Tiêu điểm: Nhân Humanity

9 tác dụng của đậu đũa, đây là lý do bạn nên ăn thực phẩm này

(VOH) - Đậu đũa là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe cũng như giúp làm đẹp da. Nhưng liệu bạn đã hiểu rõ tác dụng của đậu đũa chưa ?

Đậu đũa vốn là thực phẩm phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt. Đồng thời thực phẩm này còn cung cấp thêm rất nhiều các dưỡng chất cho cơ thể.

1. Đậu đũa là đậu gì?

Đậu đũa (Vigna unguiculata subsp. sesquipedalis) hay đậu dải áo, là một loài thực vật thuộc họ Đậu, có nguồn gốc từ Nam Á, hiện được trồng rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á và nam Trung Quốc. 

Đậu đũa là cây dây leo hàng năm, thường được trồng để lấy quả làm thực phẩm. Quả đậu đũa xanh dài 35-75 cm, thường được chế biến tương tự như đậu cô ve.

tac-dung-cua-dau-dua-voh-0
Đậu đũa rất phổ biến trong chế biến ẩm thực (Nguồn: Internet)

Ở nước ta hiện nay có 2 giống đậu đũa phổ biến là đậu đũa lùn và đậu đũa leo. Đậu đũa lùn có chiều cao 50 – 70cm, quả ngắn 30-35 cm, thịt quả chắc, thời gian sinh trưởng ngắn (70-75 ngày), năng suất thấp. Đậu đũa leo dài 40-70cm, cho ra quả quanh năm, màu quả thay đổi từ xanh nhạt (giống hạt trắng) đến xanh rất đậm (giống hạt đen).

2. Tác dụng của đậu đũa đối với sức khỏe

Đậu đũa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng với đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn... nên đậu đũa mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.

Dưới đây là một số tác dụng của đậu đũa khi được tiêu thụ đúng mức, an toàn:

2.1. Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Ăn đậu đũa có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch. Đậu đũa là một nguồn cung cấp folate tự nhiên tốt cho cơ thể. Folate giúp giảm lượng homocysteine trong máu, từ đó giảm tổn thương lên lớp nội mạc của động mạch, phòng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, đột quỵ, thuyên tắc phổi hoặc nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, đậu đũa cũng chứa nhiều thành phần kali cần thiết giúp trung hòa với lượng natri trong cơ thể để giữ cho huyết áp luôn ở mức ổn định.

2.2 Phòng ngừa bệnh loãng xương

Một trong những tác dụng của đậu đũa giúp phòng ngừa các bệnh loãng xương. Nhờ có thành phần mangan và canxi nên ăn đậu đũa sẽ góp phần vào việc củng cố xương chắc khỏe, ngăn ngừa ung thư xương.

2.3 Tăng khả năng miễn dịch

Trong đậu đũa có chứa chất thiamine rất cần thiết trong quá trình chuyển hóa carbohydrate từ thực phẩm thành các loại dưỡng chất cần thiết, từ đó tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể và phòng ngừa tình trạng rối loạn trao đổi chất trong cơ thể kèm theo các hiện tượng như khó tiêu, giảm sút tiết dịch vị, tê phù…

Thông thường, đậu đũa luộc chín sẽ chứa nhiều chất này hơn đậu đũa tươi. Vì vậy, bạn có thể bổ sung thiamine bằng cách luộc chín đậu đũa để ăn.

Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn

2.4 Cải thiện giấc ngủ

Thiếu hụt magie là một trong những nguyên nhân gây ra các rối loạn giấc ngủ như ngủ không sâu, lo lắng và bồn chồn. Do đó, chỉ cần cơ thể được cung cấp đủ lượng magie sẽ giúp bạn giảm lo âu, tinh thần thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Đậu đũa chứa nhiều magie, vì thế ăn đậu đũa có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ.

2.5 Giúp giảm cân

Một tác dụng khác của đậu đũa là giúp hỗ trợ quá trình giảm cân. Trong 100g đậu đũa, chất béo chiếm 0.4 g, trong đó, chất xơ chiếm gấp 5 lần. Chất xơ có thể làm tăng cảm giác no lâu, từ đó sẽ giúp hạn chế sự thèm ăn.

tac-dung-cua-dau-dua-voh-1
Đậu đũa giàu chất xơ nên có thể hỗ trợ quá trình giảm cân (Nguồn: Internet)

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không tìm thấy chất béo và cholesterol trong thành phần dinh dưỡng của đậu đũa nấu chín. Chính vì điều này, đậu đũa trở thành món ăn lý tưởng cho những người muốn giảm béo hoặc người có các bệnh liên quan đến béo phì. 

Đặc biệt, nhiều người còn thắc mắc đậu đũa bao nhiêu calo? Thực tế, đậu đũa không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà hàm lượng calo cũng thấp. Trong 100g đậu đũa chỉ chứa khoảng 47.1 kcal,nên chúng mới được xem là thực phẩm tốt cho người giảm cân.

2.6 Cải thiện thị lực 

Đậu đũa chứa nhiều thiamine có thể giúp chống lại các vấn đề về thị lực như chứng đục thủy tinh thể hay tăng nhãn áp. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin B1vitamin B2 có trong đậu đũa cũng có tác dụng cải thiện thị lực và giúp làm sáng mắt.

2.7 Tốt cho hệ tiêu hóa

Một trong những công dụng của đậu đũa là giúp cung cấp protein cũng như chất xơ tốt cho cơ thể. Chất xơ có tác dụng cải thiện các hoạt động của hệ tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc đại tràng bằng cách giảm thời gian tiếp xúc với các chất độc hại như liên kết với gây ung thư ruột non hoặc ruột già.

2.8 Ngăn ngừa ung thư

Sự thiếu hụt folate làm tăng khả năng ung thư vú, ruột, cổ tử cung, phổi và não. Để khắc phục vấn đề này, bạn có thể sử dụng đậu đũa trong bữa ăn hàng ngày. Nhờ vào các chất chống oxy hóa có trong đậu đũa như vitamin C, mangan và vitamin B2 sẽ phá hủy các gốc tự do, ức chế khả năng phát triển của các tế bào ung thư. Một vài nghiên cứu còn chỉ ra rằng, những người ăn 900 microgam folate mỗi ngày, khả năng mắc ung thư đại trực tràng đã giảm 30%. 

2.9 Ngăn ngừa lão hóa

Không chỉ tốt cho sức khỏe, tác dụng của đậu đũa còn được ghi nhận ở phương diện ngăn chặn quá trình lão hóa.

Nhờ có hàm lượng vitamin C cao nên đậu đũa có thể làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn, đồng thời làm giảm khô da và làm chậm quá trình lão hóa. Vitamin C không chỉ có ích cho da mà còn giúp các dây chằng, gân và mạch máu chắc khỏe hơn, giúp chữa lành vết thương nhanh và hạn chế sẹo thâm. 

Xem thêm: Ngoài cam, chanh, bạn có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng các thực phẩm này

3. Bà bầu ăn đậu đũa có được không?

Các dị tật bẩm sinh như dị tật chân tay và tim là kết quả của việc thiếu axit folic. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên lựa chọn đậu đũa trong giai đoạn mang thai bởi đây là thực phẩm giàu axit folic.

Bổ sung đủ axit folic sẽ giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh như bệnh não và tật nứt đốt sống ở trẻ. Ngoài ra, folic acid cũng rất quan trọng cho sự sao chép DNA và sự phát triển thích hợp của các tế bào thai nhi, từ đó giúp thai kỳ khỏe mạnh. 

tac-dung-cua-dau-dua-voh-2
Mẹ bầu có thể thêm đậu đũa và chế độ ăn trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

Không những vậy, đậu đũa cũng là nguồn cung cấp một số vitamin nhóm B như thiamin, axit pantothenic, pyridoxine, riboflavin và niacin... thường hoạt động trong chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo tốt cho thai kỳ của mẹ.

Một số lợi ích khác khi bà bầu tiêu thụ đậu đũa có thể kể đến như:

  • Ngăn ngừa táo bón
  • Ổn định lượng đường trong máu
  • Giảm cholesterol trong máu
  • Tốt cho xương
  • Cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể

Xem thêm: Những điều cần ghi nhớ khi bà bầu ăn đậu đũa

4. Một số món ngon từ đậu đũa

Đậu đũa vốn là thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn gia đình. Những món ngon từ đậu đũa cực kỳ bổ dưỡng giúp bữa ăn thêm phần đa dạng và phong phú, vì thế hãy thêm các món ăn sau để bữa ăn gia đình ngon miệng hơn:

  • Đậu đũa xào tỏi
  • Đậu đũa xào thịt bò
  • Đậu đũa muối chua
  • Đậu đũa xào thịt heo
  • Đậu đũa chiên giòn
  • Canh chua đậu đũa chay

Xem thêm: Học ngay những món ngon từ đậu đũa để giúp bữa ăn đình thêm ngon miệng, 'bắt cơm'

5. Ăn nhiều đậu đũa có tốt không?

Đậu đũa giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, cũng giống như những thực phẩm khác, đậu đũa nếu được tiêu thụ quá nhiều hoặc không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe.

tac-dung-cua-dau-dua-voh-3
Không ăn quá nhiều đậu đũa dù cho đây có là thực phẩm giàu dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Để đảm bảo tính an toàn khi sử dụng, bạn nên mua đậu đũa ở những nơi có nguồn gốc uy tín. Trước khi chế biến phải được rửa sạch, ngâm muối từ 15-30 phút, luộc sơ qua rồi đổ nước đi (đậu đũa luộc cũng không nên giữ lại nước luộc).

Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau đây:

  • Tuyệt đối không ăn đậu đũa sống. Trong đậu đũa sống chứa chất lectin, chất này có thể tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc với những biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, ngất... Tuy nhiên, khi được nấu chất lectin sẽ bị phân hủy, không gây nguy hại.
  • Người bị bệnh gout không nên ăn đậu đũa vì sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
  • Không ăn đậu đũa thường xuyên nếu bạn bị táo bón. Đậu đũa được nhắc đến là thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, nhưng nếu bạn quá nhiều sẽ làm dư thừa chất xơ trong cơ thể khiến bạn bị đầy hơi, khó tiêu và táo bón.
  • Đề phòng nhiễm hóa chất. Đậu đũa trong quá trình sinh trưởng thường được phun một số loại thuốc trừ sâu hoặc thuốc kích thích tăng trưởng. Do đó, nếu đậu đũa không được xử lý kỹ trước khi biến bạn có thể bị ngộ độc sau khi ăn.

6. Hàm lượng dinh dưỡng của đậu đũa

Đậu đũa là nguyên liệu quen thuộc trong các món ăn người Việt. Người dân thường cắt ngắn đậu đũa, sau đó luộc riêng hoặc xào chung với thịt bò, tôm khô...Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100g đậu đũa có chứa các thành phần sau:

  • Nước: 83.0 g
  • Năng lượng: 47.1 Kcal
  • Chất đạm: 6.0 g
  • Chất béo: 0.4 g
  • Chất đường bột: 7.9 g
  • Chất xơ: 2.0 g
  • Canxi: 47 mg
  • Sắt: 1.60 mg
  • Magie: 36 mg
  • Mangan: 0.210 mg
  • Photpho: 16 mg
  • Kali: 194 mg
  • Natri: 5 mg
  • Kẽm: 0.37 mg
  • Đồng: 48 μg
  • Selen: 1.5 μg
  • Vitamin C: 22 mg
  • Vitamin B1: 0.29 mg
  • Vitamin B2: 0.18 mg
  • Vitamin PP: 1.8 mg
  • Vitamin B5: 0.055 mg
  • Vitamin B6: 0.024 mg
  • Folate: 62 μg

Có thể nói, đậu đũa là thực phẩm lành tính, không gây dị ứng hay có những tác dụng phụ nguy hiểm nào. Tuy nhiên, để nhận được những tác dụng của đậu đũa cho sức khỏe bạn nên ăn đậu đũa trong giới hạn cho phép, kết hợp thêm nhiều thực phẩm khác để bữa ăn thêm đa dạng, giàu dưỡng chất.

Bình luận