Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bệnh viêm mũi dị ứng: Cách phòng ngừa và chữa trị

(VOH) – Viêm mũi dị ứng là bệnh lý khá phổ biến ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và gây ra nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh.

Theo những thông báo về dịch tễ học, tỷ lệ mắc các bệnh dị ứng về tai mũi họng chiếm từ 10 – 15% dân số thế giới và tại Việt Nam viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% trong số các bệnh lý về tai mũi họng. Đây là bệnh lý dị ứng rất phổ biến, tuy không gây nguy hiểm tức thời nhưng lại mang đến nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

1. Viêm mũi dị ứng là gì và nguyên nhân nào gây bệnh?

Viêm mũi dị ứng là một loại viêm trong mũi, xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng trong không khí như phấn hóa, mạt bụi, lông động vật,....

Người bị viêm mũi dị ứng không chỉ khó chịu do bệnh mà còn bị ảnh hưởng đến khả năng làm việc hoặc học tập, chất lượng cuộc sống bị giảm sút nghiêm trọng.

Theo BS CKII Đỗ Kỳ Nhật (BV Tai  Mũi Họng Sài Gòn), tình trạng khí hậu khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân gây ra sự mất cân bằng dị ứng. Chính sự mất cân bằng dị ứng cộng với cơ địa nhạy cảm và yếu tố các dị nguyên trở thành yếu tố thuận lợi để hình thành bệnh viêm mũi dị ứng.

benh-viem-mui-di-ung-cach-phong-ngua-va-chua-tri-voh

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, do tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nên khói bụi, hóa chất ngày càng nhiều, khiến tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cũng ngày càng nhiều hơn. Đồng thời, bệnh viêm mũi dị ứng còn có thể xuất hiện do:

  • Căng thẳng.
  • Viêm nhiễm.
  • Lối sống thiếu vận động.
  • Ăn kiêng quá mức.
  • Sử dụng nhiều bia, rượu, thuốc lá....

2. Các dạng viêm mũi dị ứng và cách nhận diện triệu chứng

Trước đây, viêm mũi dị ứng được phân loại theo mùa và viêm mũi dị ứng quanh năm. Tuy nhiên, sau này để cho phù hợp với quá trình phân loại và chẩn đoán thì Hiệp hội viêm mũi dị ứng quốc tế đã phân thành 2 loại chính đó là:

  • Viêm mũi dị ứng gián đoạn: Có những thời điểm bạn bị viêm mũi dị ứng.
  • Viêm mũi dị dai dẳng: Tình trạng viêm mũi dị ứng kéo dài trên 4 tuần trong 1 năm hoặc trong 1 tuần kéo dài trên 4 ngày.

Mỗi loại viêm mũi dị ứng sẽ dựa vào ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng cuộc sống, giấc ngủ, khả năng làm việc, học tập, giải trí mà người ta sẽ phân ra thành các thể: nặng, nhẹ hay trung bình.

Dấu hiệu viêm mũi dị ứng tương đối điển hình, bao gồm các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi và ngứa mũi. Đôi khi bệnh nhân có thể gặp tình trạng ngứa mắt, ngứa vòm họng.

BS CKII Đỗ Kỳ Nhật cho biết, viêm mũi dị ứng không phải bệnh truyền nhiễm nên không có khả năng lây truyền từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thường sẽ có những yếu tố di truyền trong gia đình về dị ứng, chẳng hạn như: hen suyễn, chàm, viêm da dị ứng và nổi mề đay.

3. Chẩn đoán viêm mũi dị ứng bằng cách nào?

Việc xác định tác nhân gây bệnh (các yếu tố gây dị ứng) đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh sẽ tương đối khá phức tạp vì một người có thể bị dị ứng với một hoặc nhiều yếu tố khác nhau.

benh-viem-mui-di-ung-cach-phong-ngua-va-chua-tri-1-voh

Khám lâm sàng là một trong những bước giúp xác định viêm mũi dị ứng (Nguồn: Internet)

Do đó, để có thể chẩn đoán một người có bị viêm mũi dị ứng hay không, bác sĩ thường sẽ khai thác về bệnh sử, tiền sử bệnh nhân và gia đình để xem xét những yếu tố có khả năng gây ra bệnh, chẳng hạn như về môi trường, lối sống cũng như cơ địa nhạy cảm. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám trên lâm sàng dựa trên những biểu hiện, triệu chứng viêm mũi dị ứng để chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, để xác định yếu tố gây bệnh bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện những cái test, tức là những xét nghiệm dị ứng. Hiện nay tại Việt Nam có 2 loại test được sử dụng nhiều nhất đó là:

  • Test không đặc hiệu: Chỉ xác định về dị ứng và tìm những bạch cầu trong dịch mũi và trong máu.
  • Test đặc hiệu: Thực hiện các thử nghiệm trên da và những xét nghiệm đó sẽ có những kháng nguyên liên quan đến những yếu tố dị nguyên để có thể tìm ra những yếu tố gây bệnh cho cơ thể.

4. Điều trị viêm mũi dị ứng dễ hay khó?

BS CKII Đỗ Kỳ Nhật cho biết, điều trị viêm mũi dị ứng là một vấn đề nan giải của y học hiện nay. Theo BS Nhật, nếu chỉ điều trị triệu chứng bệnh thì đương đối đơn giản nhưng để điều trị triệt để thì lại rất khó, bởi vì bạn phải kiểm soát được môi trường sống xung quanh, tránh tiếp xúc với các dị nguyên như bụi, khói, phấn hoa... tuy nhiên, trên thực tế sẽ khó thực hiện được.

Sử dụng thuốc viêm mũi dị ứng có thể làm cắt cơn, giảm triệu chứng nhưng bạn cũng không thể sử dụng các loại thuốc một cách thường xuyên hoặc kéo dài liên tục.

Ở thời điểm hiện tại, điều trị viêm mũi dị ứng bằng liệu pháp miễn dịch được xem như một “cửa mở” cho các bệnh nhân, bởi điều trị bằng phương pháp này sẽ tác động tới gốc cũng như làm chậm diễn tiến tự nhiên của bệnh dị ứng. Tuy nhiên phương pháp này thường mất nhiều thời gian và khá tốn kém.

5. Cách phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng

Muốn phòng ngừa viêm mũi dị ứng hiệu quả bạn cần tránh tiếp xúc với các nhân gây bệnh, chẳng hạn như:

  • Tránh tiếp xúc dị nguyên như bụi gỗ, khói thuốc lá, lông động vật, phấn hoa...
  • Sử dụng các phương tiện bảo hộ khi tiếp xúc với khói bụi, hóa chất.
  • Trong nhà nên sử dụng hệ thống lọc không khí.
  • Nếu sử dụng máy điều hòa cần phải vệ sinh thường xuyên để tránh nấm mốc.
  • Cải thiện môi trường và lối sống bằng cách tìm những biện pháp giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi, điều tiết độ ẩm thích hợp đề phòng viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Chú ý vệ sinh mũi, bạn có thể dùng nước muối sinh lý rửa mũi để làm thông thoáng đường mũi.
  • Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng, vì đây cũng là một yếu tố gây ra dị ứng nặng hơn.
  • Tránh tình trạng bị stress và căng thẳng.
  • Tập thể dục, thể thao thường xuyên để nâng sức đề kháng của cơ thể.
  • Cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh để giảm béo phì.

Như vậy, viêm mũi dị ứng là bệnh mặc dù khó điều trị triệt để nhưng nếu chú ý đến việc chăm sóc và tránh tiếp xúc hoặc hít phải các chất gây dị ứng thì bạn có thể sẽ không gặp nhiều phiền toái và khó chịu. Ngoài ra, nếu đang bị viêm mũi dị ứng bạn cần phối hợp cùng bác sĩ để được theo dõi và điều trị sớm.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

 
Bình luận