Nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gas là một trong những loại đồ uống được rất nhiều người yêu thích. Mặc dù đã có rất nhiều lời cảnh báo đưa ra về những tác hại khi tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, thế nhưng dường như một số người lại chưa hiểu đầy đủ về những mối nguy cơ sức khỏe của thức uống này.
1. Uống nước ngọt nhiều có tốt không?
Hiện nay trên thị trường có hàng trăm loại nước ngọt khác nhau và chúng được chia là 2 nhóm đó là: nước ngọt có gas và nước ngọt không có ga (nước trái cây, trà sữa, nước tăng lực, cà phê đóng lon...)
Trong nước ngọt thường không có chất xơ, vitamin, khoáng chất hay dinh dưỡng. Thành phần chính của các loại nước ngọt thường là: nước, hương liệu, màu thực phẩm, chất bảo quản, đặc biệt là chúng chứa rất nhiều đường hay chất tạo ngọt cùng các năng lượng không cần thiết. Vì vậy, nước ngọt được xếp vào nhóm thức uống không tốt cho sức khỏe.
Uống một lượng nước ngọt nhiều hơn mức quy định mỗi ngày, cơ thể bạn sẽ tăng nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe như:
1.1 Dễ tăng cân
Phần lớn các loại nước ngọt đều chứa rất nhiều đường, tuy nhiên đường trong các loại nước ngọt là đường sucrose hoặc đường tinh luyện – một loại đường đơn fructose. Fructose không làm giảm hormone đói ghrelin hoặc kích thích cảm giác no như đường glucose, do đó, khi uống nước ngọt bạn sẽ không cảm thấy no.
Hơn thế, khi uống nước ngọt bạn sẽ có xu hướng tiêu thụ nhiều calo hơn, chính điều này sẽ khiến bạn dễ bị tăng cân.
1.2 Góp phần phát triển bệnh tiểu đường
Một trong những tác hại của nước ngọt là chúng góp phần phát triển bệnh tiểu đường.
Khi bạn uống nước ngọt, các tế bào trong cơ thể sẽ trở nên kém nhạy cảm hơn hoặc kháng lại tác động của insulin. Lúc này tuyến tụy phải tăng tiết insulin để chuyển hóa đường và nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho mức insulin trong máu tăng đột biến, gây ra hiện tượng kháng insulin.
Kháng insulin có thể dẫn đến các rối loạn trong chuyển hóa – nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2.
1.3 Tăng lượng chất béo trong gan
Nếu như đường glucose khi vào cơ thể sẽ có thể được chuyển hóa bởi mọi tế bào, thì đường fructose chỉ có thể được chuyển hóa trong gan. Nước ngọt lại là thức uống chứa rất nhiều đường fructose, do đó, khi bạn uống nhiều nước ngọt sẽ khiến cho gan của bạn trở nên quá tải và biến fructose thành chất béo.
Một số loại chất béo nếu nằm trong gan thời gian dài sẽ góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan, điển hình là bệnh gan nhiễm mỡ không do bia rượu.
1.4 Dễ bị béo phì
Tiêu thụ nhiều đường fructose trong các loại nước ngọt có thể làm gia tăng đáng kể chất béo nguy hiểm xung quanh bụng và các cơ quan trong cơ thể, được gọi là mỡ nội tạng hoặc mỡ bụng.
Mỡ bụng quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh chuyển hóa như bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.
Xem thêm: 7 căn bệnh có thể xuất phát từ bệnh béo phì, hầu hết là bệnh mãn tính nguy hiểm
1.5 Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Các loại đồ uống có đường như nước ngọt thường có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim. Rất nhiều nghiên cứu đã thực hiện và cho thấy, những người uống những loại đồ uống có đường mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn đến 20% so với những người hiếm khi uống đồ uống có đường.
Bệnh tim có thể gây ra rất nhiều hệ lụy sức khỏe bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, xơ vữa động mạch, tắc mạch chi... cực kỳ nguy hiểm.
1.6 Có nguy cơ mắc bệnh ung thư
Ung thư thường có xu hướng song hành với các bệnh mãn tính khác như béo phì, bệnh tim, tiểu đường. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các loại nước ngọt thường có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.
1.7 Không tốt cho răng miệng
Uống nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gas sẽ không tốt cho răng miệng. Trong nước có gas thường có chứa các axit photphoric và axit cacbonic, các axit này sẽ tạo ra một môi trường có tính axit cao trong miệng, khiến răng bạn dễ bị sâu.
Nước có gas đã không tốt cho răng miệng, khi kết hợp với đường càng làm cho nước ngọt có gas trở nên đặc biệt có hại. Đường cung cấp năng lượng dễ tiêu hóa cho vi khuẩn có hại trong miệng, khi kết hợp với axit sẽ càng “tàn phá” sức khỏe răng miệng của bạn theo thời gian.
1.8 Dễ mắc bệnh gout
Bệnh gout thường xảy ra khi lượng axit uric trong máu tăng cao. Đường fructose trong nước ngọt được biết là có thể làm tăng nồng độ axit uric. Do đó, những người thường xuyên uống đồ uống đồ ngọt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
1.9 Nguy cơ sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm chức năng não ở người lớn tuổi, phổ biến nhất là bệnh alzheimer.
Các nghiên cứu cho thấy, bất kỳ sự gia tăng nào của lượng đường trong máu cũng đều có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Bởi vì nước ngọt có chứa nhiều đường nên có thể làm lượng đường trong máu tăng vọt lên nhanh chóng, dẫn đến tăng nguy cơ mất trí nhớ theo thời gian.
1.10 Không chứa dinh dưỡng
Các loại nước ngọt, nhất là nước ngọt có ga hầu như không chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, khoáng chất và chất xơ. Nó không bổ sung gì cho chế độ ăn uống của bạn ngoại trừ đường và lượng calo không cần thiết.
1.11 Gây nghiện
Uống nước ngọt có ga có thể gây nghiện, bởi đường kích thích sự phóng thích dopamine – chất dẫn truyền thần kinh trong não khiến cơ thể tươi khỏe và hưng phấn, tuy nhiên, đây cũng là các chất gây nghiện.
Do đó, rất nhiều người đã sử dụng nước ngọt có gas như một cách giúp não bộ tỉnh táo và tăng khả năng tập trung khi làm việc. Khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ dẫn đến bị nghiện loại thức uống này.
1.12 Tăng tốc độ lão hóa cơ thể
Rất nhiều loại nước ngọt đều chứa axit photphoric để giúp làm tăng vị nồng và cũng giúp bảo quản thức uống. Tuy nhiên, nếu uống nhiều nước ngọt sẽ làm dư thừa lượng axit photphoric dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh thận, giảm mật độ xương và tiêu cơ.
Bên cạnh đó, tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có gas trong thời gian dài cũng sẽ khiến làm tăng quá trình lão hóa làn da và nếp nhăn cũng xuất hiện nhiều hơn.
Xem thêm: 11 tác hại của đường đối với sức khỏe có thể bạn chưa biết
2. Sự biến đổi của cơ thể khi uống nước ngọt
Có rất nhiều nghiên cứu về sự biến đổi của cơ thể sau khi tiêu thụ nước ngọt. Dưới đây là một trong các nghiên cứu về sự biến đổi trong cơ thể người trong 1 giờ đồng hồ sau khi bạn uống 1 chai nước ngọt có gas:
- Sau 10 phút uống: Một lượng đường tương đương 10 muỗng cà phê sẽ được đưa vào cơ thể. Tuy vậy, bạn sẽ không bị nôn mửa do axit photphoric trước nước ngọt đã kìm hãm vị giác.
- Sau 20 phút uống: Lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Insulin được giải phóng. Gan nhanh chóng tiếp nhận và chuyển hóa đường thành chất béo.
- Sau 40 phút uống: Đồng tử sẽ giãn ra. Huyết áp tăng lên. Gan sẽ sẽ phản ứng lại bằng cách tăng lượng đường trong hệ tuần hoàn.
- Sau 1 tiếng uống: Sau khi trải qua những biến đổi trong máu, hệ thần kinh và não bộ thì thành phần caffeine bắt đầu phát huy tác dụng lợi tiểu. Trong quá trình bài tiết, lượng canxi, magie và kẽm cũng sẽ bị đào thải ra ngoài cùng với natri, nước và chất điện giải. Cơ thể bắt đầu mệt mỏi, uể oải và dễ cáu gắt.
3. Uống nước ngọt bao nhiêu là đủ cho một ngày?
Đối với người trưởng thành, không mắc phải các bệnh rối loạn chuyển hóa đường hay thừa cân, béo phì, lượng đường đơn tối đa nạp vào sẽ chiếm khoảng 10% tổng số năng lượng 1 ngày. Đối với người thừa cân, béo phì, tiểu đường lượng đường đơn sẽ dưới 5%.
Một người trưởng thành 1 ngày cần khoảng 2000 kcal, lượng đường đơn chiếm dưới 10% tương đương 200 kcal. Trong đó một lon nước ngọt 300ml sẽ chiếm khoảng 140-150 kcal. Vì thế, mỗi ngày nếu chỉ uống 1 lon nước ngọt 300ml thì gần như đã đủ nhu cầu lượng đường đơn trong ngày.
Tuy nhiên, một ngày cơ thể bạn có thể nạp đường đơn từ rất nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do đó, một lon nước ngọt được uống sẽ khiến lượng đường vượt quá ngưỡng cho phép. Để có thể kiểm soát được lượng đường đơn nạp vào cơ thể, bạn cần lưu ý về lượng đường nạp vào bằng cách đọc các nhãn dán sản phẩm nước ngọt và tiêu thụ chúng một cách lý.
Xem thêm: Uống nước có gas có giúp tiêu hóa tốt hơn? Câu trả lời của bác sĩ khiến ai cũng bất ngờ
4. Một số lưu ý cần nhớ khi uống nước ngọt
Nếu bạn đang có thói quen uống một lon nước ngọt mỗi ngày, bạn nên từ bỏ thói quen này. Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
- Không uống quá nhiều nước ngọt trong thời gian ngắn.
- Những người mắc bệnh tiểu đường tim mạch, huyết áp... không nên uống nước ngọt.
- Không uống nước ngọt thay thế cho nước lọc.
- Không uống nước ngọt trước hoặc sau khi ăn. Không uống nước ngọt trong lúc đói và không uống vào ban đêm để tránh gây hại cho sức khỏe.
Nước ngọt vốn là một loại nước giải khát được ưa chuộng tại Việt Nam. Những ngày Tết cận kề thì lại càng không thể thiếu nước ngọt. Tuy nhiên, nếu được hãy cố gắng thay đổi thói quen uống nước ngọt bằng các loại thức uống lành mạnh khác sẽ giúp bạn có thể phòng tránh nguy cơ mắc phải rất nhiều bệnh tật, cũng như nâng cao được sức khỏe bản thân.