Bệnh viêm não Nhật Bản là gì, nguy hiểm như thế nào?

(VOH) – Viêm não Nhật Bản là 1 bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, làm tổn thương đến hệ thần kinh trung ương của con người. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là trẻ dưới 15 tuổi.

1. Viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường máu, do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Thường xảy ra phổ biến ở các vùng nông thôn ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Nguồn lây bệnh: Virus lây bệnh viêm não Nhật Bản được tìm thấy ở các loài chim hoang dã và các loài gia súc như lợn, ngựa...

benh-viem-nao-nhat-ban-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh

Con đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản (Nguồn: Internet)

Đường lây truyền: Virus viêm não Nhật Bản lây bệnh sang người qua con đường trung gian truyền bệnh duy nhất chính là muỗi culex. Muỗi culex có 2 loài là Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Muỗi có màu nâu, hoạt động mạnh vào lúc chập choạng tối và thường sống ở ruộng lúa nước, khu vực ao hồ, ngoài cánh đồng và có thể bay xa trong vòng bán kính lên đến 3km.

2. Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Hầu hết những người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản thường không xuất hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ trong thời gian ngắn và hay bị nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường.

Thời gian ủ và phát bệnh viêm não Nhật Bản thường khoảng từ 5 – 15 ngày, trung bình là 1 tuần. Các triệu chứng xuất hiện gồm có:

2.1 Thời kỳ khởi phát

  • Bệnh khởi phát đột ngột bằng triệu chứng sốt cao 39 – 40 độ C hoặc hơn. Trẻ thường đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn.
  • Bệnh tiến triển nặng ngay 1 – 2 ngày đầu tiên sau khi phát bệnh. Các triệu chứng bao gồm: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức, phản xạ gân xương tăng, xung huyết giãn mạch rõ.
  • Một số trẻ còn có thể gặp tình trạng đi ngoài phân lỏng, nôn giống như bị nhiễm khuẩn – nhiễm độc thức ăn.

Thời kỳ này, virus viêm não nhật Bản đã vượt qua hàng rào mạch máu – não và gây phù não, cùng các biểu hiện hội chứng màng não.

2.2 Thời kỳ toàn phát

  • Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày thứ 6 – 7 của bệnh, virus sẽ xâm nhập vào nhu mô não để phá hủy các tế bào thần kinh. Triệu chứng nổi bật là sự xuất hiện của các tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú.
  • Người bệnh từ mê sảng kích thích chuyển sang rối loạn ý thức và dần dần đi vào hôn mê sâu.
  • Bệnh nhân bị cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ làm bệnh nhân nằm co quắp, có các cơn xoắn vặn, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi. Một số trường hợp xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.
  • Triệu chứng khu trú: Liệt tay, chân. Các dây thần kinh sọ não bị tổn thương, đặc biệt là các dây vận nhãn và dây thần kinh mặt.

benh-viem-nao-nhat-ban-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-1-voh

Viêm não Nhật Bản tiến triển từng giai đoạn bệnh (Nguồn: Internet)

2.3 Xét nghiệm cận lâm sàng

Nếu thực hiện xét nghiệm sẽ thấy:

  • Bạch cầu tăng, chủ yếu là bạch cầu trung tính. Tốc độ máu lắng tăng.
  • Áp lực dịch não tủy tăng.
  • Soi đáy mắt thấy xung huyết gai thị, đôi khi có phù nề và xuất huyết.

Thời kỳ này, virus đã xâm nhập vào các tế bào não gây hủy hoại các tế bào này. Bệnh nhân có thể sẽ tử vong trong vòng 7 ngày đầu. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này sẽ có tiến triển tốt hơn.

2.4 Thời kỳ lui bệnh

  • Biểu hiện chủ yếu là các biến chứng và di chứng.
  • Ở giai đoạn này, bệnh đã đỡ dần, nhiệt độ giảm và hết sốt vào khoảng ngày thứ 10 nếu không bị bội nhiễm. Hội chứng não – màng não, rối loạn thần kinh thực vật cũng mất dần.
  • Tuy nhiên, lúc này các tổn thương thần kinh sẽ rõ ràng hơn trước. Người bệnh có thể có biểu hiện di chứng tâm thần (chậm phát triển trí tuệ, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần...), liệt tay – chân và các dây thần kinh sọ.

Lưu ý: Người bị viêm não Nhật Bản nếu các triệu chứng bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến tử vong do nhiễm trùng. Những người sống sót, các triệu chứng có xu hướng từ từ cải thiện nhưng sẽ mất thời gian rất lâu để phục hồi và có đến một nửa số người sống sót bị tổn thương não vĩnh viễn.

3. Nguyên nhân viêm não Nhật Bản

Như đã nói, viêm não Nhật Bản được lây truyền từ động vật sang người thông qua vết chích của muỗi bị nhiễm bệnh. Chúng thường được sinh sản ở các vùng nông thôn, đặc biệt là những nơi có cánh đồng lúa hoặc đầm lầy ngập nước. Đôi khi muỗi nhiễm bệnh còn được tìm thấy ở các khu vực thành thị.

Nguy cơ nhiễm viêm não Nhật Bản cao nhất vào mùa mưa do muỗi có xung hướng tăng đột ngột.

Bệnh viêm não Nhật Bản không lây truyền từ người sang người. Do đó, việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh viêm não Nhật Bản. Với lợn nhiễm virus, chúng hoàn toàn không bị bệnh viêm não, lợn chỉ đóng vai trò là kho chứa và duy trì lượng virus trong thiên nhiên.

4. Biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Cho đến hiện tại vẫn chưa có cách điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là giúp hỗ trợ các chức năng của cơ thể để chống lại nhiễm trùng.

benh-viem-nao-nhat-ban-la-gi-nguy-hiem-nhu-the-nao-2-voh

Tiêm ngừa vắc-xin là biện pháp phòng ngừa viêm não Nhật Bản tốt nhất (Nguồn: Internet)

Chính vì thế, đối với bệnh viêm não Nhật Bản cần phải được chủ động phòng ngừa. Theo Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, để phòng chống viêm não Nhật Bản, biện pháp đặc hiệu tối ưu nhất đó là tiêm chủng vắc xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản cho trẻ em với 3 liều cơ bản:

  • Mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ được 1 tuổi.
  • Mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tuần
  • Mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 khoảng 1 năm.
  • Sau đó, cứ mỗi 3 năm nên tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi.

Hiện nay còn có vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản thế hệ mới, có thể tiêm cho trẻ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi trở lên, số lượng mũi cũng được tiêm giảm đi, chỉ cần tiêm 1 - 2 mũi.

Ngoài việc tiêm vắc-xin chống viêm não Nhật Bản thì các bậc cha mẹ cũng nên chủ động bảo vệ trẻ tránh bị muỗi đốt bằng cách:

  • Cho trẻ ngủ màn (mùng) kể cả ban ngày hoặc dùng lưới ngăn ngừa muỗi.
  • Phun thuốc diệt muỗi hoặc trồng nhiều loại cây có tác dụng xua muỗi như: cây sả, húng thơm, hương thảo....
  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay khi trời tối.
  • Không để trẻ chơi ở những nơi có chuồng gia súc, khu chăn nuôi.
  • Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thông thoáng. Đậy kín các vật dụng chứa nước để làm giảm số lượng muỗi sinh sống và sinh sản.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm vì người mắc bệnh sẽ phải chịu những tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng. Vì thế, cha mẹ cần quan tâm chăm sóc trẻ cẩn thận, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao đột ngột kèm theo nhiều triệu chứng bất thường hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nếu có viêm não Nhật Bản xảy ra.