Sữa đã được sử dụng trên khắp thế giới cách đây hàng nghìn năm. Các loại được tiêu thụ phổ biến nhất là sữa bò, cừu và dê.
Sữa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, cũng như vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần. Nhưng cần chú ý sử dụng sữa đúng cách để mang lại tác dụng tốt nhất cho cơ thể.
1. Nên uống sữa khi nào?
Uống sữa đúng thời điểm rất quan trọng trong việc giúp bạn hấp thu được hết chất dinh dưỡng có trong sữa. Uống sai thời điểm không những khiến cơ thể kém hấp thu mà các chất dinh dưỡng còn có thể phản tác dụng.
1.1 Nên uống sữa vào buổi tối
Có rất nhiều thành phần trong sữa giúp bạn ngủ ngon. Bởi vậy, thời điểm uống sữa tốt nhất là vào ban đêm, khi cơ thể bạn cần thư giãn. Một cốc sữa ấm khoảng nửa giờ trước khi ngủ là lựa chọn tốt nhất cho bạn.
Tryptophan - một axit amin có trong sữa, có khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nó giúp cơ thể tạo ra serotonin và melatonin, hai chất dẫn truyền thần kinh giúp cơ thể quản lý chu kỳ ngủ và thức. Thêm vào đó, canxi trong sữa cũng giúp tăng mức serotonin.
Ngoài ra, bổ sung magie - một chất có nhiều trong sữa, sẽ ngăn ngừa chuột rút cơ và khiến bạn có một giấc ngủ ngon hơn.
Nên uống sữa trước khi đi ngủ nửa tiếng (Nguồn: Internet)
1.2 Không nên uống sữa vào buổi sáng
Buổi sáng không phải là thời điểm lý tưởng để uống sữa. Rất nhiều người bắt đầu ngày mới bằng một cốc sữa, vì nó khá nhanh gọn và tiện lợi. Nhưng trên thực tế, buổi sáng khi dạ dày còn đang rỗng, dịch tiêu hóa khá ít, một cốc sữa với một lượng lớn protein, chất béo, sẽ làm cho hệ tiêu hóa quá tải, khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu.
Nếu vẫn muốn uống sữa vào buổi sáng, rau củ hoặc cháo yến mạch kết hợp một chút sữa sẽ là lựa chọn hợp lí hơn việc chỉ uống một cốc sữa lớn.
1.3 Không nên uống sữa lúc đói
Cũng tương tự như việc uống sữa buổi sáng, tình trạng dạ dày rỗng và ít dịch tiêu hóa lúc đói, khiến việc tiêu hóa sữa khó khăn, đặc biệt với những người có vấn đề về dạ dày.
Với người có dạ dày khỏe mạnh, có thể uống sữa lúc đói, nhưng tốt nhất nên kèm với một ít đồ ăn nhẹ như bánh mì hoặc pudding, để kích thích dạ dày co bóp và tạo ra nhiều dịch tiêu hóa hơn.
Xem thêm: Mẹo giúp bạn có được giấc ngủ ngon, không lo ngáy ngủ
2. Những tác dụng của sữa đối với sức khỏe
2.1 Hỗ trợ sức khỏe xương
Canxi và vitamin D là hai chất dinh dưỡng giúp cho xương và răng chắc khỏe, cần thiết cho vận động cơ bắp và các tín hiệu thần kinh. Các cơ quan y tế khuyến cáo nên bổ sung đủ canxi để giúp ngăn ngừa gãy xương và loãng xương.
Sữa chứa cả hai chất này với hàm lượng khá lớn. Bởi vậy nên uống sữa mỗi ngày để hỗ trợ sức khỏe xương.
2.2 Giảm nguy cơ các bệnh tim mạch
Sữa là nguồn cung cấp kali, giúp giãn mạch máu, giảm lượng natri. Từ đó làm hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Tuy nhiên, sữa cũng chứa một lượng chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy các bệnh nhân tim mạch hoặc có nguy cơ tim mạch nên lựa chọn sữa tách béo.
2.3 Chống ung thư
Sữa chứa canxi và vitamin D, hai chất dinh dưỡng hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh ung thư.
Canxi bảo vệ niêm mạc ruột để giảm nguy cơ ung thư kết tràng hoặc ung thư trực tràng.
Trong khi đó, vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tăng trưởng tế bào, giúp bảo vệ chống lại ung thư kết tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
2.4 Cung cấp lượng lớn protein
Sữa là một thực phẩm giàu protein chất lượng cao, chứa tất cả các axit amin thiết yếu. Protein là thành phần cấu tạo cơ bản của các cơ quan, cơ, da, các enzyme, các hormone. Bổ sung đầy đủ protein là hết sức quan trọng.
2.5 Tăng cường vitamin và khoáng chất
Sữa cung cấp rất nhiều các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như vitamin A, B2, B6, B12, magie, kali và Selenium,...
Cần lưu ý, việc tiếp xúc với ánh sáng, phá hủy một số vitamin, đặc biệt là vitamin A và vitamin B2. Vì vậy không nên bảo quản sữa trong các chai lọ trong suốt.
Sữa cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất (Nguồn: Internet)
3. Uống sữa có béo không?
Thêm sữa, đặc biệt là sữa nguyên chất vào chế độ ăn uống của bạn có thể ngăn ngừa tăng cân. Vì sữa chứa nhiều thành phần giúp giảm cân và ngăn ngừa tăng cân như:
- Protein: cải thiện sự trao đổi chất và tăng cảm giác no sau bữa ăn, dẫn đến lượng calo nạp vào hàng ngày thấp hơn.
- Axit linoleic liên hợp: thúc đẩy sự phân hủy chất béo và ức chế sản xuất chất béo.
- Canxi: thúc đẩy quá trình phân hủy chất béo và ức chế sự hấp thụ chất béo trong cơ thể.
Xem thêm: Khi bụng đói bạn tuyệt đối không làm những điều sau đây để tránh tổn thương dạ dày
4. Uống sữa nhiều có tốt không?
Mặc dù sữa rất bổ dưỡng và còn góp phần giảm cân, nhưng nó cần được tiêu thụ một cách điều độ. Uống 3 cốc sữa một ngày (khoảng 700-800ml) là lượng sữa được khuyên dùng. Số lượng sữa này sẽ cung cấp đủ nhu cầu canxi, cũng như đảm bảo năng lượng mà bạn nạp vào cơ thể.
Không nên tiêu thụ quá 3 cốc sữa một ngày. Quá nhiều chất dinh dưỡng trong sữa sẽ làm cơ thể quá tải. Hơn thế nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, điều này sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương và các bệnh lý tim mạch.
5. Giá trị dinh dưỡng của sữa
Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin, khoáng chất, protein, chất béo lành mạnh và chất chống oxy hóa.
Giá trị dinh dưỡng trong một cốc (244 gam) sữa bò nguyên chất | |
Thành phần | Hàm lượng |
Năng lượng | 146calo |
Protein | 8 gam |
Chất béo | 8 gam |
Canxi | 28% RDA |
Vitamin D | 24% RDA |
Vitamin B2 | 26% RDA |
Vitamin B12 | 18% RDA |
Kali | 10% RDA |
Phốt pho | 22% RDA |
Selenium | 13% RDA |
Trên đây là giá trị dinh dưỡng của sữa bò, loại sữa được sử dụng phổ biến nhất hiện tại. Thành phần và hàm lượng sẽ khác đối với sữa dê hay sữa cừu.
Kết luận
Sữa là một loại đồ uống giàu chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của bạn. Uống sữa có thể ngăn ngừa loãng xương và gãy xương và thậm chí giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý. Việc tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa đã được chứng minh là cần thiết mỗi ngày.