống, giảm cân, tập luyện thể lực để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Nếu mắc bệnh, điều trị để kiểm soát tốt đường huyết sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Hút thuốc lá
Hầu hết mọi người đều biết rằng việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi, nhưng ít ai nhận ra nó cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim... khiến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn.
Việc hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã có sẵn chứng huyết áp cao.
Ngoài nicotine, các hóa chất khác có trong khói thuốc như carbon monoxide cũng có hại cho tim. Những chất này dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, ảnh hưởng đến cholesterol và mức fibrinogen - một yếu tố làm đông máu, điều này khiến cho nguy cơ đông máu tăng và có thể dẫn đến đau tim.
Không hút thuốc lá nếu chưa hút và bỏ thuốc lá là một biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Thiếu vận động thể chất
Những người lười vận động hoặc ít có cơ hội vận động thể chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người thường xuyên tập thể dục.
Việc hoạt động và tập luyện sẽ đốt cháy calo, giúp kiểm soát mức cholesterol và bệnh tiểu đường đồng thời có thể hạ huyết áp. Tập thể dục cũng tăng cường sự dẻo dai cho cơ tim và làm cho các động mạch linh hoạt hơn.
Những người tích cực đốt cháy 500 - 3500 calo mỗi tuần bằng cách tập thể dục hoặc các hình thức vận động khác thường sống lâu hơn những người không tập thể dục. Ngay cả tập thể dục với cường độ trung bình nhưng đều đặn và thường xuyên cũng rất hữu ích.