Chờ...

Những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho gia đình

(VOH) – Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra nếu như bạn lơ là trong khâu chế biến, ăn uống không hợp vệ sinh... Vậy liệu có cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm nào để có thể giúp bảo vệ sức khỏe không?

Ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra, nhất là vào những dịp lễ, Tết quan trọng thì nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm lại càng gia tăng. Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể gây mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần, nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết.

1. Những biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Để bảo vệ sức khỏe cả nhà bạn nên chủ động học cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng cách biện pháp đơn giản sau đây:

1.1 Lưu ý khi mua những thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao

Một trong những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là bạn nên lưu ý khi mua và chế biến các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc như:

  • Các loại hải sản
  • Rau và hoa quả tươi
  • Trứng, sữa chưa tiệt trùng
  • Các loại phô mai mềm và phô mai chưa tiệt trùng

Hầu như các loại hải sản, rau, thịt tươi sống đều có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Chẳng hạn như trong thịt gia cầm sống có chứa một số loại vi khuẩn như Campylobacter, Salmonella, Clostridium perfringens. Thịt heo, thịt bò sống cũng có thể nhiễm khuẩn salmonella, E.coli, yersinia và nhiều loại vi khuẩn khác.

cach-phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-voh-0
Các loại thịt cá tươi sống thường chứa khá nhiều vi khuẩn (Nguồn: Internet)

Trong đó, một số loại vi khuẩn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như:

  • Vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy
  • Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn
  • Vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả
  • Vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy và ngộ độc đường ruột
  • Vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ cho vết thương

1.2 Đảm bảo chế biến thực phẩm an toàn

Để có thể phòng tránh ngộ độc thực phẩm, khi chế biến bạn cần đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn nguyên liệu. Nên chọn những loại thực phẩm tươi ngon và đảm bảo an toàn. Những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật thường rất dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là vào những ngày thời tiết oi bức.

Do đó, khi chế biến thực phẩm tươi sống bạn cần lưu ý:

  • Nên hạn chế chế biến các món gỏi, sống, tái...
  • Không chế biến thịt đã có mùi oi, thiu, hỏng...
  • Khi nấu nướng chế biến thức ăn, cần sử dụng riêng từng dụng cụ. Đặc biệt là nên có dụng cụ riêng khi sơ chế thịt cá sống và không dùng chung các dụng cụ này với rau củ hay thức ăn chín.

Xem thêm: Đừng quên 5 điều sau đây khi vào bếp nếu không muốn bị ngộ độc thực phẩm

1.3 Bảo quản thực phẩm đúng cách

cach-phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-voh-1
Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp giữ thức ăn được lâu hơn và đảm bảo an toàn khi sử dụng (Nguồn: Internet)

Chúng ta thường có thói quen bỏ những loại thực phẩm mua dư vào tủ lạnh. Tuy nhiên, thực tế, mỗi loại thực phẩm sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Do đó, nếu bạn muốn phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì bạn cần biết cách bảo quản thực phẩm đúng và an toàn.

Xem thêm: Cẩm nang ‘từ A đến Z’ cách bảo quản thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh bà nội trợ nhất định phải biết

1.4 Cẩn thận khi ăn uống bên ngoài

Không chỉ lưu ý phòng chống ngộ độc thực phẩm ngay tại nhà mà khi đi ăn uống bên ngoài bạn cũng cần biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân để tránh ngộ độc thực phẩm. Một số lưu ý cần nhớ là:

  • Lựa chọn quán ăn, nhà hàng phải đảm bảo an toàn thực phẩm và được kiểm tra thường xuyên bởi các cơ quan có chuyên môn.
  • Phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu nên đặc biệt thận trọng khi ăn uống bên ngoài.
  • Nên tập thói quen kiểm tra hương vị, màu sắc các món ăn, rau sống, salad.... trước khi ăn. Nếu cảm thấy thịt, trứng chưa được nấu chín hoàn toàn, bạn nên nhờ nhân viên nấu kỹ hơn.
  • Có thể lựa chọn những hàng quán quen, có bếp ăn, sạch sẽ, bát đĩa, đồ dùng được giữ sạch và thức ăn cũng được chế biến cẩn thận.

1.5 Phòng ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch

Nếu đi du lịch, bạn cũng cần phải hết sức cẩn thận để tránh ngộ độc phẩm, đặc biệt là khi du lịch ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, núi đồi, sa mạc.... Một số cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch bạn nên lưu ý là:

  • Chuẩn bị các loại đồ khô, thực phẩm đóng gói và tiệt trùng
  • Nên ưu tiên lựa chọn các loại thức ăn nóng và nấu chín
  • Chỉ nên uống nước đóng chai
  • Nến tránh ăn các loại đồ tươi sống, món ăn từ các sinh vật hoang dã ở địa phương. Hạn chế ăn thức ăn đường phố và các loại trái cây bóc vỏ được bày bán sẵn.

2. Nên ăn gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm sẽ là cách tốt nhất để giúp cho cơ thể bạn an toàn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số trường hợp bạn vẫn có thể bị ngộ độc thực phẩm, những lúc như thế hãy để dạ dày của bạn được ổn định.

cach-phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-voh-2
Cần có chế độ ăn uống hợp lý sau khi bị ngộ độc thực phẩm (Nguồn: Internet)

Các chuyên gia cho biết, khi gặp phải các triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm như nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng, bạn nên để dạ dày của bạn được “nghỉ ngơi”, tức là tránh ăn và uống hoàn toàn trong vài giờ. Sau đó, bạn cần lưu ý đến chế độ ăn uống của mình như:

2.1 Uống đủ nước

Chất lỏng rất quan trọng để giúp cơ thể bạn chống lại các tác động của ngộ độc thực phẩm. Nôn mửa và tiêu chảy có thể gây mất nước, vì thế bạn cần cung cấp nước cho cơ thể,

Uống những loại nước có chứa chất điện giải là lựa chọn đầu tiên. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn một số loại chất lỏng khác như: nước ngọt không chứa caffeine, trà khử caffeine, nước luộc gà hoặc rau.

Xem thêm: Bất ngờ với những hậu quả khi cơ thể bị mất nước, không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ

2.2 Ăn thức ăn nhạt

Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên lựa chọn những loại thức ăn nhẹ nhàng cho dạ dày và đường tiêu hóa, chẳng hạn như: chuối, ngũ cốc, lòng trắng trứng, mật ong, cháo bột yến mạch, bơ đậu phộng....

2.3 Thử các biện pháp tự nhiên an toàn

Khi bị ngộ độc thực phẩm, cơ thể bạn sẽ phải tuân theo các phản ứng tự nhiên của nó để làm sạch và thanh lọc đường tiêu hóa, loại bỏ vi khuẩn. Những lúc thế này, bạn có thể thử uống trà trà để “xoa dịu” dạ dày.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mua các loại men có chứa probiotic để giúp tái tạo các vi khuẩn lành mạnh đã bị mất trong quá trình bị ngộ độc thực phẩm và đưa hệ tiêu hóa cũng như hệ miễn dịch hoạt động trở lại.

Ngộ độc thực phẩm là một trong những tình trạng rất thường gặp ở nhiều người. Hy vọng khi đã áp dụng các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm bạn sẽ bảo vệ được bản thân và cả nhà tránh khỏi những cơn khó chịu và rủi ro sức khỏe ngoài ý muốn.