Nhiễm trùng tiểu là gì?
PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, nhiễm trùng tiểu là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn gây ra. Đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Khi vi khuẩn gây viêm nhiễm bất kỳ bộ phận nào của đường tiết niệu thì được gọi là nhiễm trùng tiểu.
Vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm bất kỳ bộ phận nào trên đường tiết niệu nhưng thường gặp nhất là bàng quang và niệu đạo.
Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn nam giới (Nguồn: Internet)
Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu ở nữ giới
Bác sĩ Bay cho biết, khoảng 80% nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu là do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli). Vi khuẩn này thường ký sinh ở đại trực tràng, nhưng do nhiều thói quen không tốt của phụ nữ đã “dẫn đường” cho vi khuẩn tấn công vào đường tiết niệu và gây viêm nhiễm.
Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn nam giới là do niệu đạo của phụ nữ rất ngắn. Bên cạnh đó, 3 cơ quan gồm lỗ tiểu, lỗ hậu môn và lỗ âm đạo nằm rất gần nhau nên dễ dẫn đến tình trạng bị lây nhiễm qua lại. Vi khuẩn E.coli có thể từ trực tràng theo phân ra ngoài hoặc bám dính ở hậu môn, khi đi tiểu, nếu chị em không lau chùi đúng cách có thể kéo vi khuẩn lên trên và gây viêm nhiễm cho đường tiết niệu.
Dưới đây là một số thói quen của chị em phụ nữ dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu:
-
Vệ sinh không đúng cách
Sau khi đi tiểu, nhiều phụ nữ thường có thói quen dùng khăn giấy lau từ sau ra trước (kéo từ hậu môn lên đường tiểu), điều này sẽ vô tình đưa nhiều loại vi khuẩn ở hậu môn lên đường tiểu và gây viêm nhiễm.
-
Quên uống nước và nhịn tiểu
Quên uống nước và nhịn tiểu là thói quen không tốt, bởi tiểu là hành động giúp cơ thể đào thải các chất độc mà thận đã lọc ra ngoài, vi khuẩn cũng theo đường tiểu mà đi ra. Tuy nhiên, nếu bạn không uống nhiều nước và nhịn tiểu thì thận sẽ không thải được chất độc ra ngoài. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm bên trong đường tiểu.
-
Sinh hoạt tình dục thiếu khoa học
Bác sĩ Bay cho biết, sử dụng màn ngăn âm đạo, trước và sau khi quan hệ không vệ sinh sạch sẽ,…cũng là nguyên nhân dễ gây nhiễm trùng đường tiểu ở phụ nữ.
-
Phơi quần áo ở nơi ẩm thấp
Không giặt quần áo (nhất là đồ lót) thường xuyên và phơi ở những nơi ẩm thấp sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, chúng có thể xâm nhập vào đường tiểu khi bạn mặc vào, từ đó gây viêm nhiễm bên trong.
Ngoài ra, những phụ nữ lớn tuổi, lượng estrogen sụt giảm sẽ dễ dẫn đến tình trạng khô âm đạo nên dễ bị nhiễm trùng tiểu.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng tiểu ở nữ giới
Để nhận biết nhiễm trùng tiểu, bạn có thể dựa vào các triệu chứng sau đây:
Khi có dấu hiệu bị nhiễm trùng tiểu nên đi thăm khám và xét nghiệm để chẩn đoán (Nguồn: Internet)
- Tiểu lắt nhắt, khó tiểu, tiểu són hoặc tiểu không tự chủ.
- Tiểu buốt, tiểu rắt.
- Nóng rát khi đi tiểu.
- Đau bụng vùng hạ bì (vùng trên xương mu) kèm theo đau lưng, mỏi lưng.
- Những trường hợp nhiễm trùng nặng có thể sốt và mệt mỏi.
Để chẩn đoán chính xác nhiễm trùng tiểu cần phải thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Đôi khi bác sĩ phải cấy để tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp.
Phòng ngừa nhiễm trùng tiểu ở nữ giới bằng cách nào?
Theo bác sĩ Bay, có khoảng 80% nhiễm trùng tiểu là do vi khuẩn E.coli và 20% còn lại là các vi khuẩn khác. Những thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu là thay đổi các thói quen xấu. Cụ thể là:
- Mỗi ngày uống đủ 2 lít nước, nếu lao động ra nhiều mồ hôi thì uống trên 2 lít nước để thận thải độc ra ngoài.
- Khi đi vệ sinh không nên dùng giấy lau kéo từ hậu môn lên trên âm đạo mà hãy làm ngược lại.
- Luôn giữ vùng kín khô thoáng và sạch sẽ.
- Vệ sinh thân thể hàng ngày, nhất là vệ sinh và đi tiểu trước và sau khi quan hệ.
- Sống chung thủy một vợ một chồng để tránh bị lây nhiễm các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
- Khi tắm không nên dùng vòi sen xịt trực tiếp vào âm đạo. Nếu đang bị bệnh trĩ, viêm âm đạo,…thì không nên tắm bồn để tránh vi khuẩn xâm nhập và gây viêm đường tiểu.
- Với những phụ nữ lớn tuổi, nếu bị khô âm đạo thì có thể sử dụng các thực phẩm tăng cường sản xuất estrogen như đậu nành, mầm đậu nành,…Nếu tình trạng khô âm đạo nặng thì nên đi khám để sử dụng các estrogen thay thế hoặc các loại thảo dược giúp hạn chế khô âm đạo để phòng ngừa viêm đường tiểu.
Nhìn chung, phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn nam giới. Các nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu chủ yếu xuất phát từ các thói quen xấu hàng ngày, chính vì vậy, chỉ cần điều chỉnh và thay đổi thói quen thì có thể phòng ngừa được căn bệnh này. Nếu nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng tiểu thì chị em nên tiến hành thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: