9 tác dụng của rau cải ngồng cùng cách chế biến đơn giản

(VOH) – Rau cải ngồng là thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn gia đình. Ngoài việc tạo ra hương vị thơm ngon, dễ chế biến, rau cải ngồng còn mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Các loại rau cải nói chung cũng như rau cải ngồng đều là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe. Chúng được giới nội trợ khá ưa chuộng vì dễ nấu và dễ ăn. Đặc biệt, rau cải ngồng còn có thể giúp nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

1. Cải ngồng là gì?

Cải ngồng là một loại rau ăn lá, thuộc chi Brassica, họ Thập tự, là một họ thực vật có hoa. Cải ngồng thường được trồng nhiều ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, loại rau này trồng chủ yếu ở Lạng Sơn và những vùng có khí hậu tương đối lạnh.

tac-dung-cua-cai-ngong-voh-0
Cải ngồng là loại rau cải phổ biến trong các bữa cơm gia đình (Nguồn: Internet)

Rau cải ngồng là thực vật thân thảo, lá xanh có thân dài từ 15 – 20cm với lá hình bầu dục to và dày, bề mặt nhẵn. Hoa cải ngồng thường có màu vàng. Thân cây to, nhẵn, có màu xanh lục nhạt, mùi khá giống với mù tạt xanh nhưng có vị ngọt hơn xen lẫn đắng nhẹ.

Cải ngồng được trồng để phục vụ cho nhu cầu ăn uống hàng ngày. Chúng thường được so sánh với rau cải thìa về bề ngoài và hương vị, tuy nhiên, cả 2 loại rau cải này đều có những ưu điểm và lợi ích sức khỏe khác nhau.

2. Ăn cải ngồng có tác dụng gì tốt cho sức khỏe?

Rau cải ngồng là loại rau chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe con người. Khi ăn cải ngồng sẽ bao gồm cả phần thân non và hoa, bởi hầu như tất cả các chất dinh dưỡng trong cây đều được huy động để nuôi hoa.

Trong cải ngồng giàu các khoáng chất như vitamin A, C, vitamin nhóm B, chất chống oxy hóa, canxi, magie, chất xơ.... Chính vì thế, khi tiêu thụ cải ngồng bạn sẽ nhận được rất nhiều các lợi ích sức khỏe như:

2.1 Tăng cường hệ miễn dịch

Cải ngồng là một trong những thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin C là chất giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch để chống lại một số bệnh cảm thông thường.

Ngoài ra, cải ngồng cũng là nguồn cung cấp vitamin B6 dồi dào cho cơ thể giúp duy trì hệ thống miễn dịch và tăng cường sức đề kháng.

2.2 Duy trì sức khỏe đôi mắt

Một trong những tác dụng của rau cải ngồng là có thể tăng cường sức khỏe của đôi mắt. Nhờ có hàm lượng vitamin A phong phú nên ăn cải ngồng có thể giúp bạn phòng ngừa các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng hay tăng nhãn áp, quáng gà...

2.3 Cải thiện hệ tiêu hóa

Cải thiện hệ tiêu hóa là một công dụng của cải ngồng khi được tiêu thụ thường xuyên. Rau cải ngồng chứa nhiều chất xơ nên có thể giúp cải thiện quá trình tiêu hóa trong cơ thể, cũng như khắc phục một số vấn đề như đầy hơi khó tiêu, chướng bụng, táo bón...

2.4 Giảm cân

Ăn cải ngồng có thể giúp bạn cảm thấy nhanh no và giảm bớt cảm giác thèm ăn đồ ngọt, điều này rất tốt cho những ai đang trong quá trình thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm cân.

Xem thêm: Chế độ ăn Eat Clean là gì? Nguyên tắc và cách xây dựng thực đơn giúp giảm cân hiệu quả

2.5 Ngừa nguy cơ loãng xương

Thường xuyên bổ sung cải ngồng có thể giúp bạn phòng ngừa loãng xương, bởi rau cải ngồng chứa hàm lượng canxi cao rất có lợi cho việc tăng cường sức khỏe xương và răng.

tac-dung-cua-cai-ngong-voh-1
Ăn cải ngồng có thể ngăn ngừa nguy cơ bị loãng xương (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, hàm lượng vitamin K trong rau cải ngồng cũng có tác dụng trong việc tăng khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, giúp xương chắc khỏe và tăng cường mật độ xương.

2.6 Phòng ngừa bệnh tim mạch

Rau cải ngồng nằm trong danh sách những thực phẩm không chứa cholesterol, nên ăn cải ngồng sẽ có lợi cho những người đang bị bệnh cao huyết áp và có nguy cơ cao về các vấn đề tim mạch.

2.7 Ngăn ngừa thiếu máu

Một tác dụng khác của rau cải ngồng là chúng có thể điều chỉnh huyết áp hiệu quả nhờ có nguồn kali dồi dào.

Hơn thế, hàm lượng chất sắt trong cải ngồng là một yếu tố quan trọng trong việc sản xuất tế bào hồng cầu trong cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

2.8 Tốt cho người bị hen suyễn

Một số nghiên cứu ghi nhận, những người có mức folate huyết tương thấp có thể gặp phải chứng khò khè cao hơn những người có mức folate huyết tương cao. Cải ngồng là thực phẩm chứa hàm lượng folate cao, vì thế ăn cải ngồng có thể có lợi cho người bị bệnh hen suyễn.

Xem thêm: Hen suyễn và những điều cần biết trước khi bệnh trầm trọng hơn

2.9 Tốt cho da

Hàm lượng vitamin C cao trong cải ngồng rất hữu ích trong việc cải thiện làn da. Vitamin C có thể giúp thúc đẩy sản xuất collagen để giữ cho da luôn được đàn hồi và tươi trẻ, hạn chế nếp nhăn cũng như các tổn thương trên da.

Ngoài ra, ăn rau cải ngồng cũng là cách giúp làm tăng lượng nước trong cơ thể nhằm nuôi dưỡng độ ẩm cho làn da.

3. Bà bầu ăn cải ngồng được không?

Trong giai đoạn thai kỳ, các thai phụ cần phải đa dạng thực phẩm để cung cấp đủ đầy dưỡng chất cho cơ thể. Các loại rau cải phần lớn đều có lợi cho sức khỏe mẹ bầu, trong đó có cải ngồng.

tac-dung-cua-cai-ngong-voh-2
Cải ngồng là thực phẩm tốt cho sức khỏe thai kỳ (Nguồn: Internet)

Cải ngồng có tính ấm, chứa nhiều vitamin, khoáng chất nên có thể giúp mẹ bầu cải thiện hệ tiêu hóa, giúp sáng mắt, bảo vệ tim mạch,... Ngoài ra, bà bầu ăn cải ngồng cũng sẽ giúp duy trì tuổi thanh xuân của mình.

Tuy nhiên, cần lưu ý nếu mẹ bầu đang bị đau dạ dày hoặc có hội chứng trào ngược dạ dày thì tốt nhất không nên ăn cải ngồng, bởi chúng có thể khiến mẹ bị khó chịu.

4. Cải ngồng làm món gì ngon?

Mùa đông chính là mùa “lên ngôi” của cải ngồng. Loại cải này ngon nhất là khi được chế biến thành các món xào. Bên cạnh đó, các món luộc hoặc nấu canh cũng cho ra hương vị thơm ngon khó cưỡng.

4.1 Cải ngồng xào tỏi

Nguyên liệu

  • Cải ngồng: 300g
  • Tỏi: 1 củ
  • Dầu ăn
  • Gia vị thông dụng

Cách làm cải ngồng xào tỏi

  • Cải ngồng mua về đem ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi mang đi rửa sạch với nước, để ráo.
  • Tỏi bóc vỏ, đập dập rồi băm nhỏ.
  • Bắc chảo lên bếp, dầu ăn vào, dầu sôi thì cho ½ lượng tỏi băm vào bếp phi vàng, Sau đó, cho cải ngồng và phần tỏi còn lại vào cùng ½ muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê hạt nêm (hoặc nêm theo khẩu vị), xào với lửa lớn khoảng 5 phút cho đến khi hết nước và cải săn lại thì tắt bếp.
  • Cho món ăn ra đĩa, thêm hành ngò trang trí là có thể thưởng thức.

4.2 Cải ngồng nấu canh

tac-dung-cua-cai-ngong-voh-3
Cải ngồng nấu canh cho ra hương vị thanh mát (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cải ngồng: 400g
  • Thịt heo xay: 200g
  • Hành tím: 1 củ
  • Dầu ăn, nước mắm
  • Gia vị thông dụng

Cách nấu canh cải ngồng

  • Cải ngồng mua về cắt bỏ gốc, cho vào nước muối loãng ngâm 10 phút rồi rửa sạch với nước và để ráo. Cắt khúc vừa ăn.
  • Hành tím bóc vỏ, rửa sạch rồi cắt lát mỏng.
  • Thịt bằm cho vào tô cùng 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm (hoặc nêm theo khẩu vị), trộn đều để thịt xay thấm gia vị, ướp trong 15 phút.
  • Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào, dầu nóng cho hành tím cắt lát vào đảo đều đến khi hành chuyển sang màu vàng nâu và thơm thì cho thịt xay vào xào săn.
  • Khi thịt gần chín thì cho vào khoảng 400ml nước và nấu nôi. Nước sôi, cho rau vào, nêm thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm và ½ muỗng cà phê đường (hoặc nêm theo khẩu vị), đun thêm khoảng 3 phút cho canh sôi là có thể tắt bếp.
  • Múc canh ra tô, thêm hành ngò và ăn cùng cơm nóng.

4.3 Cải ngồng luộc

Nguyên liệu

  • Cải ngồng:1  bó
  • Gừng: 1 củ
  • Nước vo gạo
  • Muối hạt

Cách chế biến cải ngồng luộc

  • Cải ngồng mua về bạn cắt bỏ gốc tách riêng từng lá, lấy luôn cả thân cải. Sau đó, cho vào ngâm với nước vo gạo trong khoảng 5-10 phút thì xả lại với nước sạch rồi cắt thành khúc vừa ăn.
  • Gừng cạo sạch vỏ và đập dập.
  • Bắc một nồi nước khoảng 1 lít nước lên bếp, cho gừng vào, thêm 1 ít muối hạt và đun sôi.
  • Nước sôi, cho cải ngồng vào luộc. Cho phần thân cải vào trước, sau khoảng 3 phút thì cho tiếp phần lá cải vào. Luộc cải với lửa lớn để giữ được độ xanh, giòn và ngọt. Luộc thêm khoảng 2 phút thì tắt bếp, cho ra đĩa và thưởng thức cùng nước tương hoặc nước mắm.

4.4 Cải ngồng xào thịt bò

Nguyên liệu

  • Thịt bò: 200g
  • Cải ngồng: 200g
  • Dầu ăn
  • Gia vị thông dụng

Cách làm cải ngồng xào thịt bò

  • Cải ngồng mua về cắt bỏ gốc, ngâm trong nước muối loãng 10 phút rồi rửa sạch lại với nước, cắt khúc vừa ăn.
  • Thịt bò chà sát với ít muối, sau đó rửa sạch, để ráo rồi cắt lát mỏng.
  • Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, dầu nóng cho thịt bò vào xào khoảng 2 phút cho thịt tái thì múc ra tô.
  • Sử dụng lại chảo, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn cùng cải ngồng, xào nhanh tay trong khoảng 1 phút thì cho ¼ chén nước lọc vào, xào tiếp khoảng 5 phút cho rau mềm, chín.
  • Tiếp tục cho thịt bò vào chảo, nêm với 2 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê bọt ngọt (hoặc nêm theo khẩu vị), xào trong 3 phút để gia vị thấm đều vào là có thể tắt bếp.
  • Cho món cải ngồng xào thịt bò ra đĩa, thêm ít tiêu xay là hoàn thành.

5. Ăn nhiều cải ngồng có tốt không?

Những tác dụng của cải ngồng là vô cùng hữu ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn có thể lạm dụng loại rau này. Ăn nhiều cải ngồng có thể gây chướng bụng, khó tiêu...

tac-dung-cua-cai-ngong-voh-4
Không ăn quá nhiều cải ngồng dù đây có là thực phẩm bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, những người bị bệnh thận cũng cần hạn chế ăn rau cải ngồng vì có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

6. Cách chọn mua và bảo quản cải ngồng

Cải ngồng rất phổ biến và thông dụng, bạn có thể mua được chúng ở các cửa hàng rau củ hoặc trong siêu thị. Tuy nhiên, khi mua cải ngồng bạn cần lưu ý:

  • Nên mua rau cải từ những thương hiệu uy tín, có cách trồng an toàn. Tránh mua ở những nơi kém chất lượng hoặc rau củ đã để lâu.
  • Rau cải ngồng có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng không nên để quá 5 ngày.
  • Trước khi chế biến rau cải ngồng bạn nên rửa sạch thật kỹ dưới vòi nước để loại bỏ bụi, bẩn và sâu bệnh.

7. Hàm lượng dinh dưỡng của cải ngồng

Như đã nói, cải ngồng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Theo các nghiên cứu, trong 100g cải ngồng người ta ghi nhận được các thành phần dinh dưỡng với hàm lượng như sau:

  • Năng lượng: 16Kcal
  • Protein: 1.4g
  • Chất xơ: 1.8g
  • Canxi: 50mg
  • Sắt: 0.7mg
  • Magie: 25.3mg
  • Kali: 200mg
  • Vitamin C: 26mg
  • Vitamin B1: 0.09mg
  • Vitamin B2: 0.07mg
  • Vitamin PP: 0.4mg
  • Vitamin K: 35.8mcg
  • Folat: 66mcg
  • Beta-carotene: 2.681mcg

Như vậy, rau cải ngồng không chỉ có hương vị thơm ngon, dễ chế biến món ăn mà chúng còn “sở hữu” rất nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể. Thường xuyên thêm cải ngồng vào các bữa ăn hàng ngày sẽ là cách giúp bạn nâng cao sức khỏe.