1. Câu hỏi thính giả
Chào bác sĩ!
Bác sĩ cho em hỏi, vợ em bị bệnh huyết trắng, bây giờ có cách nào chữa được không ạ? Em đã đưa vợ đi khám và được cho thuốc uống nhưng uống thuốc hoài không khỏi. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Xin cảm ơn.
2. Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (BV Đại học Y dược TPHCM) ) tư vấn
Bị huyết trắng có thể điều trị bằng cách nào? (Nguồn: Internet)
Chào anh, với thắc mắc của anh thì tôi xin được trả lời như sau:
Bị huyết trắng là tình trạng viêm nhiễm phụ khoa. Bình thường huyết trắng là dịch chảy ra từ âm đạo của người phụ nữ. Tuy nhiên, trường hợp của vợ anh bị huyết trắng kéo dài thì anh nên đưa chị ấy đi khám, thầy thuốc sẽ kiểm tra lâm sàng và lấy dịch đó để làm xét nghiệm xem nó nhạy với loại kháng sinh gì để sử dụng thuốc phù hợp.
Đồng thời chị ấy phải biết cách giữ vệ sinh, nhất là vệ sinh vùng kín, vì có nhiều chị em phụ nữ hiện nay vẫn chưa quan tâm đủ và đúng về vấn đề vệ sinh vùng kín. Ví dụ như khi chúng ta đi cầu thì phần lớn là chúng ta rửa, nhưng một số trường hợp chị em dùng giấy chùi, chúng ta giấy kéo từ phía sau hậu môn lên trên thì đó chính là một hình thức có thể gây viêm nhiêm.
Chúng ta biết rằng, vùng kín của phụ nữ có 3 cái lỗ rất gần nhau, đó là: lỗ tiểu, lỗ âm đạo và lỗ hậu môn. Lỗ hậu môn nằm ở vị trí sau cùng (phía sau lưng), ở giữa là lỗ âm đạo, và phía trước là lỗ tiểu. Như vậy, nếu chị em đang bị nhiễm trùng đường tiểu, khi đi tiểu, nước tiểu có thể sẽ chảy xuống và đi vào bên trong lỗ âm đạo gây viêm, hoặc là khi đi cầu chúng ta rửa, vi khuẩn có thể lẫn cùng với nước sau đó di chuyển lên phía trước âm đạo và gây viêm.
Tiếp theo là việc “quan hệ vợ chồng” anh cũng cần chú ý đến việc giữ vệ sinh. Bởi vì khi anh giao hợp, nếu dương vật bị bẩn, hay đi tiểu không rửa, v.v... thì ở bao quy đầu sẽ còn vướng chất bẩn có thể gây nhiễm trùng. Lúc này nếu anh đưa vào âm đạo thì vợ anh có khả năng cao là sẽ tiếp tục bị viêm nhiễm phụ khoa.
Việc chữa trị huyết trắng hay viêm âm đạo là rất khó, bởi vì ngoài việc dùng các loại thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng hay các loại thuốc kháng sinh có tác dụng kháng nấm, thì cái quan trọng vẫn là việc giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
Trong quá trình điều trị, người thầy thuốc có thể sử dụng kháng sinh đặt tại chỗ chứ không phải chỉ dùng bằng đường uống và chị nhà cần phải tuân thủ. Đồng thời chị phải đi khám thường xuyên để thầy thuốc quan sát xem là do nấm hay chỉ là huyết trắng sinh lý.
Huyết trắng ở người phụ nữ có hai dạng là huyết trắng sinh sinh lý và bệnh lý. Nếu ở giữa chu kỳ, âm đạo tiết ra dịch trắng trong, không đục, không ngứa thì đó là bình thường không phải là vấn đề của bệnh lý. Nhưng nếu nó đục, có màu xanh hay nó có màu vàng, đỏ, hay bị ngứa ngáy, khó chịu thì đó là dấu hiệu của viêm nhiễm, chị cần lưu ý và nên đi thăm khám, điều trị kịp thời.