Chờ...

Măng tây chống ung thư và bảo vệ tim mạch

VOH - Mọi người đã từng nghe qua măng tây được mệnh danh là “vua chống ung thư” chưa?

Măng tây có ba màu: trắng, xanh lá cây và tím, mỗi màu đều có giá trị dinh dưỡng riêng.

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ, đừng vứt bỏ vỏ và đầu măng tây đã gọt vỏ, để dành nấu thành nước măng tây. Đừng bảo quản măng tây “nằm ngang” trong tủ lạnh, mà hãy “dựng đứng” nó lên sẽ tốt hơn.

mang-tay-vua-chong-ung-thu
Măng tây có nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe, không phải ai cũng biết - Ảnh: TVBS

Măng tây có 3 màu: trắng, xanh lá cây và tím, mỗi màu có hương vị và giá trị dinh dưỡng riêng

Ngô Ánh Tuyền, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, măng tây rất giàu vitamin A, B2, C, khoáng chất sắt, kali, axit folic, axit asparagine măng tây độc đáo và chất xơ là nguồn dinh dưỡng rất tốt.

Chuyên gia Ngô Ánh Tuyền sau đây sẽ giới thiệu đặc điểm và giá trị dinh dưỡng của 3 loại măng tây: trắng, xanh lá cây và tím, mời mọi người tham khảo có thể đưa măng tây vào thực đơn hàng ngày của mình, vì chúng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Măng tây trắng

Măng tây trước khi nhô lên khỏi mặt đất có màu trắng khi nó còn nằm dưới bề mặt đất, có hàm lượng vitamin C cao, kích thước lớn hơn và vỏ dày hơn nên khi ăn cần gọt bỏ vỏ. Măng tây trắng có vị ngọt, mọng nước nên thường được nấu hoặc nướng. Nó được mệnh danh là “nữ hoàng rau mùa xuân” ở các nước châu Âu.

Măng tây xanh lá cây

Sau khi măng tây nhô lên khỏi đất, nó trải qua quá trình quang hợp và bắt đầu chuyển sang màu xanh lá. Hầu hết măng tây xanh lá có thể ăn được mà không cần gọt vỏ, ngoại trừ phần sát bề mặt đất có nhiều chất xơ hơn. Măng tây xanh lá cây ăn có cảm giác giòn ngọt và có hàm lượng vitamin A cao. Nó thường được xào chung với thịt nạc hoặc nấm ăn rất ngon, một cách ăn khác đơn giãn hơn nhưng cũng rất ngon là xào tỏi.

Măng tây tím

Măng tây tím là một giống lai tạo mới và có giá trị dinh dưỡng cao. Trong môi trường canh tác thích hợp, thân non của măng có màu tím đậm và sáng mượt. Thân măng tây tím to dày và mềm hơn măng tây xanh lá cây, phần lớn không cần gọt bỏ vỏ khi ăn. Ngoài ra, măng tây tím ít chất xơ, tươi và ngọt, có hàm lượng đường và anthocyanin cao, măng tây xào tỏi ăn có vị giòn ngọt và nhiều bổ dưỡng.

Măng tây được mệnh danh là “vua chống ung thư”

Chuyên gia dinh dưỡng Ngô Ánh Tuyền cho biết, măng tây là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu axit folic, vitamin A, chất phytochemical và khoáng chất, đồng thời nó được biết đến nhiều nhất với tác dụng giảm mệt mỏi và chống oxy hóa, được mệnh danh là “vua chống ung thư”. Măng tây có 5 tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe:

1. Loại bỏ mệt mỏi: măng tây rất giàu axit aspartic, có thể giúp loại bỏ mệt mỏi thần kinh và cơ bắp.

2. Ngăn ngừa huyết áp cao và cải thiện bệnh tim mạch: chất flavonoid thực vật rutin có tác dụng chống viêm, chống tiểu đường, bảo vệ thần kinh, hỗ trợ sản xuất collagen và giúp sử dụng vitamin C hiệu quả. Đặc biệt, nó có thể làm tăng sức cản mạch máu để duy trì chức năng cơ tim khỏe mạnh.

3. Tác dụng chống oxy hóa: măng tây chứa nhiều vitamin A và vitamin C là những chất dinh dưỡng có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Măng tây rất giàu chất folate, có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư tuyến tụy, làm giảm nguy cơ ung thư thực quản và ruột.

4. Duy trì sự phát triển của hệ thần kinh: măng tây rất giàu axit folic, đặc biệt thích hợp cho phụ nữ chuẩn bị mang thai và phụ nữ đang mang thai.

5. Giúp sức khỏe đường ruột: măng tây rất giàu chất xơ và đường thực vật oligosacarit, có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột và hỗ trợ nhu động ruột hoạt động tốt hơn. Đặc biệt có lợi cho sức khỏe đường ruột.

Người có chế độ ăn hạn chế kali, bệnh gút và axit uric cao cẩn thận khi ăn măng tây

Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Ngô Ánh Tuyền khuyến cáo rằng, măng tây là loại thực phẩm có hàm lượng kali cao, những người có chế độ ăn hạn chế kali do bị bệnh nên chú ý khi ăn măng tây.

Ngoài ra, măng tây có hàm lượng purin cao, đặc biệt là ở phần ngọn của cây non. Vì vậy, những người bị bệnh gút hoặc có axit uric cao được nhắc nhở không nên ăn nhiều măng tây.