Chỉ rõ 7 tác hại của trà sữa – ghiền tới mấy cũng phải đề phòng

(VOH) – Cùng với trà chanh, cà phê hay trà xanh,… trà sữa cũng là một thức uống thường được dùng để ‘chiêu đãi’ nhau. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách, tác hại của trà sữa với sức khỏe rất khó lường.

Trà sữa vốn đã xuất hiện ở Việt Nam từ những thập niên 2000, song cho tới một vài năm trở lại đây, cùng với sự biến tấu hương vị độc đáo và mới lạ, thức uống này ngày càng được nhiều người yêu thích, trong đó phần lớn phải kể đến giới trẻ. Thế nhưng dù thuộc nhóm thức uống “vạn người mê”, tác hại của trà sữa vẫn luôn “rình rập” nếu chúng ta quá lạm dụng, tiêu thụ liều lượng lớn và thiếu khoa học.

1. Tác hại của trà sữa cần phòng tránh

Thành phần tạo nên một ly trà sữa khá đa dạng, song chủ yếu gồm các phần chính: trà (trà xanh, trà đen hoặc trà ô long), sữa tươi, trân châu và đường. Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng bạn chỉ nên uống tối đa 150 - 200ml trà sữa mỗi lần, trong tuần dùng từ 1 – 2 lần là tốt nhất.

Thưởng thức trà sữa với liều lượng và tần suất hợp lý như vậy sẽ góp phần không nhỏ giúp bạn phòng tránh các tác hại của trà sữa dưới đây:

1.1 Gây tăng cân

Uống trà sữa có mập không dường như là điều khiến hội “nghiện trà sữa” lo lắng nhất. Dựa trên các phân tích thành phần của thức uống, một ly trà sữa khoảng 500ml sẽ cung ứng tới hơn 350 calo. Do đó, khi bạn “vui miệng” và uống nhiều hơn 2 ly trà sữa mỗi lần thì tác hại của trà sữa gây tăng cân, béo phì hoàn toàn có thể xảy ra.

chi-ro-7-tac-hai-cua-tra-sua-ghien-toi-may-cung-phai-de-phong-voh-0
Uống trà sữa và không kiểm soát liều lượng sẽ khiến bạn tăng cân "chóng mặt" (Nguồn: Internet)

1.2 Khó kiểm soát đường huyết

Trà sữa không phải là đồ uống lành mạnh dành cho người bệnh tiểu đường, bởi nếu như bạn tập trung cắt giảm lượng thực phẩm giàu tinh bột nhưng lại tiếp nạp thêm trà sữa thì vẫn có thể làm tăng nồng độ đường huyết.

Xem thêm: Gợi ý về chế độ ăn và thực đơn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường

1.3 Tác hại của trà sữa gây mất ngủ

Vốn được sáng tạo nên từ hai thành phần “chủ chốt” gồm trà và sữa nên chuyên gia sức khỏe cũng cảnh báo về tác hại của trà sữa dễ gây mất ngủ. Điều này là vì hầu hết các loại trà đều chứa một lượng chất caffein – tác nhân kích thích thần kinh, tạo cảm giác hưng phấn và tỉnh táo, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.

1.4 Giảm lượng hormone sinh sản

Tiêu thụ quá nhiều trà sữa trong một thời gian ngắn sẽ đẩy bạn rơi vào trạng thái thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho quá trình điều tiết hormone sinh sản (nhất là ở nam giới), điển hình như vitamin B1 hay A11. Khi tình trạng này kéo dài và bạn không kịp thời bù đắp, nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý nam khoa như tinh trùng loãng, viêm tinh hoàn, rối loạn cương dương,…

1.5 Không tốt cho tim mạch

Một trong những tác hại của trà sữa mà bạn cần cẩn trọng đề phòng đó là tiềm ẩn nguy cơ bị rối loạn huyết áp. Lúc này, hiện tượng tim đập nhanh, hồi hộp sẽ xuất hiện do liên tục hấp thụ lượng lớn chất kích thích caffein từ trà.

Nếu không sớm khắc phục cũng như cân đối lại lượng trà sữa, mức huyết áp của bạn sẽ tăng giảm một cách khó kiểm soát, từ đó làm tăng tỉ lệ gặp phải các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

chi-ro-7-tac-hai-cua-tra-sua-ghien-toi-may-cung-phai-de-phong-voh-1
Tiếp nạp liên tục chất caffein từ trà sữa sẽ làm rối loạn nhịp tim (Nguồn: Internet)

1.6 Gây táo bón

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất theophylline được tìm thấy trong trà sữa để lại ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của hệ tiêu hóa. Theo đó, lượng lớn theophylline khi vào cơ thể sẽ hút nước ở đường ruột, làm khối phân trở nên rắn, dẫn tới chứng táo bón dài ngày.

Xem thêm: Áp dụng cách này, chứng táo bón sẽ tự ‘rời xa’ bạn ngay mà không cần phải ‘đuổi’

1.7 Ảnh hưởng tới gan

Trên thực tế tác hại của trà sữa tới tế bào gan xảy ra phần lớn do chúng ta dùng các loại trà sữa kém chất lượng, pha chế từ tinh trà thay vì sử dụng lá trà tự nhiên. Khi đó các chất hóa học như hương liệu, bột màu,…trong trà sữa sẽ tạo “gánh nặng” tới hoạt động bài tiết chất thải của gan và gây nóng trong người, nổi mụn nhọt.

2. Bà bầu uống trà sữa được không?

Các mẹ bầu có lẽ rất khó “kiềm lòng” trước thức uống ngòn ngọt, thơm thơm, lại có thêm trân châu hay các nguyên liệu đi kèm khác (topping) để “nhấm nháp” như trà sữa. Tuy vậy, cho đến nay, những khuyến cáo chuyên khoa thường nhắc nhở bà bầu không nên uống trà sữa trong gian đoạn mang thai.

Trong trà sữa có chứa cả caffein và axit tannic – những hoạt chất từ lá trà mà cơ thể mẹ bầu rất khó hấp thu cũng như chuyển hóa hoàn toàn. Chưa hết, khi pha chế trà sữa, việc “thêm thắt” các thành phần phụ sẽ làm tăng nồng độ đường trong máu, kéo theo khả năng mắc tiểu đường thai kì.

Bà bầu uống trà sữa không được nhưng các mẹ hoàn toàn có thể tham khảo bổ sung những loại trà thảo mộc khác như trà hoa cúc, trà hoa nhài, trà gừng, trà chanh hay đơn giản là một ly nước ấm hòa thêm chút mật ong ngọt dịu.

Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng khi mang thai giúp mẹ khỏe, con phát triển tốt

3. Uống trà sữa bị say cần làm gì?

Uống trà sữa bị say là hiện tượng không hiếm gặp, đặc biệt nếu chúng ta sử dụng loại trà này khi bụng còn đói. Cảm giác lâng lâng, chóng mặt, nôn nao và muốn nôn ói có thể do cơ thể phải tiếp nạp lượng lớn chất kích thích từ trà hoặc do đường huyết đột ngột tăng cao, lượng insulin được tiết ra liên tục với lượng lớn.

chi-ro-7-tac-hai-cua-tra-sua-ghien-toi-may-cung-phai-de-phong-voh-2
Uống trà sữa bị say bạn nên tạm dừng và thay bằng một ly trà gừng nóng (Nguồn: Internet)

Để cải thiện tình trạng khó chịu này, bạn hãy áp dụng một số phương pháp đơn giản sau:

  • Tạm dừng uống trà sữa để theo dõi diễn biến sức khỏe.
  • Nằm nghỉ ngơi, xoa ấm lòng bàn tay, bàn chân và vùng thái dương.  
  • Uống thêm nước ấm, trà gừng hoặc nước chanh nóng.

4. Một số lưu ý cần biết để uống trà sữa đúng cách

Bên cạnh việc điều chỉnh liều lượng trà sữa đúng mức an toàn, bạn cũng nên chú ý thực hiện một số lời khuyên quan trọng này:

4.1 Sử dụng sữa tươi

Khi tự pha chế trà sữa hay tìm mua từ các cửa hàng bên ngoài, lời khuyên là bạn nên chọn thêm sữa tươi vào trà, vì lượng khoáng chất trong loại sữa này sẽ cao hơn so với sữa đặc hoặc kem béo, đồng thời không chứa nhiều dầu thực vật đã bị hydro hóa.

Xem thêm: Nên uống sữa khi nào? Những điều cần lưu ý khi uống sữa

4.2 Hạn chế thêm đường

Hòa thêm đường cát trắng hoặc bất cứ chất tạo ngọt nào khác vào trà sữa không phải là ý kiến hay khi pha chế trà sữa. Bạn hãy “tận hưởng” vị ngọt tự nhiên từ sữa tươi cùng hương thơm dịu của trà.  

4.3 Giảm lượng trân châu

chi-ro-7-tac-hai-cua-tra-sua-ghien-toi-may-cung-phai-de-phong-voh-3
Hạn chế thêm quá nhiều trân châu vào trà sữa (Nguồn: Internet)

Trân châu thường được làm từ tinh bột lọc, tinh bột sắn, đường cùng một số hương liệu tổng hợp nên một viên nhỏ cũng chứa mức năng lượng khoảng 14 calo. Vì thế, để uống trà sữa không tăng cân hay mắc tác dụng phụ, giảm lượng trân châu là điều nên làm.

Xem thêm: Cách uống trà sữa ‘healthy’ cho hội chị em ‘hảo ngọt’ nhưng sợ tăng cân

4.4 Tránh uống trà sữa vào buổi tối

Để không làm gián đoạn giấc ngủ, hãy nhớ đừng uống trà sữa vào buổi tối. Ngoài ra nếu bạn là người không quen uống trà thì cũng tránh dùng trà sữa vào khoảng thời gian sau 2 giờ chiều.

4.5 Không nên cho trẻ nhỏ uống trà sữa 

Các cơ quan trong cơ thể trẻ nhỏ thường chưa hoàn thiện và gặp khó khăn khi đào thải các chất dư thừa ra ngoài. Do vậy, tốt nhất cha mẹ không nên cho trẻ uống trà sữa (nhất là khi con chưa đủ 6 tuổi) nhằm bảo vệ con khỏi các bệnh lý nghiêm trọng.

Có thể nói rằng trà sữa vẫn đang là thức uống “thịnh hành” trong văn hóa ẩm thực của đời sống hiện đại. Song để đảm bảo an toàn sức khỏe, đồng thời chủ động phòng tránh tác hại của trà sữa thì dù ghiền tới mấy, bạn cũng đừng quên “nhắc nhở” bản thân tiêu thụ lượng hợp lý và đúng cách.