Ngày 10/6, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế, Ban Quản lý ATTP của các địa phương: TPHCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất ATTP.
Công văn cũng yêu cầu hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.
Tuyên truyền để người dân không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay; cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể.
Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP và công khai các vi phạm trên báo chí để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum...
Ngày 10/6, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân bị ngộ độc ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng nôn, khó thở, hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng nguy hiểm do ăn con so biển nướng.
Cùng ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận bệnh nhi bị ngộ độc sau khi ăn nấm mọc từ xác ve sầu. Em T. (ngụ Đồng Nai) mang nấm mọc từ xác ve sầu lấy ở phía sau rẫy vào chế biến thành thức ăn, rồi cùng ăn với mẹ. Khoảng 1 giờ sau, cả 2 mẹ con bị đau bụng quặn từng cơn, chóng mặt, nôn ói ra thức ăn được đưa đến bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp tim nặng và tổn thương gan, thận.
Clostridium botulinum (C.botulinum) là một vi khuẩn hình que, Gram dương, sống kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, gây bệnh bằng ngoại độc tố.
Trong tự nhiên, các bào tử của vi khuẩn C.botulinum phổ biến và có khả năng sống sót cao ở trong đất và bụi, được tìm thấy trong đất vườn, nghĩa trang, bùn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật, gia cầm, cá...
Vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các lọai thực phẩm đóng hộp như: sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí. Các lọai thực phẩm khác như rau, củ, quả, hải sản... vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm và được ủ, bọc kín.