Chờ...

Biến đổi khí hậu đang khiến bệnh tật gia tăng như thế nào?

VOH - Căng thẳng do nắng nóng. Tổn thương phổi do khói cháy rừng. Sự lây lan của muỗi mang mầm bệnh sang các khu vực mới khi nhiệt độ tăng.

Đây chỉ là một số vấn đề sức khỏe mà các cộng đồng bị ảnh hưởng và trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu – vấn đề lần đầu tiên được chú trọng tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28).

cháy rừng
Cháy rừng tại Công viên Quốc gia Dadia ở vùng Evros, Hy Lạp vào ngày 1/9/2023 - Ảnh: Reuters

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2030, các chuyên gia dự đoán rằng, 4 trong số những mối đe dọa này là suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và stress nhiệt - sẽ đẩy số người chết trên toàn cầu lên 250.000 người mỗi năm.

Martin Edlund, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận y tế toàn cầu Malaria No More cho biết: “Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở thành các sự kiện nghiêm trọng về sức khỏe”.

Đây là cách biến đổi khí hậu đang gây tổn hại đến sức khỏe con người trên toàn thế giới.

Gia tăng ca bệnh do muỗi truyền

Muỗi mang virus bao gồm sốt xuất huyết, sốt rét, tây sông Nile và Zika đang di chuyển đến những khu vực mới trên thế giới khi nhiệt độ ấm hơn và mưa lớn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chúng sinh sản.

Theo WHO, các ca sốt xuất huyết được báo cáo đã tăng từ khoảng nửa triệu năm 2000 lên hơn 5 triệu vào năm 2019.

Xem thêm: Trẻ mắc sốt xuất huyết tăng nhanh

Ông Edlund cho biết, chỉ trong năm nay, số ca mắc bệnh ở Brazil đã tăng 73% so với mức trung bình 5 năm, trong khi Bangladesh đang hứng chịu đợt bùng phát sốt xuất huyết kỷ lục.

Báo cáo Sốt rét Thế giới của WHO cho biết, biến đổi khí hậu cũng có tác động khó lường đối với bệnh sốt rét, với số ca mắc bệnh sốt rét tăng thêm 5 triệu ca vào năm 2022 so với năm trước - đạt tổng số 249 triệu ca.

Ví dụ, lũ lụt ở Pakistan năm ngoái đã khiến số ca mắc bệnh sốt rét ở nước này tăng 400%. Căn bệnh này cũng đã lây lan sang vùng cao nguyên châu Phi, nơi trước đây rất lạnh đối với muỗi.

Hai loại vaccine sốt rét mới dự kiến ​​sẽ có vào năm tới mang lại một số hy vọng trong việc chống lại căn bệnh này.

‘Nảy nở’ nhiều bệnh lây truyền qua đường nước

Bão và lũ lụt do biến đổi khí hậu cũng đang tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm lây qua đường nước sinh sôi nảy nở.

Sau nhiều thập kỷ tiến bộ trong việc chống lại bệnh tả, một bệnh nhiễm trùng đường ruột lây lan qua thực phẩm và nước bị ô nhiễm, số ca mắc bệnh đang gia tăng trở lại, kể cả ở những quốc gia đã loại trừ hoàn toàn căn bệnh này.

Nếu không điều trị, bệnh tả có thể gây tử vong trong vòng vài giờ.

Theo WHO, vào năm 2022, 44 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh tả, tăng 25% so với năm 2021, trong đó ghi nhận vai trò của lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán trong việc cắt đứt khả năng tiếp cận với nước sạch và giúp vi khuẩn phát triển.

WHO cho biết, những đợt bùng phát gần đây cũng gây tử vong nhiều hơn, với tỷ lệ tử vong hiện ở mức cao nhất được ghi nhận trong hơn một thập kỷ.

Nghiên cứu cho thấy, bệnh tiêu chảy cũng gia tăng do biến đổi khí hậu, với lượng mưa ngày càng thất thường - dẫn đến điều kiện ẩm ướt hoặc khô ráo - khiến nguy cơ cao hơn.

Tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới ở trẻ em dưới 5 tuổi, sau bệnh viêm phổi, cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu trẻ em mỗi năm.

Căng thẳng các ca bệnh do nhiệt độ

Căng thẳng do nhiệt - một trong những tác động sức khỏe rõ ràng hơn của hiện tượng nóng lên toàn cầu - được dự đoán sẽ tác động đến hàng trăm triệu người khi nhiệt độ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới.

Thế giới đã ấm hơn khoảng 1,1 độ C so với nhiệt độ trung bình thời tiền công nghiệp. Con người vào năm 2022 đã phải trải qua trung bình khoảng 86 ngày nhiệt độ cao đến mức nguy hiểm – theo báo cáo từ tạp chí y khoa The Lancet.

Báo cáo cho biết, nếu thế giới ấm lên thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, số ca tử vong do nhiệt hàng năm có thể tăng gấp bốn lần.

Một nghiên cứu hồi tháng 7 trên tạp chí Nature Medicine ước tính, có khoảng 61.000 người chết trong các đợt nắng nóng ở châu Âu vào mùa hè năm 2022.

Nắng nóng cũng khiến các khu rừng trở nên khô cằn hơn, gây ra những vụ cháy rừng dữ dội quét qua nhiều vùng rộng lớn trên thế giới trong những năm gần đây.

Hàng tỷ người đối diện với các căn bệnh do ô nhiễm không khí

Theo một nghiên cứu vào tháng 9 trên tạp chí Nature, trong thập kỷ bắt đầu từ năm 2010, hơn 2 tỷ người phải đối mặt với ít nhất một ngày mỗi năm - ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe do khói lửa. Con số này tăng 6,8% so với thập kỷ trước.

Tại Mỹ, ô nhiễm không khí do cháy rừng hiện giết chết khoảng 4.000 đến 28.000 người mỗi năm, theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ.