Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Ăn cải thìa có tác dụng gì khi ăn hàng ngày?

(VOH) - Cải thìa vừa là loại thực phẩm bổ dưỡng, vừa có thể giúp cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, ăn cải thìa có tác dụng gì cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Rau cải thìa là một trong những loại rau phổ biến tại Việt Nam, được dùng để chế biến rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. Bên cạnh đó, nhờ có thành phần dinh dưỡng ấn tượng nên ăn cải thìa cũng là cách giúp bạn nâng cao sức khỏe và phòng ngừa một số bệnh tật.

1. Tìm hiểu về cây cải thìa

Cải thìa (hay cải bẹ trắng, bạch giới tử) có tên khoa học là Brassica rapa chinensis, thuộc họ Cải, cùng họ với cải thảocải bẹ xanh, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

cong-dung-cua-cai-thia-voh-0
Cải thìa là loại cải phổ biến trong bữa ăn gia đình (Nguồn: Internet)

Cải thìa là cây thân thảo, có màu xanh, gân giữa trắng, mọc cao khoảng 23 cm, cuống dày. Phiến lá hình bầu dục nhẵn, men theo cuống tới gốc nhưng không tạo thành cánh. Hoa nhỏ màu vàng mọc trên các cuống cao. Quả cải thìa dài, có mỏ. Hạt tròn, màu nâu tím.

Bên cạnh là loại rau rất gần gũi với các món ăn của người Việt, thường được trồng phổ biến khắp nơi và quanh năm. Cải thìa cũng đã được ghi nhận khá nhiều lợi ích về mặt sức khỏe con người.

2. Ăn cải thìa có tác dụng gì cho sức khỏe?

Theo đông y, cải thìa còn có vị ngọt, cay, tính ấm; có tác dụng thông khí trừ đờm, làm ấm tỳ vị và kích thích tiêu hóa...

Các nghiên cứu y học cũng ghi nhận, cải thìa là một nguồn cung cấp dồi dào bao gồm các vitamin và khoáng chất như calo, chất đạm, chất béo, chất xơ, sắt, canxi, vitamin A, vitamin C, vitamin K, chất chống oxy hóa.... Chính nhờ có thành phần dinh dưỡng đa dạng nên ăn cải thìa có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như:

2.1 Có thể có đặc tính chống ung thư

Các loại rau thuộc họ Cải thường có tiềm năng chống ung thư. Trong cải thìa chứa chất chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ ung thư miệng, thực quản, đại trực tràng, vú và thận (1).

Ngoài ra, trong cải thìa còn chứa chất khoáng selen, đây là chất có thể có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú, phổi, thực quản, dạ dày và tuyến tiền liệt. (2)

2.2 Hỗ trợ tuyến giáp

Một trong những tác dụng của cải thìa là giúp hỗ trợ chức năng tuyến giáp. Khoáng chất selen trong cải thìa có thể giúp tuyến giáp hoạt động bình thường, đồng thời giúp kiểm soát tốt các vấn đề như suy giáp, viêm tuyến giáp tự miễn và bệnh bướu cổ.

2.3 Tốt cho xương

Một số khoáng chất có trong cải thìa như canxi, kẽm, phốt pho, magiê và vitamin K đã mang đến cho cải thìa công dụng hỗ trợ xương chắc khỏe.

Thành phần kẽm và sắt trong cải thìa đóng một vai trò trong quá trình tổng hợp collagen và chuyển hóa vitamin D. Collagen là một loại protein tạo thành một "ma trận" trong khớp và hệ thống xương của bạn, giúp duy trì cấu trúc và sức mạnh của xương.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng phát hiện khi các khoáng chất kể trên bị giảm sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương, nhất là ở người lớn tuổi. (3) (4)

2.4 Cải thiện sức khỏe tim mạch

Cải thìa chứa một lượng chất xơ pha trộn với các khoáng chất bao gồm magie và canxi, giúp bảo vệ tim mạch, làm sạch động mạch, loại bỏ tất cả cholesterol LDL ( xấu ) ra khỏi cơ thể.

Ngoài ra, cải thìa cũng là một nguồn cung cấp folatevitamin B6 dồi dào, giúp kiểm soát và ngăn chặn sự tích tụ homocysteine – một hợp chất này có thể làm hỏng các mạch máu và tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.

2.5 Chống thiếu máu

Thiếu máu thiếu sắt có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt ở những bạn gái đã ở tuổi dậy thì, nó còn gây hại cho sự phát triển nhận thức của thai nhi. Cải thìa chứa hàm lượng folate và sắt dồi dào, vì thế, ăn cải thìa có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả, từ đó cải thiện việc sản xuất các tế bào hồng cầu của cơ thể. 

Xem thêm: Nhận biết bệnh thiếu máu thiếu sắt để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa tốt nhất

2.6 Ngăn ngừa bệnh mãn tính

Cải ngọt cũng giống như các loại rau họ cải khác, hợp chất lưu huỳnh trong cải thìa hoạt động như chất chống oxy hóa có tác dụng loại bỏ các gốc tự do gây hại khiến các tế bào khỏe mạnh hoặc gây ra stress oxy hóa trong các mô và hệ thống cơ quan.

2.7 Tăng khả năng miễn dịch

 

cong-dung-cua-cai-thia-voh-1
Ăn cải thìa giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể (Nguồn: Internet)

Khoáng chất selen và hàm lượng vitamin C được tìm thấy trong cải thìa có khả năng cải thiện phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng bằng cách kích thích sản xuất tế bào T xác định và tiêu diệt vi khuẩn và vi rút xâm nhập. Do đó, một trong những tác dụng của cải thìa là giúp tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.

2.8 Chống viêm

Cải thìa chứa một lượng choline dồi dào, một chất chống viêm và có thể tăng cường trí nhớ. Ngoài ra, nó cũng làm dịu chứng viêm và giảm khả năng mắc các bệnh liên quan đến viêm như đau khớp, viêm khớp.

2.9 Bảo vệ sức khỏe đôi mắt

Ngoài cà rốt, thì cải thìa cũng là một nguồn chứa vitamin A và beta carotene dồi dào, đây là một dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho đôi mắt của bạn được khỏe mạnh, cũng như giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh về mắt do tuổi tác.

2.10 Tốt cho da

Cải ngọt là một nguồn vitamin C dồi dào. Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu có đặc tính chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa tổn thương do ánh nắng mặt trời, ô nhiễm và khói thuốc gây ra.

Không những vậy, vitamin C còn thúc đẩy khả năng làm mờ nếp nhăn của collagen và cải thiện kết cấu da tổng thể, duy trì làn da sáng từ bên trong và thúc đẩy sản xuất collagen trong cơ thể. 

3. Bà bầu ăn cải thìa có tốt không?

Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu folate trong cơ thể mẹ bầu có thể sẽ tăng gấp đôi. Các mẹ bầu nếu không cung cấp đủ axit folic (folate/vitamin B9) cho cơ thể có thể dẫn đến các biến chứng như nứt đốt sống và chứng não ở thai nhi.

Do đó, bạn cần kết hợp các loại rau lá xanh đậm vào chế độ ăn uống của bạn, chẳng hạn như cải thìa để có thể giúp bạn bổ sung một lượng folate cần thiết cho cơ thể, nhằm đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Ngoài ra, cải thìa giàu chất xơ, vitamin A cùng các dưỡng chất có lợi khác, cho nên, bà bầu ăn cải thìa có thể phòng ngừa được chứng táo bón, các bệnh về mắt cũng như điều hòa huyết áp ổn định trong suốt thai kỳ.

Xem thêm: 'Bật mí' 5 lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn cải thìa trong thai kỳ

4. Cải thìa làm món gì ngon?

Cải thìa phổ biến và gần gũi với bữa ăn gia đình, do đó, các món ăn từ cải thìa cũng vô cùng đa dạng. Bạn có thể dùng cải thìa làm nguyên liệu cho các món canh hoặc món xào, bên cạnh món luộc quen thuộc.

cong-dung-cua-cai-thia-voh-2
Cải thìa có thể làm được khá nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số ý tưởng về cách chế biến cải thìa trong bữa ăn gia đình mà bạn có thể tham khảo:

  • Cải thìa xào tỏi
  • Gà hấp cải thìa
  • Cải thìa xào nấm đông cô
  • Cải thìa xào thịt bò
  • Canh cải thìa nấu tôm
  • Cải thìa xào đậu phụ
  • Canh cải thìa cá thác lác
  • Cải thìa sốt thịt bò

Xem thêm: Cải thìa làm món gì ngon? Lưu ngay 8 món ăn hấp dẫn, dễ làm

5. Ăn nhiều cải thìa có sao không?

Mặc dù cải thìa mang lại nhiều lợi cho sức khỏe, nhưng nó cũng có thể mang lại những mối nguy cơ tiềm ẩn nếu như bạn tiêu thụ với một lượng lớn.

Ở dạng sống, chưa được nấu chín, cải thìa có chứa một loại enzyme gọi là myrosinase giúp phá vỡ glucosinolate. Khi chất  glucosinolate bị phân hủy nó có thể ức chế cơ thể bạn hấp thụ iốt – một chất rất quan trọng đối với chức năng tuyến giáp.

Ngoài ra, những người đang sử dụng thuốc chống đông máu nên hạn chế ăn cải thìa, bởi trong cải thìa rất giàu vitamin K. Nếu sử dụng các thực phẩm giàu vitamin K có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc chống đông máu.

6. Thành phần dinh dưỡng có trong cây cải thìa

Trong 100g cải thìa, chứa các thành phần dinh dưỡng dưới đây:

  • Nước: 93.2 g
  • Năng lượng: 17 Kcal
  • Chất đạm: 1.4g
  • Chất béo: 0.2g
  • Chất đường bột: 2.4g
  • Chất xơ: 1.8g
  • Canxi: 50mg
  • Sắt: 0.70mg
  • Magie: 25mg
  • Photpho: 30mg
  • Kali: 200mg
  • Natri: 25mg
  • Kẽm: 0.75mg
  • Đồng: 90μg
  • Selen: 0.5μg
  • Vitamin C: 26mg
  • Vitamin B1: 0.09mg
  • Vitamin B2: 0.07mg
  • Vitamin PP: 0.4mg
  • Vitamin B5: 0.088mg
  • Vitamin B6: 0.194mg
  • Vitamin E: 0.09mg

Nhìn chung, cải thìa là loại cải thông dụng và thường thấy rất nhiều trong các bữa ăn gia đình. Cải thìa giàu dinh dưỡng, nếu được tiêu thụ một cách hợp lý chúng sẽ mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.